Một góc nhìn khác trong chuyện cô giáo Nguyễn Thị Tuất tố bị trù dập

31/03/2021 09:20
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu xử lý kỉ luật với giáo viên vi phạm cũng phải xử lý trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, tổ chức đoàn thể nhà trường mới đảm bảo công bằng.

Cô Nguyễn Thị Tuất - giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) tố cáo, mình bị nhà trường "trù dập", học sinh quậy phá, hành hung cô giáo.

Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “cô giáo Nguyễn Thị Tuất” bạn sẽ có 403.000 kết quả trong vòng 0.45 giây.

Ảnh chụp màn hình tìm kiếm từ khóa “cô giáo nguyễn thị tuất”. (Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

Ảnh chụp màn hình tìm kiếm từ khóa “cô giáo nguyễn thị tuất”. (Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

Thế mới thấy chuyện cô giáo Nguyễn Thị Tuất viết lá đơn dài 13 trang giấy đang “nổi như cồn” trên báo chí và mạng xã hội.

Theo lời kiến nghị của cô Nguyễn Thị Tuất, thời gian vừa qua nhà trường liên tục gây khó dễ cho cô và chồng mình là thầy Phan Viết Nhân (cũng đang công tác tại Trường Tiểu học Sài Sơn B).

Cụ thể, Ban giám hiệu nhà trường không cho cô Tuất đứng lớp, còn chồng cô là thầy Nhân bị điều chuyển từ dạy khối lớp 5 xuống khối lớp 2, 3.

Đặc biệt, sự việc càng đẩy đi xa hơn khi cô Nguyễn Thị Tuất tố cáo học sinh khối 5 do cô giảng dạy liên tục quậy phá, hành hung cô giáo.

“Cứ đến tiết học của cô giáo, các học sinh đồng loạt làm việc riêng, không học bài, gây mất trật tự… Thậm chí, có những em còn mang theo chăn đến lớp, chơi bài trong giờ học...

Về việc này, cô đã nhiều lần báo cáo qua các buổi họp hội đồng, họp tổ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, báo cáo cả bằng văn bản, nhưng Hiệu trưởng bảo không thấy báo cáo gì” – cô Tuất nói.

Cô Tuất cho rằng, tất cả những việc làm trên đều có ''bàn tay'' của Ban giám hiệu nhà trường đứng sau xúi giục, dàn dựng nhằm ''hạ bệ'' cô [1].

Tuy nhiên, phát biểu trên truyền thông, các em học sinh, phụ huynh học sinh và đồng nghiệp của cô Tuất kể về sự việc không hoàn toàn giống, nếu không muốn nói là trái ngược với những gì cô Tuất phản ánh.

Giờ học mà học sinh nhốn nháo, trùm chăn và chơi bài trong lớp (Ảnh chụp clip Báo Người đưa tin)

Giờ học mà học sinh nhốn nháo, trùm chăn và chơi bài trong lớp (Ảnh chụp clip Báo Người đưa tin)

Chia sẻ về những tiết học do cô Tuất giảng dạy, em N.T.H - học sinh lớp 5D (trường Tiểu học Sài Sơn B) cho biết: “Trong giờ học, cô thường làm việc riêng là quay phim, chụp ảnh trong lớp. Việc giảng dạy, cô chỉ viết đầu bài rồi yêu cầu chúng con tự đọc sách. Vì thế mà hết Kỳ I con không có kiến thức gì về 2 môn học Lịch sử và Địa lý”.

Khi được hỏi về việc có hay không việc gây rối trong lớp, em H. khẳng định: “Chúng con không hành hung cô như cô nói. Nhưng vì trong tiết học, cô không nhắc nhở và quản lớp nên các bạn có thể thoải máy chạy nhảy, làm việc riêng trong lớp."

Được biết, học sinh này đã nhiều lần viết thư kiến nghị với Ban giám hiệu nhà trường, thậm chí em còn viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc dạy học của cô Tuất [2].

