Thi, kiểm tra cứ làm nghiêm túc như kỳ tuyển sinh lớp 10 sẽ lộ chất lượng thật

16/07/2021 06:30
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giá như các kỳ thi và việc đánh giá, xếp loại học sinh được thực hiện nghiêm túc như thi tuyển sinh 10 thì xã hội sẽ có cái nhìn đúng hơn về chất lượng giáo dục.

Thông thường, sau kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương thì câu chuyện điểm học, điểm thi của học sinh lại được báo chí phân tích, đề cập khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vẫn biết, đề thi tuyển sinh 10 sẽ có mức độ khó cao hơn đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ ở các nhà trường nhưng lệch đến độ nhiều trường trung học phổ thông chỉ lấy điểm đầu vào bình quân 2-3 điểm/ môn, thậm chí có trường lấy đến 0,58 điểm/môn là đỗ thì rõ ràng đã tiềm ẩn những bất thường trong việc dạy và học ở không ít trường trung học cơ sở.

Bởi, thực tế những em tham gia kỳ thi tuyển sinh 10 đã được các trường “sàng lọc” một lần rồi. Những em mà được xem là yếu hơn về sức học đã được thầy cô định hướng để phân luồng trước khi làm hồ sơ tuyển sinh.

Vì vậy, những em tham gia kỳ thi phần lớn là học sinh có học bạ được xếp loại khá, giỏi về học lực, không nhiều học sinh trung bình tham gia kỳ thi này. Vậy nhưng, khi công bố điểm thi tuyển sinh 10 vẫn có nhiều bài điểm thi khá thấp, thậm chí có cả bài thi điểm 0, điểm liệt.

Chỉ tiếc là mấy năm gần đây đa phần các địa phương chỉ công bố điểm chuẩn, còn tỉ lệ điểm thi của từng môn thì rất ít khi được công bố rộng rãi. Nếu tỉ lệ điểm các môn được công bố thì dư luận xã hội sẽ còn thấy nhiều con số ngỡ ngàng về kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay ở một số địa phương.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: B.Ngọc/Báo Cần Thơ.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: B.Ngọc/Báo Cần Thơ.

Đề thi tuyển sinh 10 không quá khó nhưng điểm chuẩn nhiều nơi vẫn thấp

Theo hướng dẫn cách xếp loại học sinh hiện nay được chia thành 5 loại: loại kém có điểm trung bình các môn từ 3,4 điểm trở xuống; loại yếu có điểm từ 3,5- 4,9; điểm trung bình từ 5,0-6,4; điểm khá từ 6,5-7,9 và loại giỏi từ 8,0 cho đến 10 điểm.

Nếu vậy, học sinh phải đạt từ 5 điểm trở lên thì mới được gọi là trung bình. Nhưng, thực tế điểm thi tuyển sinh 10 có điểm chuẩn 5 điểm/ môn hiện nay ở các địa phương không phải là quá nhiều.

Điểm tuyển sinh 10 trong nhiều năm qua thì phần lớn các trường Trung học phổ thông lấy điểm chuẩn từ 15-20 điểm/3 môn. Trong đó, môn Văn và Toán nhân hệ số 2 nên tính bình quân chỉ có 3-4 điểm/1môn thi là thí sinh rộng cửa vào lớp 10 công lập.

Điểm chuẩn từ 20 đến 30 điểm trong kỳ thi này thường rất ít và điểm chuẩn trên 30 lại càng hiếm hơn- chỉ chủ yếu tập trung vào khối trường chuyên và trường điểm ở khu vực đô thị lớn.

Điều đáng chú ý là trên cả nước có rất nhiều trường ở các địa phương chỉ lấy điểm chuẩn từ 10 -15 điểm, thậm chí có trường còn lấy điểm chuẩn dưới điểm 10. Vì thế, ở một số địa bàn thì học sinh chỉ không bị điểm liệt là có thể vào được lớp 10 Trung học phổ thông bởi các em có nhiều nguyện vọng ở các trường khác nhau trong cùng một huyện.

Trong khi đó, đề thi tuyển sinh 10 của các địa phương không phải là quá khó mà nó chủ yếu vẫn nằm trong chuẩn kiến thức mà Bộ Giáo dục đã ban hành, gần như đề thi ở khối trường không chuyên không đánh đố thí sinh.

Bởi đề thi bao giờ cũng hướng tới việc học sinh phải đạt được điểm trung bình vì cấu trúc đề thi luôn bắt buộc phải có phần đọc hiểu từ 3-4 điểm/ thang điểm 10.

Số điểm còn lại là 6-7 điểm thì thường chỉ có 4- 5 điểm là vận dụng cao, 2-3 điểm là yêu cầu sử dụng kiến thức vận dụng thấp.

Trong khi, chủ trương ra đề thi thì bao giờ các Sở cũng hướng tới mặt bằng chung giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh để học sinh khu vực khó khăn không bị điểm quá thấp so với mặt bằng chung của các địa bàn khác.

