Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến được cho là của các giáo viên phản ánh về việc điều động, luân chuyển giáo viên không hợp lý, gây tâm lý lo ngại, bất an cho đội ngũ nhà giáo.
Tỉnh yêu cầu kiểm tra
Ngày 10/9, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, Văn phòng vừa thông báo kết luận của Chỉ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh liên quan đến việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Nhiều giáo viên ở Quảng Nam bức xúc, không đồng tình với phương án điều động, luân chuyển giáo viên của sở Giáo dục và Đào tạo. (Trong ảnh: giáo viên miền núi Quảng Nam làm lại cầu treo cho học sinh đi học trở lại sau cơn lũ. Ảnh: AN). |
Theo đó, ông Lê Trí Thanh yêu cầu ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, khẩn trương báo cáo, giải trình việc điều động, luân chuyển giáo viên, nhân viên của các trường trực thuộc Sở quản lý trong 3 năm học gần nhất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20/9.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở giáo dục khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về điều động, điều chuyển giáo viên và thay đổi vị trí công tác của cán bộ lãnh đạo quản lý các trường trung học phổ thông trên địa bàn.
Ông Thanh giao ông Trần Văn Tân - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, theo dõi chỉ đạo nội dung này và làm việc với Sở Giáo dục về rà soát lại việc luân chuyển giáo viên trong năm học 2021-2022.
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin được cho là của các giáo viên, cán bộ quản lý phản ánh việc điều động, luân chuyển chưa thật sự hợp lý, khiến nhiều giáo viên lo lắng, không còn tâm lý để giảng dạy.
Sở Giáo dục nói gì?
Trước những thông tin nêu trên, trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện đang làm báo cáo giải trình để gửi Ủy ban nhân dân tỉnh.
“Bây giờ, thực tế tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ diễn ra ở trên cả nước chứ không chỉ riêng Quảng Nam. Có thể môn này ở trường này thừa nhưng môn kia ở trường khác lại thiếu. Rõ ràng là cần phải có sự cân đối, luân chuyển.
Mười mấy năm nay, Quảng Nam đã làm rất tốt vấn đề này và không có điều tiếng gì xảy ra. Hơn nữa, quá trình luân chuyển điều động thì vẫn đảm bảo tính công bằng, dân chủ, công khai.
Với một lực lượng giáo viên đông như thế thì việc luân chuyển trong mấy năm qua là ổn nhưng năm nay thì có một vài giáo viên đến lượt luân chuyển, điều động thì họ không có sự chia sẻ với những khó khăn của trường này, trường kia. Nên họ lên facebook có ý kiến”, ông Quốc nói.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, tất cả làm vì cái chung, làm vì sự tiến bộ của ngành chứ không có chuyện lợi ích.
“Mình làm cũng tôn trọng sự dân chủ, vô tư chứ không có sự khuất tất gì. Một số lượng đông như vậy bao gồm cả giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trường học… thì cũng có một vài người họ bức xúc, không đồng ý. Trước những việc như thế thì tất nhiên trách nhiệm của ngành là phải giải trình rõ ràng với Ủy ban”.
Ông Quốc lý giải thêm, sự việc chỉ rơi vào một vài giáo viên mà nó làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Còn thực ra, các thầy cô đều rất đồng thuận, vui vẻ.
Bởi họ cũng hiểu rằng một năm học đi tăng cường 9 tháng thôi, hết phiên người này đến người kia. Chỗ thiếu thì người ta đang rất cần.
“Khi anh đi thì nó cũng thể hiện sự chia sẻ rất tình cảm giữa các trường với nhau. Và nó không có điều gì áp đặt hay khuất tất trong này.
Nhưng cũng có một vài giáo viên thì sự chia sẻ, đồng hành với ngành giáo dục cũng còn hẹp hòi, nên họ lên tiếng. Tôi cho rằng, mình không nói gì về họ nhưng nó đã tạo ra dư luận không tốt cho ngành. Trách nhiệm của mình là tiếp tục giải thích cho họ hiểu thôi”.
Ông Quốc cũng giải thích cách điều động giáo viên như sau: “Cách làm là các tổ chuyên môn ngồi lại với nhau, trao đổi, bàn bạc để xem thử ai có thể đi rồi gửi về Ban giám hiệu.
Ban giám hiệu xem xét một lần nữa và phải có ý kiến của từng người trong tổ đó và đặc biệt là người được chọn đi tăng cường cho năm nay. Làm rất cụ thể.
Khi đã chuyển hết về cho phòng chuyên môn của Sở rồi thì chúng tôi tổng hợp, xem xét những ý kiến đề xuất nào mà mình thấy có vấn đề hơi khó khăn thì có văn bản điều chỉnh liền”.
Ông Quốc dẫn chứng có nhiều trường thiếu giáo viên nhưng ở vùng xa, nếu một thầy giáo đi thì sẽ thuận lợi hơn một cô giáo. Lúc đó, Sở sẽ hội ý với ban lãnh đạo để chọn trường cũng thiếu (nhưng gần hơn) để các cô giáo có thể đi về trong ngày.
“Khi phản ánh, người đưa thông tin không đầy đủ, gây cho người ta dễ hiểu nhầm, hiểu sai về chính sách của ngành là làm không thấu tình, đạt lý”, ông Quốc nói thêm.