Nhà nước đã có kinh phí tập huấn, vì sao Bộ lại quy định giáo viên đóng góp?

11/08/2021 08:08
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Quyết định 404/QĐ-TTg, giáo viên không phải đóng kinh phí khi thực hiện “tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới”.

Đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp sao… chậm trễ vậy?

Ngày 27/3/2015, Chính phủ ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quyết định số 404/QĐ-TTg có ghi rõ lộ trình thực hiện như sau:

“b) Giai đoạn 2 (7/2016 - 6/2018):

- Biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ sách giáo khoa mới của lớp 1, lớp 6 và lớp 10.

- Biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới.

- Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 6 và lớp 10.

- Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương.

- Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy định về chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới.

- Tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

c) Giai đoạn 3 (7/2018 - 12/2023):

- Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

- Biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành sách giáo khoa mới của các lớp còn lại.

- Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đối với các lớp còn lại.

- Đánh giá chương trình trong quá trình triển khai thực hiện.

- Tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa.”

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đúng lý ra, đến thời điểm này (tháng 8/2021) công tác “Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới” đã phải hoàn thành ít nhất giai đoạn 2 (7/2016 - 6/2018) theo Quyết định số 404/QĐ-TTg.

Thế nhưng, ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Quyết định 2454 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Rõ ràng công tác “Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới” đã quá chậm trễ so với lộ trình thực hiện mà Chính phủ đã phê duyệt trong Quyết định số 404/QĐ-TTg.

Ai phải chịu trách nhiệm này, khi năm học mới thực hiện ở lớp 6 chỉ còn 1 tháng nữa? Muốn đạt kết quả tốt phụ thuộc không nhỏ vào đội ngũ giáo viên, trong lúc đó giáo viên môn tích hợp chưa thực hiện được “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học" môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí như 02 Quyết định của Bộ Giáo dục yêu cầu?

Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới, giáo viên không phải đóng tiền

Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên môn Lịch sử và Địa lý được ban hành đã khiến nhiều giáo viên lo lắng, bức xúc, khi “chứng chỉ” đã, đang và tiếp tục là “giấy phép con” đè nặng trên đôi vai thầy cô giáo.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh vấn đề này: “Giáo viên đã khổ vì chứng chỉ lắm rồi, sao còn phải bỏ tiền học 2 môn tích hợp?”; “Giáo viên lo thiếu chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp, có bị tinh giản biên chế?"; “Bộ có "mở" cho các trường sư phạm bồi dưỡng 2 môn tích hợp thu tiền giáo viên?”;

Xin Bộ đừng để giáo viên bị "tận thu" tiền học chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp”; “Thưa Bộ, giáo viên lấy tiền đâu ra để học chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp?”; “Quyết định 2454, 2455 có thành "cái roi" ép giáo viên đi học chứng chỉ tích hợp?"; “Xin Bộ trưởng hãy cứu các giáo viên dạy môn tích hợp bên "bờ vực chứng chỉ"”…

Phần lớn giáo viên lo lắng bồi dưỡng “Chứng chỉ môn tích hợp” sẽ đi vào “vết xe đổ” các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp; giáo viên tích hợp sẽ thành “chùm khế ngọt” cho “ai đó” “trèo hái mỗi ngày”.

Vậy, giáo viên tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới có phải đóng tiền?

Quyết định số 404/QĐ-TTg quy định rõ về phần Kinh phí và nguồn vốn.

"a) Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ:

- Xây dựng, thử nghiệm chương trình.

- Biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện), trong đó có sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học; biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử.

- Thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa.

- Tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, sách giáo khoa mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới.

- Cung cấp sách giáo khoa cho các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật."

Bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên môn Lịch sử và Địa lý là tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới.

Như vậy, khi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới, giáo viên không phải đóng tiền!

Hay nói cách khác, giáo viên đơn môn đi học Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên môn Lịch sử và Địa lý theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thuộc đối tượng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới nên giáo viên không phải đóng tiền.

Số tiền này đã nằm trong kinh phí thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, được Chính phủ phê duyệt, chi trả theo Quyết định số 404/QĐ-TTg.

Phân công giáo viên đơn môn dạy môn tích hợp là giải pháp tối ưu hiện nay

Bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐ khi năm học mới chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Không thể thực hiện được yêu cầu của Bộ trong 02 Quyết định trên “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học" môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí; thế nhưng không thể không triển khai chương trình môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí.

Vì vậy, giải pháp phân công giáo viên đơn môn dạy môn tích hợp là giải pháp tối ưu hiện nay; các cơ sở giáo dục thực hiện theo Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về 2 môn tích hợp như sau: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”.

Để lan tỏa tôn chỉ “sống, làm việc theo pháp luật”, làm gương cho thầy cô thực hiện theo pháp luật, cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, theo Quyết định số 404/QĐ-TTg, đó là: Kinh phí “tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới” do nhà nước chi trả.

Thực hiện đúng và đủ chính sách của nhà nước với giáo dục, với giáo viên là việc làm thiết thực, để thực hiện chỉ đạo “học thật, thi thật, nhân tài thật” của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tài liệu tham khảo:

- Quyết định số 404/QĐ-TTg Ngày 27 tháng 3 năm 2015 Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH

- Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT

- Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến