Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu 4 vấn đề tự chủ đại học cần tháo gỡ

27/11/2020 09:39
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề tự chủ đại học đã được đặt ra từ năm 1998 tuy nhiên khi triển khai thì còn nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn.

Ngày 27/11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học – từ chính sách đến thực tiễn”.

Đến dự hội thảo có Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo trung ương cùng đại diện nhiều trường đại học.

Vấn đề tự chủ đại học đã được đặt ra từ năm 1998 tuy nhiên khi triển khai thì còn nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn chính vì vậy Ủy ban tổ chức hội thảo này để chuyên gia, đại biểu cùng nhau thảo luận về cơ chế tự chủ và tài chính đại học trong giai đoạn hiện nay.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng rất hoan nghênh và trân trọng sự hiện diện của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị Đại biểu Quốc hội, các vị đại diện các Đoàn Ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các vị chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các nhà quản lý giáo dục đã tham dự Hội thảo quan trọng này.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo hội thảo (ảnh: Phạm Minh)

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo hội thảo (ảnh: Phạm Minh)

Phó chủ tịch Quốc hội Cũng hoan nghênh Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chủ động, năng động, sáng tạo trong các cuộc Hội thảo như: Hội thảo về chủ trương giáo dục phổ thông; về giáo dục Đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế; về đổi mới giáo dục nghề nghiệp đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong nước, ngoài nước cùng bàn về những vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đã trở thành diễn đàn thường niên.

Cho nên theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các cuộc hội thảo như thế này do Ủy ban tổ chức là hoạt động quan trọng gắn Quốc hội với cử tri, gắn việc hoạch định chính sách của Nhà nước với tiếng nói của các chủ thể liên quan một cách trực tiếp. Đây cũng là cách làm mới, hiệu quả, rất cần phát huy.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, đều được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước.

Với Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu nên việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội, được mọi người dân, mọi gia đình cùng quan tâm.

Mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Giáo dục đại học với chức năng là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo ra tri thức, sản phẩm mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm Quốc phòng - An ninh và hội nhập quốc tế.

Đồng thời đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe tốt, có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc và có ý thức phục vụ nhân dân.

Các đại biểu tham dự hội thảo (ảnh: Phạm Minh)

Các đại biểu tham dự hội thảo (ảnh: Phạm Minh)

"Trên 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng.

Đặc biệt có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam", Phó chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chính vì vậy, theo Phó chủ tịch Quốc hội: “Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai; trên cơ sở đó, đề xuất những ý tưởng, những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hướng thực hiện và kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tự chủ giáo dục đại học, phát huy sáng tạo của các cơ sở đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước”.

Đại biểu tham dự hội thảo (ảnh: Thùy Linh)

Đại biểu tham dự hội thảo (ảnh: Thùy Linh)

Theo đó, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải chăng hội thảo cần dân chủ thảo luận, tập trung vào một số nội dung:

Một là, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ phải có trách nhiệm giải trình theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm đã tôn trọng quyền đó của các cơ sở đại học hay chưa?

Điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, trách nhiệm của hội đồng trường; hội đồng đại học đã phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng thế nào?

Quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế về quản lý nội bộ, các chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước quy định ra sao?

Hai là, về quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn - đây là vấn đề lớn. Các quy định về thực hiện tiêu chuẩn, chất lượng, việc mở ngành, việc tuyển sinh, việc đào tạo gắn hoạt động khoa học công nghệ, việc hợp tác trong nước và quốc tế sao cho phù hợp với quy định của nhà nước và hệ thống pháp luật chuyên ngành quy định những nội dung quan trọng này.

Ba là, về quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, về tiêu chuẩn, danh mục việc làm liên quan đến tuyển dụng, sử dụng hoặc cho thôi việc với giảng viên, các viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học.

Đây là một trong những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, có bước đi, cách làm phù hợp, vừa trân trọng và có tính kế thừa đội ngũ cán bộ, chuyên gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.

Bốn là, đặc biệt rất cần hoàn thiện quy chuẩn về quyền tự chủ trong tài chính và tài sản (kể cả các nguồn thu) quản lý sử dụng tài chính, tài sản, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng đối với người học?

Khi chúng ta bàn về tự chủ đại học rất cần quan tâm đến trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm và phải nghiêm túc thực hiện kiểm toán đầu tư mua sắm, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trước chủ sở hữu, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền, đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi phải vừa chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nội dung trong quản lý nhà nước của mình ra sao?

Được biết, kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, và quyết định các chính sách phát triển giáo dục đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển giáo dục đại học hiệu quả hơn trong thời gian tới. Một lần nữa tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí đã chuẩn bị các nội dung tham gia, với tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển nền giáo dục nước nhà.

Thùy Linh