1 năm Chương trình phổ thông mới, phẩm chất người học chưa được quan tâm

11/01/2021 07:00
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ tập huấn đến biên soạn sách giáo khoa và các học liệu đi kèm thời gian qua cho thấy chúng ta chưa quan tâm phát triển phẩm chất của người học.

Khi chúng ta đặt vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì Ban chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết 29. Sau đó, để thực hiện chủ trương này, Quốc hội có Nghị quyết 88 xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới góp phần đổi mới căn bản toàn diện.

Tinh thần Nghị quyết 29 cũng như Nghị quyết 88 là chú trọng hơn vào việc dạy người chứ không chỉ chú tâm vào dạy chữ và tập trung phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Sau khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học được xây dựng, lấy ý kiến, thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định ban hành 26/12/2018.

Từ đó đến nay khi triển khai, chúng ta tập trung vào phát triển năng lực, đổi mới thay vì nhồi nhét kiến thức thì sang trang bị giúp học sinh hình thành năng lực tự học, sáng tạo, hợp tác, giải quyết vấn đề.

Nhưng theo quan sát của Giáo sư Phạm Hồng Tung – Chủ biên môn Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông mới khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

“Việc tập huấn để đưa vào triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên toàn quốc, các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý trên toàn quốc cũng như sự nỗ lực biên soạn sách giáo khoa và các học liệu đi kèm thời gian qua cho thấy chúng ta chưa quan tâm phát triển phẩm chất của người học”.

Mặc dù theo thầy Tung, ở chừng mực nhất định nào đó thì phẩm chất và năng lực đi liền với nhau, có những yếu tố trong nhân cách mà chúng ta khó phân biệt được đó là phẩm chất hay năng lực, nhưng chương trình giáo dục mới đã đặt ra 6 nhóm phẩm chất cốt lõi mà chúng ta mong muốn hình thành ở học sinh bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm học chăm làm, tự chủ, trung thực, trách nhiệm.

Do đó, khi áp dụng vào thực tiễn, chúng ta cần có phương pháp làm thế nào để phát triển được các phẩm chất cốt lõi đó của người học.

Muốn làm được điều này thì sự kết hợp giữa 3 môi trường giáo dục (gia đình – nhà trường – xã hội) đòi hỏi những giải pháp có cơ sở khoa học chắn chắn. Khi đã là khoa học thì nội dung giáo dục – cách thức tổ chức phải tạo ra sự bắc cầu và cơ chế của sự phối hợp đó tức là phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ phải rõ ràng.

Chương trình mở lối “rộng” cho sự kết hợp gia đình – nhà trường – xã hội

Thầy Tung tiết lộ: “Riêng đối với nội dung giáo dục để phối hợp giữa gia đình – nhà trường- xã hội thì khi phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đều quan tâm tới việc chương trình phải mở lối cho sự kết hợp của 3 môi trường giáo dục này”

Giáo sư Phạm Hồng Tung (ảnh: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội)

Giáo sư Phạm Hồng Tung (ảnh: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội)

Theo đó, đối với bậc tiểu học, nếu trước đây chúng ta quen với việc “mẹ kể con nghe” khi có những bài đọc liên quan đến chuyện cổ tích nhưng giờ mạch chính sẽ là “con kể mẹ nghe” ví dụ con ở trường cùng các bạn kể về chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh thì gợi ý về nhà cho phụ huynh cần lắng nghe con mình kể về câu chuyện này.

Điều này nhằm mục đích hình thành thói quen các con tự giác, chủ động trò chuyện với bố mẹ, bởi hiện nay đa phần trẻ về nhà giấu tiệt chuyện học hành diễn ra ở lớp đến khi bố mẹ biết để can thiệp thì đã quá muộn.

Hoặc một bài về môn Lịch sử thì cần xây dựng cho học sinh nhận thức rằng cùng một sự thật lịch sử nhưng có thể nội dung trình bày khác nhau, có độ vênh.

Do đó, bài tập giao cho các em là hãy kể lại về ký ức ngày đầu tiên em đến trường (đối với học sinh lớp 10) và đề nghị mẹ, bà (người đưa em đến trường lần đầu tiên) kể lại rồi từ đó học sinh so sánh 2 ký ức đó để thấy bản thân tự nhớ và nuôi dưỡng so với phụ huynh kể lại thì có thể có khác nhau. Và chúng ta chấp nhận sự khác nhau đó.

Ngoài ra, trong chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi những hoạt động trải nghiệm bắt buộc phải có sự tham gia của phụ huynh ở mức độ nào đó ví dụ mẹ dạy con gấp quần áo (đối với học sinh tiểu học), bố kể con nghe một câu chuyện bố đã trải qua ở xí nghiệp, cơ quan để từ đó con dựng lại câu chuyện bằng 1 vở kịch (đối với học sinh trung học).

Cần có nguồn nhân lực làm tư vấn học đường chuyên nghiệp

Ngoài ra, nhìn nhận từ thực tế, Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng, chúng ta cần tổ chức ngay những khóa tập huấn đào tạo cho nguồn nhân lực để làm tư vấn học đường. Mặc dù hiện nay các trường sư phạm hiện nay đã có đào tạo nhưng chưa thực sự đầy đủ.

“Hiện mới chỉ có một số trường tư thục ở Hà Nội có phòng tư vấn tâm lý học đường còn trường công thì rất ít. Trong khi cha mẹ cuốn vào công việc khiến trẻ bị bỏ rơi nhiều lắm. Do đó cần phải có tư vấn tâm lý chuyên nghiệp mới giúp được các em thoát ra khỏi những trạng thái tâm lý bất thường đó.

Đó là trong trường học còn ngoài xã hội cũng không tìm thấy bất cứ một tổ chức xã hội, thiết chế xã hội hay tài liệu hướng dẫn tư vấn nào để khi cần cha mẹ có thể tìm đến.

Ví dụ, tôi gặp vấn đề khúc mắc với con mà cần đối thoại với con thì xin hỏi tôi tìm đến địa chỉ nào để tư vấn? Ai sẽ giúp tôi? Hỏi sao chúng ta cứ mãi không chấm dứt chuyện học sinh đánh nhau, cha mẹ bất đồng quan điểm trong chuyện học hành với con cái… Đó là chưa kể, người lớn còn vượt đèn đỏ, tham nhũng, xả rác vừa bãi, văng tục chửi bậy thì giáo dục trẻ làm sao đây?”.

Tất cả những điều đó cho thấy hiện nay chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra cho giáo dục để phát triển phẩm chất, đó là điều Giáo sư Phạm Hồng Tung lo ngại nhất khi bước sang năm 2021 – năm thứ 2 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thùy Linh