Chấm bài thi tốt nghiệp Ngữ văn năm nay, có thầy cô nào gặp lại văn của mình?

13/07/2021 08:18
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục nên lắng nghe ý kiến của dư luận, rút kinh nghiệm, để tránh lặp lại sai lầm đáng tiếc trong đề thi nói chung, đề thi môn Ngữ văn nói riêng.

Sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, dư luận có nhiều ý kiến về kì thi, nhiều nhất vẫn là đề thi môn Ngữ văn.

Báo Thanh Niên có bài viết nhận xét: “Đề môn ngữ văn hay, đặc biệt có thể khơi gợi, tạo cơ hội cho thí sinh cảm nhận và thể hiện lòng biết ơn với sự cống hiến của các lực lượng tuyến đầu trong công cuộc chống dịch Covid-19 rất căng thẳng hiện nay”.[1]

Bên cạnh đó, không ít ý kiến trái chiều của dư luận, đặc biệt là bài viết “Tôi thấy đề thi Ngữ văn có những câu hỏi vô duyên, không phù hợp với lứa tuổi 18” của tác giả Cao Nguyên đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bài viết “Tôi thấy đề thi Ngữ văn có những câu hỏi vô duyên, không phù hợp với lứa tuổi 18” được giáo viên, học sinh chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, đặc biệt đã nhận được sự đồng thuận của giáo viên môn Ngữ văn trong các group “Giáo viên ngữ văn” trên cả nước.

Báo Người Lao Động viết “Phần Đọc hiểu của đề này có trích dẫn một đoạn từ cuốn "Bí mật của nước" của tác giả Masaru Emoto (NXB Lao Động, 2019, trang 90-93).

…..

Chưa hết, một số ý kiến còn cho rằng các nghiên cứu của tác giả Masaru Emoto, hay ngay cả cuốn sách này cũng thể hiện vấn đề "ngụy khoa học". [2]

Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương cho biết: “Masaro Emoto là nhà khoa học dỏm và nghiên cứu của ông về nước là ngụy khoa học. Vì thí nghiệm của ông ta vi phạm các nguyên tắc khoa học như tính chuẩn xác [validity], tính nhất quán [reliability], tính tái lập thí nghiệm [replicability]”.[3]

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh minh hoạ: Phương Linh)

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh minh hoạ: Phương Linh)

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục trích đoạn của 1 tác phẩm, tác giả, có những vấn đề chưa được khoa học xác minh, thể hiện vấn đề "ngụy khoa học", theo ý kiến người viết là hoàn toàn không nên; văn học Việt Nam nói riêng, văn học thế giới nói chung, không thiếu những tác phẩm mang tính khoa học, tính chính thống, cớ sao phải dùng tác phẩm còn đang tranh cãi, thậm chí có người cho là “ngụy khoa học”.

Giáo dục chúng ta đã đủ khổ vì “ngụy thành tích”, xin đừng ươm mầm “ngụy khoa học”, dù chỉ thông qua một đề thi!

Đề thi Ngữ văn, trích dẫn tác phẩm, thì tác phẩm và tác giả đó phải là người tử tế, không đạo văn, đảm bảo tính khoa học, không ngụy tạo.

Đề thi, ngoài kiểm tra đánh giá kiến thức, cần mang tính giáo dục, tính thực tế, có như vậy mới lan tỏa sự tử tế, dạy người, dạy văn hóa.

Đề thi phải mang tính giáo dục

Thí sinh vừa làm bài thi, vừa học được thông điệp mà tác giả, tác phẩm gửi gắm, một “tấm gương” còn đầy tranh cãi như Masaro Emoto có nên đưa ra để thử thách tuổi 18 “ăn chưa no, lo chưa tới”?

Bạn đọc THANH HUỲNH chia sẻ “Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên điều những giáo viên ra đề ít bám sát kiến thức cơ bản và cấu trúc đề tham khảo trong những năm sắp tới. Ra đề có kiến thức không rõ ràng, vượt ngoài kiến thức sách giáo khoa hoặc kiến thức đã giảm tải.

