Chỉ có yêu thương mới thuyết phục được học trò

24/07/2021 07:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lớp học hạnh phúc là nơi cả cô và trò đều muốn tới mỗi ngày, nơi rộn vang tiếng cười, có niềm vui, có tình yêu thương.

Có nhiều phụ huynh chưa lường được hết những khó khăn tâm lý mà học sinh lớp 1 gặp phải. Từ mẫu giáo lên lớp 1 là một bước ngoặt trong cuộc đời của trẻ. Nếu ở mẫu giáo, hoạt động chủ đạo là vui chơi, thì lứa tuổi tiểu học là hoạt động học tập.

Quá trình chuyển đổi hoạt động sẽ gây cho trẻ rất nhiều khó khăn, nhất là tâm lý. Vì vậy, nếu các bậc phụ huynh, những thầy cô giáo dục nắm được những khó khăn tâm lý đó của trẻ, và có biện pháp giúp trẻ khắc phục, trẻ sẽ thích ứng với hoạt động học tập tốt hơn, tiếp thu sự giáo dục được dễ dàng hơn. Từ đó giúp trẻ đạt kết quả cao trong học tập và phát triển tốt tâm lý cũng như nhân cách của trẻ.

Vào lớp 1, các em thường “khó chịu” trong việc thực hiện nội quy học tập, khả năng điều khiển các hoạt động tâm lý của bản thân còn kém.

Các em chưa ý thức được rõ giới hạn giữa chơi và việc học nên gặp nhiều khó khăn trong khi chuyển trạng thái từ hoạt động chơi sang học, chưa biết phân bố thời gian học tập giữa các môn sao cho phù hợp.

Đó là những yếu tố tâm lý cản trở hoạt động học tập, làm cho học sinh lớp 1 khó thích ứng, kết quả học tập đạt được không như mong muốn.

Cô Nguyễn Hồng Nhung - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Hồng Nhung - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với cô Nguyễn Hồng Nhung - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cô Nhung chia sẻ: “Trẻ đã quen nếp sinh hoạt của bậc mầm non, các con rất khó có thể quen ngay với việc ngồi học liền 35 phút đồng hồ trong 1 tiết học rồi mới được ra chơi.

Nếu phải ngồi im lặng hoặc chỉ nghe cô giảng rồi đọc, viết, làm bài... các con rất dễ khủng hoảng tâm lý, chán học, sợ học. Chính vì vậy, tôi phải vừa dạy vừa dỗ, nhất là những ngày đầu năm học mới.

Nhớ những ngày đầu nhận lớp, các con liên tục “thưa cô”: “bạn A lườm con”, “bạn B trêu con”, “bạn C bảo con béo phì”... Chưa kể, các con liên tục xin đi vệ sinh vì có thể ngồi mãi một chỗ buồn bực. Nhiều khi, một con trong lớp đi là cả lớp xin ra ngoài vệ sinh.

Có con đi lâu chưa thấy quay lại là tôi phải đi tìm, đề phòng các con cần trợ giúp, có con đi lạc, không nhớ lớp... là những chuyện thường xuyên với học sinh lớp 1.

Để khắc phục những điều đó, tuần đầu tiên cô trò tìm hiểu, trò chuyện để hiểu nhau hơn, rồi cùng nhau lập ra những nội quy của lớp học. Tôi có đưa ra một số khẩu lệnh ở lớp: Khi tôi nói “mắt nhìn”, học sinh nói “lên cô”. Khi tôi nói “học sinh”, cả lớp nói “trật tự”. Khi tôi đếm lệnh 3 - 2 - 1, các con ổn định về chỗ và ngồi trật tự. Khi học sinh có ý kiến phát biểu thì giơ tay, không nói tự do.

Hơn nữa, vì khả năng tập trung của các con học sinh khá ngắn, các con thường nghịch bất kì vật gì thấy trên mặt bàn. Vì vậy, khi vào tiết học, tôi yêu cầu các con để bút, thước kẻ, tẩy lên khay bút, còn hộp bút sẽ cất trong ngăn bàn.

