Giáo viên phải được xem là linh hồn của mọi đổi mới hay cải cách giáo dục

09/09/2021 06:37
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù ở bậc học nào hay thời đại nào vị trí và vai trò của thầy cô không thể bị thay thế hay kém phần quan trọng.

Vừa qua phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học, Thủ tướng Phạm Minh Chính có góp ý, thời gian qua, ngành giáo dục đã từng bước, quyết liệt thực hiện các giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nên bổ sung thêm “lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô làm động lực” vì nền tảng không tốt, động lực không có thì sẽ ảnh hưởng đến “trung tâm”- chính là học sinh.

Để hiểu rõ hơn về vai trò của nhà trường, người thầy trong công cuộc đổi mới giáo dục, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sóng Hiền- thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, nhà trường, học sinh và thầy cô là mối quan hệ trong một thể thống nhất, thiếu một trong ba thành tố thì quá trình giáo dục không thể diễn ra.

Tuy nhiên, việc minh định vị trí và vai trò của mỗi thành tố trong tiến trình giáo dục một cách đúng đắn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà giáo dục xây dựng và thực thi các giải pháp giáo dục hiệu quả hơn.

Nếu xem nhà trường là nền tảng của quá trình giáo dục thì chúng ta cần làm rõ khái niệm thế nào là nhà trường? Tại sao nó đóng vai trò là nền tảng?

Đã từ lâu chúng ta vẫn quen mặc định nhà trường đơn giản chỉ là một toà nhà nơi có những phòng học và các hoạt động học tập diễn ra trong đó.

Ông Nguyễn Sóng Hiền- thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia (ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Sóng Hiền- thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia (ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Sóng Hiền nhận định, đó là cách hiểu thô sơ và nhìn nhận chưa đầy đủ về nhà trường. Thực tế nhà trường phải được hiểu theo một nghĩa rộng lớn hơn để từ đó chúng ta tạo ra một môi trường giáo dục phát huy tối ưu nhất hiệu quả của nó.

Trường học trước hết phải xem nó là một cộng đồng, và là một thiết chế xã hội thu nhỏ. Khi xem trường học là một cộng đồng có nghĩa ở đó mọi người đều chia sẻ chung các giá trị văn hoá, niềm tin, và các quy tắc đạo đức.

Bên trong nó sẽ tồn tại các mối quan hệ tác động qua lại với nhau: quan hệ giữa hiệu trưởng và giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên và học sinh và giữa học sinh với học sinh. Nếu để xảy bất kỳ mâu thuẫn nào giữa những mối quan hệ đó tất yếu sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Ở góc độ thiết chế xã hội thì trường học là một đơn vị có tổ chức, được vận hành dựa trên những quy định của luật pháp và của nghành giáo dục. Vì vậy, mọi cá nhân trong tổ chức đó không thể có những hành vi hay thái độ nào đi trái với những quy định chung đó.

Rõ ràng, nếu cắt nghĩa một cách đầy đủ về khái niệm nhà trường có thể thấy nhà trường không đơn thuần chỉ là những phòng học vô tri mà nó phải được xem như một cộng đồng hay một xã hội thu nhỏ.

Các nghiên cứu từ trước đến nay đã chỉ ra rằng sinh quyển hay môi trường giáo dục của nhà trường tác động rất lớn đến tâm lý và hiệu quả học tập của học sinh. Một môi trường giáo dục được xem là lành mạnh và tích cực chỉ khi học sinh cảm nhận được sự quan tâm, sẻ chia, đồng cảm và hỗ trợ từ thầy cô. Nơi mà học sinh luôn cảm nhận được mình là một thành viên của cộng đồng đó và thuộc về cộng đồng đó. Vì vậy, nhà trường phải được xem là nền tảng của mọi quá trình giáo dục.

Cần phải phân định rõ vị trí và vai trò của người thầy ở mỗi cấp học

Theo ông, khi hiểu rõ về sự tác động của môi trường nhà trường đối với quá trình giáo dục thì người giáo viên sẽ nhận thức rõ hơn ví trí, vai trò quan trọng của mình trong việc duy trì và tạo ra môi trường tích cực, lành mạnh trong quá trình giáo dục. Họ sẽ quan tâm tới cảm xúc của học sinh mình hơn, tôn trọng học sinh mình như là thành viên của một cộng đồng, một tổ chức xã hội thay vì tạo ra một khoảng cách quyền lực giữa thầy và trò.

Nếu thiếu người thầy thì không bao giờ diễn ra quá trình giáo dục điều đó cho thấy vai trò và vị trí quan trọng của người thầy như thế nào trong đổi mới hay cải cách giáo dục. Tuy nhiên, ở đây cần phải phân định rõ vị trí và vai trò của người thầy ở mỗi cấp học rất khác nhau.

Ở bậc mầm non và tiểu học giai đoạn phôi thai và hình thành nhân cách trẻ thì nhiệm vụ và trọng trách của người thầy hết sức nặng nề, đóng vai trò hết sức quan trọng nếu không nói có thể xem những người thầy cô ở bậc học này như cha mẹ.

Giai đoạn này thầy cô phải thật sự kiên nhẫn, có tình yêu trẻ và đam mê với nghề mới có thể vượt qua được những khó khăn mà bậc học này mang đến.

“Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta cần đầu tư và quan tâm hơn nữa đối với thầy cô ở bậc học này bởi họ là người đặt nền móng đầu tiên cho nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Nền móng có vững thì ngôi nhà mới có thể bền lâu”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.

Với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông - giai đoạn này học sinh bắt đầu có những định hướng về nghề nghiệp cho nên thầy cô ở những bậc học này phải đóng vai trò như một huấn luyện viên. Hay nói một cách khác họ đóng vai trò như người hướng dẫn, định hướng cho trẻ phát huy những khả năng và theo đuổi đam mê của mình.

Dù ở bậc học nào hay thời đại nào vị trí, vai trò của thầy cô không thể bị thay thế hay kém phần quan trọng vì thầy cô là những người được đào tạo và có những kỹ năng sư phạm để khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong mỗi đứa trẻ. Họ là người trực tiếp thực thi các chính sách giáo dục và hiện thực hoá các mục tiêu giáo dục. Do đó, giáo viên phải được xem là linh hồn của mọi đổi mới hay cải cách giáo dục.

Thế kỷ XXI, là thế kỷ bùng nổ thông tin khoa học – kỹ thuật, do đó ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, Việt Nam đang từng bước hội nhập vào nền kinh tế số và phấn đấu trở thành một quốc gia đi đầu về ứng dụng công nghệ số vì vậy đòi hỏi một nguồn nhân lực tương ứng để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi mới đó. Chúng ta không thể tạo ra nguồn nhân lực số với đội ngũ giáo viên lạc hậu về kiến thức, tụt hậu về kỹ năng số.

Cuối cùng, vị này lý giải, đổi mới giáo dục không thể và không bao giờ thành công nếu như đội ngũ giáo viên không thay đổi tư duy và nhận thức để đặt tâm thế mình vào guồng quay mới của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, để làm được điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có những chính sách kịp thời về đào tạo và đào tạo lại giáo viên phục vụ cho chiến lược phát triển giáo dục trong kỷ nguyên số này.

Thùy Linh