PGS Trần Xuân Nhĩ: Muốn cách chức Hiệu trưởng, phải do Hội đồng trường đề nghị

09/11/2020 10:29
Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ khẳng định như vậy, và tin rằng "Chính phủ, các cơ quan hành pháp sẽ không cho phép bất kỳ ai làm sai luật”.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 6/11 vừa qua, Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn việc cách chức Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng với Giáo sư Lê Vinh Danh có đúng luật hay không.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị các cơ quan, bộ ngành có các đại học trực thuộc tôn trọng mô hình, quy định về tự chủ đại học vì đây là một chủ trương lớn, đúng đắn của nhà nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ đánh giá Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang làm rất tốt chủ trương tự chủ, tạo được tiếng vang trong khu vực và thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ đánh giá Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang làm rất tốt chủ trương tự chủ, tạo được tiếng vang trong khu vực và thế giới.

Xung quanh vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã chia sẻ:

“Tôi thấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân hoàn toàn đúng. Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hết hạn thì phải thành lập Hội đồng trường mới, nhưng muốn có Hội đồng trường mới thì Hội đồng trường cũ phải đề nghị lên. Cái quy trình đấy đã trở thành luật và không thể thay đổi làm cách khác được. Hội đồng trường cũ trước đây đã hết hạn, nhưng chưa có quyết định nào bị giải thể.

Thêm nữa, tôi được biết từ tháng 4/2019 Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã ba lần thực hiện quy trình lập Hội đồng trường mới nhưng chưa được công nhận, vậy thì phải làm rõ lý do vì sao chưa được công nhận?

Nếu như chưa công nhận Hội đồng trường mới thì có nghĩa là Hội đồng trường cũ vẫn tồn tại. Thế nên bây giờ thành lập Hội đồng trường mới phải dựa trên Hội đồng trường cũ để tiến hành chứ không thể nào làm khác. Nếu làm khác có nghĩa là sai luật và chắc chắn Chính phủ, các cơ quan hành pháp sẽ không cho phép bất kỳ ai làm sai luật”.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng bày tỏ băn khoăn về việc cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng vội vàng. Muốn cách chức Hiệu trưởng phải do Hội đồng trường đề nghị lên và cơ quan chủ quản phê duyệt.

Trong trường hợp này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng không đề nghị lên mà cơ quan chủ quản lại ra quyết định cách chức. Như vậy, cơ quan chủ quản có làm đúng Luật Giáo dục Đại học, đúng với Nghị định 99? Đây là vấn đề cần được đưa ra xem xét đánh giá công khai, khách quan.

“Nếu làm không đúng luật thì tốt nhất phải tự giác sửa chữa bằng cách trả lại vị trí hiệu trưởng cho ông Lê Vinh Danh. Đấy là cách làm đúng đắn nhất!”, Phó Giáo sư Nhĩ nêu quan điểm.

Mô hình tự chủ của Trường Tôn Đức Thắng đạt được những thành tích vượt quá kỳ vọng ban đầu về mô hình đại học tự chủ tại Việt Nam. Trường liên tục lọt vào các bảng xếp hạng danh giá thế giới, nổi trội trong nghiên cứu khoa học và được thế giới đánh giá cao.

Mới nhất, theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2020 của US. News, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp thứ 623 thế giới và số 1 Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có trường đại học lọt top 700 thế giới.

Tại bảng xếp hạng US News 2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp thứ hạng 623 thế giới.

Tại bảng xếp hạng US News 2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp thứ hạng 623 thế giới.

Để có thành tích ấn tượng ấy, theo Phó Giáo Sư Trần Xuân Nhĩ: “Đó là kết quả sự cố gắng bền bỉ đóng góp của cán bộ, công nhân viên nhà trường, các cơ quan ở Thành phố Hồ Chí Minh, của công đoàn… trong đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của hiệu trưởng thời kỳ này là ông Lê Vinh Danh.

Trong xã hội này, bất kì một đất nước, quốc gia, tổ chức nào thành công cũng đều có dấu ấn rất quan trọng của người đứng đầu, giỏi cả về chiến lược, quản lý và là có uy tín lớn để tập hợp được đội ngũ giỏi cùng cống hiến cho trường.

Nhìn vào thành quả ấy thấy rằng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang thực hiện tự chủ một cách sáng tạo thì mới có tiếng tăm trong khu vực và thế giới như hiện nay.

Trong quá trình thực hiện tự chủ, tất nhiên có những thứ chưa phù hợp với quy định này, quy định kia thì phải khảo sát lấy ý kiến nhà trường để đề nghị sửa đổi làm sao điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng, bởi vì mọi quy định đặt ra là để phục vụ cho sự phát triển.

Ngay cả Luật Giáo dục Đại học vừa rồi, cũng đã phải sửa đổi, bổ sung, vì có những điểm phù hợp, có những điểm không phù hợp, có những cái mới phải đưa vào để điều chỉnh.

Phải có khảo sát cụ thể, nghiêm túc, minh bạch với những việc làm của ông Danh tại trường Tôn Đức Thắng, nếu có những điểm sáng tạo, phù hợp thực tế, phù hợp với chủ trương tự chủ hơn để có những sửa đổi để nhiều trường khác cũng có điều kiện thuận lợi phát triển như trường Tôn Đức Thắng.

Việc xử lý cách chức ông Lê Vinh Danh có đúng luật và đúng thẩm quyền hay không sẽ có cơ quan pháp luật của nhà nước quyết định. Tuy nhiên, trường Tôn Đức Thắng nói chung và ông Lê Vinh Danh nói riêng thực hiện mô hình tự chủ không chỉ cho riêng một cá nhân hay tổ chức nào, mà đó là đại diện điển hình nhất, thành công nhất của việc thực hiện chủ trương rất lớn của Đảng, nhà nước về tự chủ".

Kết thúc cuộc trao đổi với Giáo dục Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi gắm: “Việc ứng xử với trường Tôn Đức Thắng như thế nào để chủ trương tự chủ được phát triển là rất quan trọng. Nếu chủ trương tự chủ không đi vào thực tế thì nền giáo dục đại học Việt Nam không thể vươn lên chấp cánh được.

Tự chủ là chủ trương phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã làm nghiêm túc mô hình này đạt được những thành tựu nhất định. Vì vậy, cần sự minh bạch xem ai đúng, ai sai trong việc này. Nếu đúng thì cần ghi nhận và tiếp tục phát huy, nếu sai luật thì cần xử lý vì đã làm méo mó những gì chủ trương Nhà nước đề ra”.

Kim Anh