Trong khi Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh - thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn; Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực quả quyết: việc (chương trình) nặng có chăng do nhà trường, giáo viên chưa biết cách đổi mới phương pháp dạy học.
Cả 5 bộ sách kiến thức đều nặng (Ảnh: Thùy Linh) |
Và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình mới, Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa Cánh Diều cũng đồng quan điểm: “Tôi cho rằng, việc học nhẹ hay nặng một phần do cách dạy của giáo viên”.
Thì Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 Tổng chủ biên bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thừa nhận chương trình tiếng Việt năm 2018 cao hơn chương trình tiếng Việt năm 2000.
Lý giải cho việc chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải cao hơn chương trình tiếng Việt năm 2000
Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng nói: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn chương trình tiếng Việt năm 2000, nhưng cao hơn là điều tự nhiên vì chương trình năm 2000 đã sử dụng 20 năm.
Trong 20 năm qua, điều kiện dạy học, môi trường phát triển, ngôn ngữ của trẻ hơn nhiều chưa kể thời lượng môn tiếng Việt tăng lên 70 tiết cả năm.
Đổi mới chương trình không lẽ lại quay lại mức yêu cầu chương trình của cách đây hơn 20 năm được? Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với học sinh có cao hơn một chút cũng là chuyện bình thường.
Trước phản ứng của giáo viên, phụ huynh về chương trình, về sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục vẫn khẳng định học sinh mới học 1 tháng nên chưa thể nói chương trình nặng hay không nặng.
Thế nhưng, cứ làm phép so sánh sẽ rõ: Trong chương trình tiếng Việt năm 2000, chuẩn kiến thức kĩ năng của học sinh lớp 1 chỉ yêu cầu tốc độ đọc của các em 30 tiếng/phút.
Trong khi chương trình mới lại yêu cầu học sinh lớp 1 “Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc: 40 – 50 tiếng/phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ”. Ngoài ra, còn phải đọc được văn bản có độ dài 130 chữ trở lại.
Có thể thấy, yêu cầu kiến thức đối với học sinh lớp 1 đã tăng gần gấp đôi nên giáo viên, phụ huynh phản ứng là có cơ sở.
Bên cạnh đó, yêu cầu của chương trình mới là học xong lớp 1, học sinh phải viết được một câu trọn vẹn. Theo Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng đây không phải là yêu cầu cao so với học sinh nhiều nước trên thế giới vì các em có thể viết nghệch ngoạc nhưng viết được một đoạn văn và đọc được đoạn văn ấy trước lớp.
Không thể làm phép so sánh học sinh nước ta với học sinh nhiều nước trên thế giới
Vì, sĩ số học sinh trong mỗi lớp học ở các quốc gia phát triển không quá 25 em/lớp và thường có 2 giáo viên cùng phụ trách chưa nói đến điều kiện học tập, sinh hoạt của các em nơi ấy cũng vượt trội hơn nhiều học sinh của chúng ta.
Trong khi sĩ số học sinh ở nhiều địa phương ít nhất 35 học sinh/lớp và nơi nhiều nhất là 70 em/lớp.
Sĩ số học sinh quá đông trong một lớp luôn là vật cản lớn nhất đối với việc dạy và nâng cao chất lượng học tập của các em.
Chương trình VNEN nhập khẩu từ Colombia bị thất bại, một trong những nguyên nhân làm mô hình trường học mới VNEN thất bại được giáo viên chúng tôi đánh giá là do sĩ số lớp học quá đông. Nếu như tại nước Colompia, một lớp học có khi chỉ 10 em đến 15 em thì nước ta sĩ số gấp 2-3 lần như vậy.
Nay, nhiều nhà biên soạn chương trình của chúng ta căn cứ vào kĩ năng đọc, viết của học sinh các nước để xây dựng chương trình dẫn đến chương trình nặng cũng là điều dễ hiểu.
Chương trình tiếng Việt lớp 1 mới không chỉ nặng mà sách giáo khoa còn khá nhiều sạn
Thời gian này, trên các trang mạng đều ngập tràn hình ảnh những bài học trong sách tiếng Việt mới (không riêng một bộ sách mà gần như cả 5 bộ sách đều được điểm tên) bởi những tiếng, từ mang nặng âm sắc vùng miền gây khó cho học sinh như “mõm chó”, “cái chõ” (cái nồi đồ xôi), “chã”, “nhè”, hay những từ tự sáng tác như "nhá dưa", "nhá cỏ", "gà nhí", "gà nhép", “dưa đỏ”.
Những câu văn cụt lủn, hay những câu chuyện vô cảm như “Bé Hà, bé Lê”, “Sẻ, quạ”, “Lỡ tí ti mà”, không mang tính giáo dục thậm chí còn phản giáo dục như “Hai con ngựa”; “Cua, cò và đàn cá”, “Tấm cám”...
Đọc những bài tập đọc mà chủ yếu là chuyện ngụ ngôn được ghi chú là phỏng theo những tác giả nổi tiếng thế giới như An-Đéc-Xen, Lép-Ton-Xtôi, La Phông-Ten…nhưng bị cắt gọt khá nhiều nên đọc không còn thấy cái hay, tính giáo dục của câu chuyện.
Đã thế, mỗi chuyện được chia làm 2 bài đọc nhưng được phân bố dạy cách nhau 2 tiết. Học xong phần một, u học sinh chưa hiểu gì đến khi đọc phần 2 thì đã quên mất bài đã học ở phần 1.
Phần 1 câu chuyện (Ảnh Phan Tuyết) |
Thế nên mới có chuyện đọc xong phần 1 bài đọc “Cua, cò và đàn cá” có em hỏi cua ở đâu? (Phải qua 2 tiết sau mới học tiếp phần 2 và cua mới xuất hiện).
Phải 2 tiết sau mới học phần 2 (Ảnh Phan Tuyết) |
Ngoài những câu chuyện ngụ ngôn bị cắt xén, ép vào những âm vần đã học, còn khá nhiều truyện cổ nước ngoài, truyện của các dân tộc được ghi là phỏng theo nhưng đọc vào dễ dàng nhận ra đã thay đổi câu chữ khá nhiều.
Nhìn chung truyện không hay, không hấp dẫn, diễn biến không tiêu biểu, chắc chắn cũng không gây được hứng thú cho các em khi đọc. Trong khi có biết bao bài văn, bài thơ hay (sách giáo khoa trước năm 2000) mà học vài chục năm về trước nhưng nhiều người vẫn còn nhớ.
Trẻ nhỏ, đã hiểu gì về những câu chuyện ngụ ngôn mang tính giáo dục cao nhưng các bộ sách lại thi nhau chọn.
Các em chỉ cần học những đoạn văn viết về lòng nhân ái, những câu chuyện về đạo đức, về tình cảm gia đình, về trường lớp, thầy cô, bạn bè…những điều đơn giản nhưng dễ đi vào lòng. Trẻ sẽ thích thú và thích học hơn đọc những gì mà chúng không thể hiểu được.
Giá như trước khi viết sách, các nhà biên soạn sách giáo khoa sẽ mở cuộc thi để tuyển chọn những bài viết hay, những câu chuyện mang tính giáo dục cao, chúng tôi tin rằng những bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ không gặp phải những phản ứng dữ dội như bây giờ.
Tài liệu tham khảo:
https://www.facebook.com/VOV2CUOCSONGMUONMAU/videos/647542012619761