Giáo viên ra đề phải là giáo viên giỏi chuyên môn, thực dạy ở các trường phổ thông và đại diện cho vùng miền khác nhau; nên giảm điều những giáo viên dạy trường chuyên, giáo viên dạy lò luyện thi... Đề thi bám sát kiến thức cơ bản sẽ giúp giảm nhiều tiêu cực trong dạy và học; đặc biệt là dạy thêm!”

Thế nhưng, đề thi môn Ngữ văn năm nay cũng đã “vén” góc khuất của giáo dục nước nhà, đó là tình trạng học văn cho có, học tủ, học vẹt để đi thi.

"Năm ngoái đề thi đã ra thơ rồi, nên không ai nghĩ năm nay vẫn ra thơ nữa". Có giáo viên ví von “Sóng của Xuân Quỳnh năm nay đã cuốn phăng rất nhiều loại … tủ của cả trò và thầy”.

Chính cách ra đề, cách thi Ngữ văn mang tính lối mòn, thiếu khoa học, thiếu chính xác đã vô tình làm xói mòn lòng yêu bộ môn Ngữ văn trong học sinh.

Chấm Ngữ văn năm nay giám khảo gật đầu chào mỏi cổ?

Nếu chúng ta gõ vào Google cụm từ “phân tích bài sóng của Xuân Quỳnh” sẽ có ngay 46.600.000 kết quả trong 0.47 giây. Hay gõ vào Google cụm từ “nữ tính trong bài sóng của Xuân Quỳnh” sẽ có 49.700.000 kết quả trong vòng 0.48 giây.

(Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên google do tác giả cung cấp)

(Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên google do tác giả cung cấp)

Điều đáng nói ở đây, “văn mẫu” về các nội dung trên quá nhiều, dù vô tình hay hữu ý, văn mẫu Xuân Quỳnh sẽ được tái hiện trong bài làm của thí sinh, sự tái hiện đó đâu có sai.

Thầy giáo T. (đề nghị không nêu tên), một giáo viên dạy Ngữ văn ở Vũng Tàu chia sẻ: “Chấm Ngữ văn năm nay giám khảo gật đầu chào mỏi cổ? Học sinh đã được đọc, được học, được làm, được tìm hiểu về bài thơ Sóng quá nhiều, vì thế, năm nay chấm thi, thầy cô sẽ gặp lại văn mình”.

Văn mẫu đã và đang tàn phá cái đẹp, cái sáng tạo, cái riêng biệt của mỗi người trong cảm thụ văn học nói riêng, giáo dục nói chung.

Một đề thi mang tầm cỡ quốc gia như đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài kiểm tra đánh giá, còn phải mang thông điệp giáo dục, đề thi môn Ngữ văn năm nay chưa làm được điều đó.

Học sinh học Ngữ văn không còn cảm thụ văn học nữa, mà học chỉ để đối phó với thi cử, sao cho khỏi điểm liệt, trách nhiệm không chỉ nằm ở các cơ sở giáo dục mà còn nằm tận tít trên cao… Bộ Giáo dục.

Bộ Giáo dục nên lắng nghe ý kiến của dư luận, rút kinh nghiệm, để tránh lặp lại sai lầm đáng tiếc trong đề thi nói chung, đề thi môn Ngữ văn nói riêng.

Ra đề thi đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục, tính thực tế là đang góp phần thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/de-ngu-van-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2021-co-di-nguoc-voi-boi-canh-thuc-tien-1410809.html

[2]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/van-tranh-cai-ve-de-thi-tot-nghiep-mon-ngu-van-bo-gd-dt-cong-bo-dap-an-20210710094144311.htm

[3]https://thanhnien.vn/giao-duc/tranh-cai-ve-tac-gia-doan-trich-trong-de-thi-tot-nghiep-thpt-mon-van-1411023.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến