Năm 2020, ngành giáo dục vừa chống dịch vừa tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp

24/12/2020 06:44
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp trung học phổ thông, bảo đảm “vừa sức”, không đánh đố.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 thay cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, trách nhiệm của các địa phương, Kỳ thi đã được tổ chức rất thành công, đáp ứng được mục tiêu kép: vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp trung học phổ thông, bảo đảm “vừa sức”, không đánh đố thí sinh, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Phổ điểm từng môn thi (theo đợt thi và địa phương) và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích chi tiết và thông tin công khai.

Năm 2020, ngành giáo dục vừa chống dịch vừa tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp (ảnh: Thùy Linh)

Năm 2020, ngành giáo dục vừa chống dịch vừa tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp (ảnh: Thùy Linh)

Chia sẻ với Tạp chí Giáo dục Việt Nam về phổ điểm các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Phổ điểm kỳ thi trung học phổ thông năm ngoái và năm nay theo hướng ngày càng đẹp hơn.

Nguyên nhân theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến là do việc tổ chức kỳ thi kỷ cương hơn nên mức độ đồng đều giữa các khu vực khác nhau cũng tốt hơn, điểm thi được đánh giá khách quan hơn.

Việc các môn thi (trừ Ngữ Văn) thi theo hình thức trắc nghiệm với ngân hàng câu hỏi ngày càng lớn, độ tin cậy cao cũng là yếu tố quan trọng giúp cho phổ điểm thi ngày càng đẹp hơn.

Đánh giá về nỗ lực của ngành giáo dục tổ chức kỳ thi, thầy Khuyến cho rằng, kỳ thi năm nay diễn ra trong điều kiện dịch bệnh, trước khi diễn ra kỳ thi xã hội chao đảo với nhiều ý kiến khác nhau; không ít người, không ít địa phương muốn tạo ra áp lực để không tổ chức kỳ thi.

“Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo đã kiên quyết tổ chức kỳ thi này và thực tế cho thấy, việc tổ chức kỳ thi là đúng đắn và chính xác.

Chúng ta thử hình dung nếu không có kỳ thi này, trong điều kiện bệnh thành tích vẫn còn ở không ít địa phương, cơ sở giáo dục thì việc xử lý kết quả cho tuyển sinh đại học và phân luồng học sinh như thế nào”, ông Lê Viết Khuyến nói.

Phân tích về 2 điểm thành công của kỳ thi năm nay, ông Lê Viết Khuyến nhận định: "Trước hết, là việc tổ chức kỳ thi rất nghiêm túc. Chính phủ đã giao kỳ thi cho địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát.

Nhiều người ban đầu không tin và cho rằng giao về địa phương có thể có gian lận nhưng thực tế đã diễn ra không phải như thế. Qua đây cho thấy, lãnh đạo các địa phương đều có ý thức đảm bảo kỳ thi an toàn, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh”, ông Khuyến nhìn nhận.

Theo ông Khuyến, trước khi kỳ thi diễn ra khá nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tổ chức kỳ thi với mục đích là để xet tốt nghiệp thì đề thi sẽ không thể hiện được sự phân hóa giúp các trường đại học dựa vào đó để tuyển sinh được.

Nhưng kết quả phổ điểm cho thấy một sự phân hóa rất rõ ràng trong đề thi, và đó là câu trả lời cho những người nghi ngờ kỳ thi này không phục vụ được cho mục đích tuyển sinh. “Đó là thành công thứ hai của kỳ thi năm nay”, ông Khuyến khẳng định.

Đặc biệt, năm 2020, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đối sánh kết quả thi với điểm học bạ, kết quả đối sánh được công bố ngay sau khi có kết quả thi đợt 1 cho thấy điểm thi và điểm học bạ của các địa phương cơ bản “tuyến tính” với nhau, nghĩa là kết quả thi cơ bản phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các địa phương.

Thành công của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, qua đó khẳng định thành quả của quá trình đổi mới tổ chức kỳ thi cũng như những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua.

Còn về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm những năm gần đây đã nền nếp, chất lượng hơn, giảm nhiều áp lực, tốn kém cho thí sinh và các trường so với trước đây. Các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã phát huy tốt tinh thần tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, như xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực... qua đó góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của các trường.

Đồng thời, việc cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, được sự hỗ trợ của công nghệ “lọc ảo”, là việc làm nhân văn giúp thí sinh giảm nỗi lo điểm cao vẫn trượt đại học như trước đây. Bên cạnh đó, các trường đã chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình dịch Covid-19, thể hiện trách nhiệm xã hội, đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết.

Năm nay, cả nước có 528.038 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 7,84% so với năm 2019. Số thí sinh đăng ký xét tuyển là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.494.210, giảm 3,14% so với năm 2019. Cập nhật đến hết ngày 27/9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tỷ lệ điều chỉnh đạt 42,49%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với một số ngành đào tạo đặc thù. Ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 16,5- 18,5 điểm (tăng 0,5 điểm so với năm 2019). Ở nhóm ngành đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 19-22 điểm (tăng 1 điểm so với năm 2019).

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc quy định “điểm sàn” đối với 02 nhóm ngành này là để kiểm soát chất lượng đầu vào, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sư phạm và y tế.

Thùy Linh