Trong các tiết học, khi các con hoạt động nhóm, tôi thường sử dụng một cái chuông để báo hiệu thời gian kết thúc thảo luận và các con nhanh chóng ổn định vị trí. Ngoài ra, tôi có tạo 1 lớp học trên phần mềm. Khi các con tiến bộ, làm được những việc tốt như đọc bài tốt, tập trung, tích cực giơ tay, ăn nhanh, gấp khăn đẹp... các con sẽ được cộng điểm. Khi đủ 50 điểm/ 100 điểm sẽ đổi được 1 phần thưởng nho nhỏ như bút chì, bút mực, tẩy, thước kẻ...”.

Các em học sinh lớp 1A3,Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Các em học sinh lớp 1A3,Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Gian nan “thu phục” các con

Cô Nhung cho biết: “Nhìn chung, học sinh lớp tôi khá hợp tác với những quy định mà cô trò đã cùng nhau lập ra. Tuy nhiên, cũng có một số học sinh rất cá tính và tôi phải mất nhiều thời gian hơn để “thu phục”.

Chàng trai thứ nhất đó là G.B. Những ngày đầu đi học, khi con không được làm theo ý muốn của mình như không được làm lớp trưởng trong giờ tiếng Anh, hoặc khi con đang ngủ say mà cô gọi con dậy học... là con phản ứng rất mạnh. Con khóc, nằm lăn ra đất, lôi hết đồ dùng trong ngăn bàn và đập xuống đất.

Đôi lúc, con còn tự cầm cặp đi ra khỏi lớp và đòi về nhà. Những lúc con đang cáu giận như vậy, tôi để cho con xả hết cảm xúc ra và sau đó trong giờ ra chơi hoặc cuối buổi học, cô trò thường thủ thỉ với nhau, tôi hỏi con về cảm xúc lúc đó, tôi phân tích, nói với con những mong muốn của mình khi con ở trong lớp học, những điều tôi muốn con thay đổi để tốt hơn.

Bên cạnh đó, tôi trao đổi với mẹ để cô và mẹ cùng nhắc giúp con tiến bộ. Sau quãng thời gian học kì I, con thực sự đã thay đổi rất nhiều. Con đã biết lắng nghe, hợp tác hơn với cô giáo, con nhẫn nại, kiên trì. Sự tiến bộ của con là niềm vui, niềm hạnh phúc với người giáo viên như tôi.

Tôi còn nhớ một cậu học trò thứ hai là B.M, đến từ thành phố khác, con rất khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, cũng như việc giao tiếp với mọi người xung quanh, dễ nổi nóng, làm đau các bạn. Con khó ghi nhớ tên các bạn trong lớp nhưng con luôn đòi hỏi bạn phải nhớ tên mình. Khi bạn không nhớ tên con, con khóc và đánh bạn.

B.M không bao giờ tự nhận lỗi của mình, luôn nghĩ lí do để đổ lỗi cho bạn. Con thích xem phim hoạt hình hành động nên đôi lúc con nói một mình như trong các tập phim. Trong quá trình học tập, con khó tập trung và không hợp tác với thầy cô giáo. Khoảng thời gian đầu, tôi gần như bất lực với con vì dù có phân tích, chia sẻ như thế nào con cũng không tiến bộ.

Sau nhiều lần trao đổi với mẹ con, tôi quan sát và nhận ra con rất mong muốn được công nhận, được quan tâm, được yêu thương. Một lần, khi con mắc lỗi, tôi gọi con ra, ôm con một cái và bắt đầu nói chuyện, phân tích để con nhận ra lỗi của mình. Từ sau lần đó, con đã mở lòng hơn, chủ động nói chuyện với cô nhiều hơn và đã kiểm soát cảm xúc tốt hơn”.

Theo cô Nhung: “Trong giáo dục bậc tiểu học, giáo viên cần nhất sự ứng xử nhanh, linh hoạt, giúp các con tiến bộ lên mỗi ngày". Ảnh: NVCC.

Theo cô Nhung: “Trong giáo dục bậc tiểu học, giáo viên cần nhất sự ứng xử nhanh, linh hoạt, giúp các con tiến bộ lên mỗi ngày". Ảnh: NVCC.

