Sau khi Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài “Sắp tới chỉ giáo viên chủ nhiệm mới phải dự giờ, thăm lớp?”, “Dự giờ thăm lớp nhiều, có nâng cao chất lượng dạy và học?”, “Thầy cô ơi, đừng sợ dự giờ như thế”… đã thu hút được sự quan tâm của giáo viên trên cả nước.
Nhiều diễn đàn của thầy cô giáo trên mạng Facebook đã chia sẻ các bài viết, bàn luận sôi nổi, chứng tỏ mối quan tâm của thầy cô làm sao để nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm là nhu cầu bức thiết của mỗi người hiện nay.
Muốn được dự giờ ... cũng không phải dễ!
Cô giáo Mai Lan chia sẻ “Em đang là giáo viên tập sự, muốn được dự giờ những giáo viên khác ngoài giáo viên hướng dẫn mình, thế nhưng phải xin phép ... gãy cả lưỡi đấy ạ. Không phải muốn là đi dự, đi học đâu”.
Thầy giáo Nguyễn Hùng chia sẻ “Trường mình có gần 30 giáo viên, sau vài năm dự giờ, ai dạy thế nào, phong cách ra sao đã … thuộc lòng.
Cùng chuyên môn chỉ có vài người, cứ dự đi, dự lại thấy chán như ăn… mì tôm cả tháng. Thế nhưng muốn dự giờ giáo viên trường khác cũng không dễ chút nào”.
Và có rất nhiều chia sẻ khác, tựu trung lại là muốn dự giờ những giáo viên “có thương hiệu” để học tập nhưng không phải dễ.
Thật lòng mà nói, giáo viên dạy không muốn bị ai dự giờ, không muốn bị giám sát qua camera. Tâm lý này không phải không có nguyên nhân, từ trước đến nay sau khi dự giờ xong là có góp ý giờ dạy, các ý kiến nhận xét sau giờ học, nhằm mục đích đánh giá, xếp loại tiết dạy.
(Ảnh minh họa: Moet.gov.vn) |
Những ý kiến thảo luận, góp ý thường không đưa ra được giải pháp để cải thiện giờ dạy. Người dạy trở thành “mục tiêu”, bị phân tích, mổ xẻ, cân nhắc các thiếu sót.
Chỉ một lần chứng kiến, trải nghiệm cảm giác là mục tiêu, bị phân tích, mổ xẻ, cân nhắc các thiếu sót, giáo viên sẽ có tâm lý ngại người khác dự giờ khi dạy.
Cũng chính vì vậy khi có người dự giờ, giáo viên cố gắng dạy cho người dự xem chứ không phải cho học trò học, tiết dạy sẽ thành màn trình diễn, tùy cấp độ người dự mà diễn như thế nào thôi.
Muốn học tập người khác thì phải ... thân thiện
Người dự giờ để học tập nên cùng người dạy trao đổi, xây dựng, thiết kế giáo án; cùng thiết kế giáo án, người dự giờ để học tập sẽ học được cách thiết kế bài dạy của giáo viên có kinh nghiệm. Nói thành lời rất khó, nhưng cùng làm là cách dạy cách học hiệu quả nhất trong thiết kế giáo án.
Điều này chỉ có thể xảy ra khi cả hai có mối quan hệ thân thiện, biết rõ mục đích của nhau, hợp tác, tương trợ vì cùng nhau tiến bộ.
Người dự giờ quan sát, ghi chép, những hành vi, tâm lí, thái độ của người học để làm dữ liệu phân tích việc học tập của học sinh, chứ không phải chăm chăm vào nội dung, tiến trình của bài mà giáo viên đang dạy.
Sau tiết dạy, cùng trao đổi, chia sẻ về giờ dạy, tuyệt đối không mang tính nhận xét đánh giá người dạy. Cùng tìm ra giải pháp giải quyết các tồn đọng mà tiết dạy chưa thực hiện được, có như vậy cả hai mới cùng tiến bộ, cùng rút được bài học cho chính mình, tâm lý ngại người khác dự giờ sẽ mất đi.
Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học hiện nay đang đáp ứng nhu cầu học tập của giáo viên.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là hoạt động giáo viên cùng nhau học tập từ thực tế việc dạy và học.
Giáo viên cùng nhau thiết kế kế hoạch bài học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ. Không đánh giá, xếp loại giờ dạy, coi tiết dạy minh họa giáo án bài học đã xây dựng là sản phẩm chung, bài học chung để mỗi cá nhân tự rút kinh nghiệm.
Đồng thời đưa ra những nhận xét về sự tác động của hoạt động dạy của giáo viên, các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập giáo viên sử dụng có ảnh hưởng đến việc học của học sinh như thế nào.
Trên cơ sở đó, cùng chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp vào bài dạy hằng ngày của cá nhân mình cho phù hợp, hiệu quả.
Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học sẽ làm cho mối quan hệ giữa đồng nghiệp trở nên gần gũi, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.
Nói thì dễ, làm mới khó, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học chỉ thành công khi tất cả thành viên cùng vứt cái “tôi” của mình, thoát ra khỏi “ổ kén” bấy lâu mình tự dệt lên vì sự tiến bộ của mình, vì học trò.
Không so sánh học trò này với học trò khác trong học tập, đã đến lúc không nên so sánh giáo viên này với giáo viên khác. Quan trọng nhất là nhen lên ngọn lửa yêu nghề, giữ được ngọn lửa đó cho mỗi người thầy.