Cô Nguyễn Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn B chia sẻ: "Ban giám hiệu không phủ nhận những đóng góp và thành tích của cô Nguyễn Thị Tuất đã đạt được trước đó. Bản thân cô Tuất đã từng có 6 năm (không phải liên tục) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện." [3]

Một góc nhìn khác

Một giáo viên đã từng có 6 năm dù không phải liên tục, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện vậy tại sao phụ huynh, học sinh không tín nhiệm?

Những thành tích mà cô giáo Nguyễn Thị Tuất đạt được để hội đồng thi đua trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) đề nghị lên cấp trên tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở liệu có đúng sự thật?

“Trong giờ học, cô thường làm việc riêng là quay phim, chụp ảnh trong lớp. Việc giảng dạy, cô chỉ viết đầu bài rồi yêu cầu chúng con tự đọc sách. Vì thế mà hết Kỳ I con không có kiến thức gì về 2 môn học Lịch sử và Địa lý”.

Cô giáo được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện mà giảng dạy như thế, vậy hội đồng giám khảo chấm giáo viên dạy giỏi của huyện Quốc Oai có nhầm lẫn không?

Một giáo viên dạy học thường làm việc riêng, chỉ viết đầu bài rồi yêu cầu học sinh tự đọc sách cả học kì 1 mà lãnh đạo nhà trường, tổ chức đoàn thể không biết, không có giải pháp, để lại hậu quả nghiêm trọng, học sinh không có kiến thức bộ môn.

Điều 14 Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Tổ chuyên môn

Tổ chuyên môn sinh hoạt ít nhất hai tuần một lần để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chuyên môn trên tinh thần xây dựng môi trường thân thiện, tích cực, tự học để nâng cao trình độ và phát triển năng lực chuyên môn.

Tại sao suốt cả kì 1 mà Tổ chuyên môn không phát hiện ra sự việc giáo viên dạy học thường làm việc riêng, chỉ viết đầu bài rồi yêu cầu học sinh tự đọc sách để có đề xuất giải pháp với lãnh đạo nhà trường? Hay Tổ chuyên môn của nhà trường không hoạt động?

Đặc biệt hơn, “học sinh này đã nhiều lần viết thư kiến nghị với Ban giám hiệu nhà trường” vậy tại sao lãnh đạo nhà trường không có giải pháp giáo dục, điều chỉnh hành vi của giáo viên mình quản lý?

Điều 11 Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng

a) Hiệu trưởng trường tiểu học là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ “Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định của pháp luật” lãnh đạo nhà trường chưa làm được, khi để lớp học “như cái chợ” cả học kì 1 trong giờ dạy của cô giáo Nguyễn Thị Tuất.

Lãnh đạo nhà trường, tổ chức đoàn thể nhà trường đang hưởng lương từ ngân sách, từ tiền thuế của dân mà làm việc như thế có xứng đáng?

Trách nhiệm đầu tiên thuộc giáo viên, nhưng trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về lãnh đạo nhà trường, tổ chức đoàn thể nhà trường.

Vì thế, nếu xử lý kỉ luật với giáo viên vi phạm cũng phải xử lý trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, tổ chức đoàn thể nhà trường mới đảm bảo công bằng, mới được dư luận ủng hộ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/vu-co-giao-bi-tru-dap-vi-to-tieu-cuc-la-don-dai-13-trang-co-giao-noi-gi-20210327003109909.htm

[2]http://kinhtedothi.vn/vu-giao-vien-to-truong-tieu-hoc-sai-son-b-tru-dap-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-414074.html

[3]http://kinhtedothi.vn/quoc-oai-co-hay-khong-viec-tru-dap-giao-vien-o-truong-tieu-hoc-sai-son-b-413993.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-28-2020-TT-BGDDT-ve-Dieu-le-Truong-tieu-hoc-282401.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai