Dạy và học trực tuyến lúc này chỉ nên bàn “tiến”, đừng bàn “lùi”

19/08/2021 07:02
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì chúng ta dễ dàng nhìn thấy những khó khăn nên dạy học trực tuyến là điều gần như bắt buộc.

Dịch bệnh Covid- 19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều tỉnh, thành, nhất là các tỉnh ở phía Nam nên chúng ta cũng chưa thể khẳng định sẽ khống chế được dịch bệnh vào thời điểm cụ thể nào.

Trong khi đó, năm học mới đã cận kề, Bộ và nhiều địa phương đã ban hành Khung thời gian năm học cụ thể cho từng cấp học.

Lúc này, ngành giáo dục ở các địa phương không thể đợi chờ đến khi khống chế hết dịch bệnh mới dạy và học trực tiếp mà phải vận dụng hết điều kiện, khả năng của cả thầy và trò để năm học mới được triển khai theo kế hoạch.

Dạy và học trực tuyến lúc này là giải pháp hợp lý. Ảnh minh họa: An Nguyên

Dạy và học trực tuyến lúc này là giải pháp hợp lý. Ảnh minh họa: An Nguyên

Dạy và học trực tuyến sẽ thay thế cho việc dạy và học trực tiếp ở các nhà trường chưa thể học trực tiếp được trong điều kiện hiện nay được xem là phù hợp. Tất nhiên, ai cũng có thể thấy được những khó khăn nhất định và hiệu quả khó bằng dạy và học trực tiếp nhưng trong bối cảnh hiện nay thì cách dạy và học này vẫn được xem là khả thi nhất.

Những khó khăn trong việc dạy trực tuyến hiện nay

Việc dạy và học trực tuyến đã diễn ra ở nhiều địa phương, trường học trong suốt hơn 1 năm qua- kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nước ta vào đầu năm 2020. Nhiều giáo viên và học sinh đã quen thuộc với cách dạy và học này nhưng thực tế vẫn còn nhiều thầy cô giáo chưa dám mạnh dạn áp dụng hình thức học trực tuyến.

Thời điểm này, nhiều trường học phía Nam đã ban hành kế hoạch dạy và học trực tuyến những tuần đầu tiên của năm học nhưng luôn gặp một số ý kiến trái chiều của một bộ phận nhà giáo trong đơn vị.

Một số thầy cô cho rằng dạy và học trực tuyến không hiệu quả bởi vì nhiều học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh, không có mạng internet, hoặc mạng chập chờn, học sinh không chịu học…

Tất nhiên, ai cũng có thể nhìn thấy được những khó khăn này, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế. Song, nếu ngành giáo dục không vượt qua được những khó khăn này, trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì chẳng lẽ nhà trường cứ mãi đợi chờ hay sao?

Thực ra, việc dạy và học trực tuyến không khó bởi hiện nay có nhiều phần mềm thông dụng như: google met, zoom…khá tiện lợi và dễ sử dụng. Các phần mềm này được giáo viên chia sẻ khá nhiều trên các trang mạng xã hội và nó cũng hiện hữu ở rất nhiều trang trên mạng internet nên giáo viên dễ dàng tải về để cài đặt.

Gáo viên chỉ cần bỏ ra một chút thời gian để tải phần mềm và xem hướng dẫn sử dụng khoảng một vài tiếng đồng hồ là có thể thao tác thành thạo việc dạy trực tuyến cho học trò.

Việc dạy một số phần mềm này cũng rất hữu ích vì vừa dạy vừa quản lý được học sinh. Vì thế, giáo viên cũng không phải quá khó khăn trong việc giám sát thái độ học tập của học trò.

Vấn đề còn lại là mỗi thầy cô giáo thích ứng như thế nào trong bối cảnh hiện nay mà thôi. Nếu cứ than vãn, luôn nhìn thấy những khó khăn thì rất khó để đáp ứng được yêu cầu của ngành trong thời điểm dịch bệnh như thế này.