Thầy cô rất cần sự kiên nhẫn

Cô Nhung chia sẻ thêm: “Một chàng trai nữa là K.N, cậu bé khó “thu phục” nhất. Những ngày đầu tiên đến lớp, con hay đi lại tự do, lấy đồ của bạn và nhận đó là của mình. Khi tôi yêu cầu con trả lại bạn thì con khóc và liên tục nói “của K.N mà”. Con có sở thích rất đặc biệt đó là gọt bút chì, con nhìn say sưa khi bút được cho vào gọt để quay. Buổi sáng đến lớp, bút còn dài nhưng đến buổi chiều là bút còn một đoạn rất ngắn.

Thỉnh thoảng có điều gì không vừa ý là con lại khóc toáng lên, bẻ gãy đồ dùng và đặc biệt con hay cắn gãy bút chì, ngậm ngòi chì trong miệng. Con gặp khó khăn trong việc tương tác và chỉ nói được từ đơn, khi nói một điều gì đó, con không thể diễn tả thành lời, khi muốn mượn đồ của bạn, con giành lấy.

Nhưng đặc biệt là khả năng giao tiếp tiếng Anh của con lại rất tốt. Bố con có kể ngày bé, ông bà thường cho con xem các kênh tiếng Anh. Đây cũng là một trong những lí do khiến con bị “rối loạn” ngôn ngữ. Trong giờ học, gần như con không thể tập trung, con hết vẽ ra bàn, cuộn giấy, hoặc nằm ngủ.

Thời gian đầu đi học, con chỉ đọc được tiếng, từ, không thể đọc được câu, con đọc chữ sau thì quên chữ trước. Thời gian đó, theo cảm nhận chủ quan của bản thân, tôi thấy khả năng tư duy, ngôn ngữ của con chỉ như đứa trẻ lên 3, lên 4. Tôi đã nhờ bên phòng tâm lý của nhà trường can thiệp, quan tâm đến con. Rất may mắn, sau một thời gian con đã có những chuyển biến tích cực, không còn cắn gãy bút chì khi tức giận nữa".

Góc học tập do cô Nhung và các em học sinh trang trí. Ảnh: NVCC.

Góc học tập do cô Nhung và các em học sinh trang trí. Ảnh: NVCC.

Theo cô Nhung: "Giờ đây, K.N đã đọc được câu văn dài, đoạn văn ngắn, đã nói được lên mong muốn, cảm xúc của mình như “bạn ơi, cho tớ mượn cục tẩy!”, “cô cho con mượn bút chì ạ”, hay là “ra chơi lạnh quá”, “con cảm thấy nóng quá…”.

Chặng đường phía trước với con và nhất là với gia đình con còn rất dài, con sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để có thể tốt lên mỗi ngày.

Nhưng con vẫn là con, một cậu bé tình cảm, cần tình yêu thương của mọi người. Con sẽ tiến bộ, dù ít hay nhiều nhưng chỉ cần con tiến bộ so với chính bản thân mình thì chắc chắn gia đình con sẽ rất hạnh phúc. Tôi tin chắc rằng con sẽ luôn là một cậu bé đặc biệt”.

Cô Nhung nhấn mạnh: “Trong giáo dục bậc tiểu học, giáo viên cần nhất sự ứng xử nhanh, linh hoạt, nhưng để giúp các con tiến bộ lên mỗi ngày, điều tôi cho là quan trọng hơn cả, đó là tình yêu thương của giáo viên dành cho học sinh chứ không phải là công cụ hỗ trợ nào. Thầy cô cần bao dung, chia sẻ, thấu hiểu để giúp trẻ tiến bộ.

Theo tôi, hạnh phúc không phải là điều quá lớn lao, xa xôi. Lớp học hạnh phúc là nơi mà cả cô và trò đều muốn tới mỗi ngày, là nơi rộn vang tiếng cười, là nơi có niềm vui, có tình yêu thương, là nơi học sinh được tôn trọng, được thấu hiểu và được là chính mình”.

Tùng Dương