Lớp 1 mới học được 5 tuần mà đã phải đọc những câu văn dài là khá nan giải

08/10/2020 14:21
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lớp có 40 học sinh thì đã rất vất vả cho giáo viên lớp 1, nhưng có nhiều trường hiện nay sĩ số học sinh lên đến hơn 50 em một lớp thì thật sự quá khổ để dạy học.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 tại bậc tiểu học.

Thay vì chỉ có một bộ sách như trước, chương trình mới cho phép các trường chọn lựa trong 5 bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Nhưng sau một tháng vào năm học mới và triển khai chương trình, không ít phụ huynh và giáo viên đều có những tâm tư về nội dung sách giáo khoa mới, và có ý kiến nói chương trình mới chạy quá nhanh, cũng có quan điểm cho rằng là quá nặng đối với học sinh lớp 1.

Nhiều ý kiến cho rằng nhìn tổng thể mức độ cần đạt khi kết thúc chương trình thì không cao hơn so với chương trình cũ, nhưng tiến độ chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 mới nhanh hơn, yêu cầu cao hơn là một thực tế không thể phủ nhận.

Các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học lômônôxốp (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TD.

Các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học lômônôxốp (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TD.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Phạm Thị Lý - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học lômônôxốp (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ:

“Nói về chương trình sách giáo khoa mới năm nay thì theo tôi các chuyên gia về Giáo dục đã nghiên cứu rất kỹ, sách in đẹp với nội dung chú trọng đến phát triển phẩm chất năng lực, tạo cơ hội cho học sinh được làm việc nhiều hơn và mang tính hiện đại. Đó là những ưu điểm nổi bật.

Nhưng khi chúng tôi triển khai dạy thực tế trong thời gian vừa qua và bản thân tôi cũng đã đi dự nhiều tiết dạy ở một số nhà trường, cũng như nghe phản ánh của nhiều giáo viên thì thấy có một số tồn tại khá nan giải.

Ở môn Tiếng Việt tôi thấy ngữ liệu dài quá, lượng tiếng và câu khá nhiều. Ví dụ như hiện nay đang là tuần thứ 5 tính từ đầu năm học mà bài tập đọc của học sinh đã có tới 3 câu, điểm này khá nặng so với chương trình cũ.

Trước đây giáo viên dạy hết âm rồi mới dạy đến vần và như vậy học sinh sẽ không bị lẫn âm, tiếng, vần, từ. Nhưng hiện nay theo sách giáo khoa mới đang học âm lại đan xen học vần, rồi lại sang học âm…

Dẫn đến học sinh không phân biệt được đâu là âm, đâu là vần, đâu là tiếng hay từ. Tất nhiên cũng không phải là tất cả học sinh đều như vậy nhưng cũng là đa số. Giáo viên cũng rất khó trong quá trình dạy trên lớp.

Điểm khó và nổi bật nhất của môn Tiếng Việt năm nay đó là từ, câu, chữ, tiếng quá nhiều và dài, thời lượng 35 phút cho 1 tiết học thì tôi thấy các trường sẽ khó mà tải nổi lượng kiến thức cho học sinh, phải tầm 60 phút thì mới có thể hòm hòm được.

Các môn khác thì đang có tình trạng các câu lệnh nhiều chữ quá, học sinh chưa biết đọc nên không thể hiểu được sách yêu cầu làm gì? Và giáo viên thường xuyên phải nói hộ, thậm chí nói đi nói lại rất nhiều lần câu lệnh đó thì học sinh mới làm được.

Với chương trình cũ thì những câu lệnh này thường dùng kí hiệu rất đơn giản và dễ hiểu, học sinh chỉ cần nhìn vào là hiểu được ngay vì các con chưa biết đọc.

Ví dụ như trong cuốn Tự nhiên xã hội thì câu lệnh rất nhiều, chữ rất dài mà toàn những vần, từ các em chưa được học và trong những tuần đầu năm học này thì đó là vấn đề rất khó cho học sinh cũng như các giáo viên. Nếu nói khách quan thì tôi nghĩ các trường cũng rất khó tải nổi”.

Theo cô Lý: “Nếu để nói là các đoạn văn, câu văn cho học sinh tập đọc có khó đọc và trúc chắc hay không thì cũng không hẳn như vậy, nhưng số lượng câu trong một bài đọc vẫn đang bị dài và nhiều.

Còn câu văn cũng không đến nỗi trúc trắc quá, không quá khó đọc và dễ hiểu nghĩa. Chỉ có điều đối với học sinh lớp 1 mới học được 5 tuần và chưa học hết âm mà đã phải đọc những câu văn dài như thế thì cũng khá nan giải”.

Sĩ số lớp quá đông cũng là nguyên nhân?

Theo cô lý: “Việc học sinh khó tiếp thu được kiến thức ở đây cũng một phần là do sĩ số học sinh quá đông trong một lớp, vì đối với học sinh lớp 1 gần như phải cầm tay chỉ việc trong hầu hết mọi hoạt động.

Nếu như một lớp mà lên đến 40 học sinh thì đã là rất vất vả cho giáo viên, chứ tôi chưa nói đến có nhiều trường hiện nay sĩ số học sinh còn hơn 50 em trong một lớp thì thực sự là rất khổ cho các giáo viên dạy lớp 1.

Để mà giáo viên đến được với từng em học sinh, cầm tay uốn nắn, hướng dẫn đọc, ghép vần...trong một tiết học thì là điều không thể. Vậy nên học sinh cũng phần nào bị thiệt thòi trong việc được giáo viên truyền dạy kiến thức, uốn nắn kỹ năng.

Để vượt qua được học kỳ 1 của lớp 1 năm nay là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ của các giáo viên, nhất là với những trường có sĩ số học sinh đông mặc dù các giáo viên đã được tập huấn đầy đủ nhưng lực bất tòng tâm. Một giáo viên không thể quán xuyến được hết mấy chục học sinh trong 1 tiết học”.

Tùng Dương