Khó khăn thì nhiều nhưng nếu quyết tâm thì thầy và trò sẽ đều làm được

Vấn đề hiện nay mà một số nhà chuyên môn, giáo viên và phụ huynh lo lắng nhất là nếu áp dụng hình thức dạy trực tuyến đối với học sinh lớp 1 sẽ rất khó khăn vì nhiều em chưa biết mặt chữ, mặt số.

Đúng là việc dạy trực tuyến đối với học sinh lớp 1 là khó khăn vô cùng bởi nếu như không có cha mẹ kèm thêm thì việc dạy này sẽ không đạt được hiệu quả. Vì thế, chúng tôi cho rằng có thể các địa phương tạm thời chưa áp dụng hình thức học trực tuyến đối với lớp 1.

Từ lớp 2 trở lên là đều có thể dạy được. Dù biết rằng lớp 2 và lớp 6 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi năm học tới là bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Song, nếu ngành giáo dục, các nhà trường quyết tâm thì mọi kế hoạch đều có thể khả thi.

Bởi, vấn đề mà giáo viên hay đề cập, nêu lý do nhiều nhất là học sinh và phụ huynh không có điện thoại thông minh hoặc máy vi tính. Thế nhưng, thực tế bây giờ có mấy phụ huynh không có điện thoại kết nối với mạng internet đâu.

Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những học sinh tiểu học thì đa phần phụ huynh đều có tuổi đời trên dưới 30 tuổi. Lứa tuổi này không mấy phụ huynh thuộc khu vực nông thôn, thành thị lại không có điện thoại thông minh.

Đối với học sinh trung học cơ sở thì phần lớn phụ huynh có tuổi đời từ 35- 40 tuổi nên vấn đề điện thoại, máy tính cũng không phải quá lo. Hơn nữa, học sinh cấp học này đã được phụ huynh sắm điện thoại rất nhiều, nhất là học sinh ở khu vực đô thị.

Học sinh trung học phổ thông thì phần lớn các em đã được trang bị điện thoại và máy tính. Việc học trực tuyến không phải là vấn đề khó đối với cấp học này bởi nhiều em đã sử dụng thành thạo các thao tác máy móc và phần mềm học trực tuyến.

Vì thế, vấn đề máy tính, điện thoại không phải là vấn đề nan giải vào thời điểm này.

Vấn đề còn lại là khi triển khai dạy trực tuyến đại trà ở những tỉnh, thành mà không sinh chưa thể đến trường, nếu giáo viên nào gặp khó khăn trong sử dụng các phần mềm dạy học và xây dựng bài giảng thì các giáo viên trong tổ như tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có thể hỗ trợ họ.

Việc giúp đỡ đồng nghiệp cũng không quá khó khi giáo viên có thể bật zalo lên là có thể hướng dẫn, giúp đỡ nhau được.

Những kiến thức mới ở lớp 2 và lớp 6 thì Sở có kế hoạch cho các hội đồng bộ môn ở các huyện lập một nhóm chát riêng để có thể trao đổi, hỗ trợ cho nhau trong việc giải quyết những đơn vị kiến thức mới.

Đối với những học sinh khó khăn, không có máy móc thì nhà trường có thể phô tô tài liệu gửi cho các em học tập. Khi trở lại học trực tiếp thì nhà trường có thể phân công một số giáo viên thiếu tiết phụ đạo thêm cho các em vào trái buổi.

Nhìn vào thực tế của dịch bệnh hiện nay ở các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì chúng ta dễ dàng nhìn thấy những khó khăn nên giải pháp học trực tuyến là điều gần như bắt buộc.

Lúc này, mọi người nên bàn “tiến”, đưa ra những giải pháp hay, hiệu quả nhất để giáo viên, học sinh cùng dạy và học trực tuyến được tốt nhất chứ đừng bàn “lùi” vì hàng chục triệu con người không thể ngồi yên để chờ hết dịch bệnh mới đến trường.

Chỉ mong đội ngũ thầy cô giáo cùng cố gắng, phụ huynh sát sao, nhắc nhở và có thể kèm cặp với con em mình để việc học tới đây được hiệu quả nhất có thể.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

HƯƠNG GIANG