Vì thế, nếu học sinh học hành nghiêm túc, được thầy cô đánh giá đúng khi giảng dạy thì phần nhiều các em sẽ đạt được điểm thi từ 5 điểm trở lên bởi đa phần học sinh cuối cấp được thầy cô xếp loại học lực loại khá, giỏi.

Nhưng, thực tế thì không phải vậy bởi khi các địa phương công bố điểm chuẩn các trường trong kỳ thi tuyển sinh 10 thì có nhiều trường điểm chuẩn quá thấp, có trường thấp đến mức không tưởng tượng được.

Điểm thi 10 đang được “ngụy trang” bằng điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán

Bắt đầu từ năm học 2020-2021 này, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT đã ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT nên đã có một số thay đổi so với trước đây.

Theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT thì từ nay môn Ngoại ngữ đã có vị thế ngang hàng với môn Ngữ văn và môn Toán trong việc xếp loại, công nhận danh hiệu học tập cho học sinh.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2021-2022 của nhiều địa phương thì vẫn tính điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán, còn môn Ngoại ngữ vẫn tính điểm hệ số 1 như trước đây.

Thực ra, việc tính điểm hệ số 2 môn Văn và Toán đối với những trường Trung học phổ thông không chuyên trong những năm qua đã thể hiện sự bất cập và không thực sự cần thiết. Có nhiều em có lợi những cũng sẽ có nhiều em thua thiệt với cách tính điểm như thế này.

Em nào học tốt môn Toán và Văn thì tính điểm hệ số 2 rất lợi nhưng những em đuối 2 môn này hơn và trội môn Ngoại ngữ thì lại thua thiệt vì điểm tính hệ số 1.

Vì vậy, cái lợi duy nhất là khi tính điểm hệ số 2 thì tổng điểm 3 môn thi được nâng lên cao hơn vì nếu địa phương thi 3 môn thì đã có 2 môn nhân hệ số 2 rồi. Nhìn vào điểm thí sinh trúng tuyển từ 20-25 điểm nhưng nếu chia ra mỗi môn cũng chỉ có điểm bình quân là 4-5 điểm mà thôi.

Nếu tính điểm hệ số 1 tất cả các môn thi, cho dù tổng điểm có thấp hơn đáng kể nhưng nó sẽ tạo công bằng và tránh việc học lệch của học trò. Được bao nhiêu điểm, tính điểm bấy nhiêu bởi suy cho cùng thì kỳ thi tuyển sinh 10 ở tất cả các địa phương dù điểm thấp hay cao thì cũng sẽ lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Số lượng tuyển của từng trường đã được các địa phương phê duyệt từ khi học sinh mới bước vào học kỳ II của lớp 9 thì điểm cao hay thấp cũng chẳng ảnh hưởng gì đến số lượng tuyển sinh đầu cấp.

Hơn nữa, nếu tính điểm hệ số 1 tất cả các môn sẽ cho thấy chất lượng thực các trường Trung học cơ sở và đó cũng là cách công khai chất lượng đào tạo, tuyển sinh của các nhà trường một cách chân thực nhất.

Giá như các kỳ thi đều làm nghiêm túc như thi tuyển sinh 10

Học sinh phổ thông có nhiều kỳ thi nhưng kỳ thi mà có số lượng đông nhất, đại trà nhất là thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 rõ ràng đang khó hơn vì nó mang tính cạnh tranh trực tiếp giữa các thí sinh vào các trường Trung học phổ thông công lập.

Chính vì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có tính cạnh tranh nên việc coi thi, chấm thi thường nghiêm ngặt, khách quan hơn và chúng ta thấy điểm chuẩn cao thường thuộc về các trường chuyên, trường điểm.

Những trường Trung học phổ thông không chuyên điểm thường thấp, điều này cho thấy bệnh thành tích trong quá trình dạy và học ở nhiều địa phương hiện nay khá phổ biến. Vì thế, kỳ thi tuyển sinh 10 đã phơi bày tất cả sự thật đang tồn tại trong nhiều nhà trường hiện nay cứ mải mê chạy theo bệnh thành tích.

Vậy nhưng, cũng chính các em học sinh ở các trường có điểm chuẩn đầu vào trung bình từ 2-3 điểm ấy vào học lớp 10 lại nhanh chóng trở thành học sinh khá, giỏi khi nhà trường kiểm tra, đánh giá, xếp loại hàng năm ở cấp Trung học phổ thông.

Cái vòng luẩn quẩn về bệnh ngụy thành tích trong ngành giáo dục này cứ lặp đi, lặp lại hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giá như các kỳ thi hiện nay, giá như việc đánh giá, xếp loại học sinh được thực hiện nghiêm túc như kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì xã hội sẽ có cái nhìn đúng hơn về chất lượng giáo dục.

Chỉ tiếc, việc “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” chưa được thực hiện đồng bộ, chưa đến nơi, đến chốn nên nhiều nơi mới chỉ dừng lại trên khẩu hiệu mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI