Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia Trần Đức Cảnh, Thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực (2016 – 2021) cho rằng, thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục luôn là một quá trình dài, cần phải kiên trì thì mới mong nhìn thấy kết quả thực của nó. Riêng bậc giáo dục đại học cần một cuộc “đại phẫu thuật” mới có thể bắt nhịp được với nền giáo dục của các nước tiên tiến.
Chính vì vậy, bước sang năm mới 2021, chuyên gia Trần Đức Cảnh có một số kỳ vọng cho giáo dục đại học và bậc phổ thông.
Thứ nhất, năm 2021, chuyên gia Trần Đức Cảnh hi vọng cơ chế tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 được áp dụng ở hầu hết các trường.
Tuy có phần nào lúng túng trong khâu thực hiện ban đầu, đặc biệt là ở các trường công lập, nhưng để phát triển một đại học bền vững và lâu dài, cơ chế tự chủ (bao gồm cả nội dung chương trình, quyết định tổ chức nhân sự và tài chính) không thể thiếu trong giáo dục đại học.
Ngoài một số ngành đặc thù như công an, quân đội thì một đại học chưa thực hiện được cơ chế tự chủ thì xem như chưa thực sự trưởng thành.
“Tôi cho rằng, năm 2021 sẽ là năm bản lề cho việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học trên diện rộng, các “mảng xám” vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, bộ phận trong và ngoài trường cũng sẽ rõ dần.
Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các trường lúc này là vô cùng cần thiết, các hội thảo, diễn đàn và hỗ trợ kỹ thuật từ các trường, chuyên gia giáo dục nước ngoài ... Vai trò của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam rất cần thiết cho việc này. Dù việc tự chủ đại học còn nhiều thách thức, nhưng mang ý nghĩa cốt lõi trong công cuộc đổi mới giáo dục đại học, không thể thiếu.
Chính vì vậy, chúng ta cần đặt lại một số vấn đề mang tính cấu trúc của hệ thống giáo dục và đào tạo ở tầm vĩ mô, gồm hệ cao đẳng/đại học và phân luồng sau trung học cở sở”, Thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nói.
Chuyên gia Trần Đức Cảnh, Thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực (2016 – 2021) (ảnh: nguồn website Trường Đại học Hoa Sen) |
Thứ hai, ở các nước phát triển, hệ cao đẳng là một phần và gắn liền với hệ đại học, tên gọi chung là Higher Education. Cao đẳng còn gọi là đại học 2 năm, liên thông trực tiếp lên đại học. Tính hợp lý trong tổ chức và vận hành chương trình rất cao cùng với việc điều tiết, sử dụng nguồn lực hiệu quả. Nhu cầu nhân lực của nền kinh tế ở trình độ cao đẳng rất cao, bình thường gấp 2-3 lần đại học, nếu cấu trúc hợp lý.
"Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng có thể vừa đi làm vừa học lấy bằng đại học, nếu có nhu cầu, theo tinh thần học suốt đời. Trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay, cấu trúc chương trình như thế lại càng có ý nghĩa và tính thực tiễn cao", vị chuyên gia này nhận định.
Thứ ba, nhìn nhận của ông Trần Đức Cảnh cho thấy, chúng ta đã nói nhiều về phân luồng sau trung học cơ sở từ rất nhiều năm trước, cấu trúc này hoàn toàn hợp lý với bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay và lâu dài.
Tuy nhiên, khâu thực hiện thì chưa được như mong muốn, số lượng học sinh theo hệ này không nhiều vì cho là chưa đủ hấp dẫn, một phần là do đầu tư cơ sở vật chất, lực lượng giảng dạy cho loại trường này còn hạn chế.
"Theo tôi, phân luồng sau trung học cơ sở theo tỷ lệ 30/70 trong 10 năm tới là hợp lý, 30% chọn trung học chuyên môn và 70% theo chương trình trung học phổ thông.
Cấu trúc chương trình trung học chuyên môn ở các nước, học sinh học song song với trung học phổ thông và được cấp bằng tương đương. Thời lượng học văn hóa của học sinh trung học chuyên môn ít hơn trung học phổ thông khoảng 40%, nhưng học sinh có đủ kiến thức căn bản để có thể tốt nghiệp bậc trung học, một số có thể tiếp tục học cao đẳng hay đại học.
Bình thường học sinh hệ chuyên môn phải học, thực tập và làm việc khoảng 40 giờ/ tuần trong thời gian 3-4 năm (lớp 9 hay lớp 10 đến lớp 12), bao gồm mùa hè. Thời lượng chương trình học chuyên môn và thực tập khoảng 20 giờ/tuần hay 2.400 – 2.800 giờ cho toàn thời gian chương trình như ngành điện, cơ khí, ôtô, xây dựng, nấu ăn, du lịch … đủ để học sinh có kiến thức và kinh nghiệm để có thể đi làm sau khi tốt nghiệp.
Dư luận cho rằng trong giai đoạn hiện nay học sinh không muốn học trung học nghề hay cao đẳng mà chỉ muốn học đại học, điều này không sai. Nhưng theo tôi thì suy nghĩ này mang tính giai đoạn, một khi thực tế chứng minh được học sinh tốt nhiệp có việc làm, thu nhập ổn định và hướng, khả năng phát triển, cơ hội học lên, thì suy nghĩ sẽ thay đổi. Quan trọng là khâu triển khai thực hiện hoàn chỉnh.
Hệ đào tạo nghề không nằm trong chương trình cao đẳng và trung học chuyên môn nói trên", chuyên gia Trần Đức Cảnh nhấn mạnh.
Cuối cùng, kỳ vọng của chuyên gia này là năm 2021 cần thực hiện được cái khung cho mô hình và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn liền với phát triển kinh tế xã hội trong 25 năm tới (2021 – 2045), mà bản thân ông đã cố gắng xây dựng từ mấy năm qua.
Cấu trúc nguồn nhân lực của mỗi nền kinh tế có khác nhau, nhưng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực luôn có và cần thiết ở mỗi quốc gia ... là kim chỉ nam cho việc phát triển con người, định hướng nền giáo dục và đào tạo gắng liền với phát triển kinh tế trong nhiều thập niên tới.
Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đề xuất không theo khung cứng của nền kinh tế tập trung, chỉ đạo mà nhằm cung cấp thông tin, các dự báo cần thiết để cơ sở giáo dục và đào tạo, doanh nghiệp tham khảo, sử dụng trong việc lập kế hoạch cho riêng mình. Xã hội cũng rất cần có thông tin để định hướng tương lai của con cái.
"Ngành giáo dục và riêng giáo dục đại học đã và đang gặp rất nhiều thử thách, thử thách lớn nhất hiện nay là niềm tin của xã hội, nhưng tôi tin là giáo dục Việt Nam đang dần định hình và chuyển đúng hướng. Tôi lạc quan là năm 2021 giáo dục đại học sẽ có những tín hiệu và phát triển tốt, đặc biệt là lĩnh vực hội nhập quốc tế", chuyên gia Trần Đức Cảnh kỳ vọng.