Hệ lụy người thầy phải đối phó với Công văn 5512, giả dối lên ngôi

11/10/2021 06:39
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công văn 5512 đã hình thành “chợ giáo án”, nay hình thành thêm “chợ học hộ” trên mạng xã hội.

Chuyện học thật, dạy thật muốn làm được phải có nhiều yếu tố cùng góp sức; từ người dạy, người học; đặc biệt là chế độ thi cử, đãi ngộ cho nhà giáo; các văn bản pháp luật hướng dẫn, chỉ đạo của ngành Giáo dục.

Một văn bản của ngành bám sát thực tế, nội dung dễ hiểu, từ ngữ trong sáng, không đa nghĩa, chỉ có một cách hiểu đúng, sẽ là đòn bẩy thúc đẩy giáo dục và ngược lại.

Từ khi công văn 5512 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đến nay, dư luận xã hội chưa hết bàn tán về hệ lụy của nó đối với giáo viên.

Trên khắp các diễn đàn, báo chí, mạng xã hội,… đều có bàn luận về công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; khen thì rất ít, chê là chủ yếu.

Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “hệ lụy của công văn 5512 với giáo viên” sẽ có ngay 15.200 kết quả trong vòng 0.62 giây; con số đó không phải là tất cả, nhưng nó nói lên nhiều điều, công văn 5512 là vật cản đầu tiên khi thực hiện chương trình mới; vật cản lớn khi thực hiện dạy thật, học thật của giáo viên.

Kế hoạch bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và đào tạo đang và đã triển khai cho giáo viên cả nước; hiện nay có nơi mới hoàn thành mô đun 2, đang tiến hành mô đun 3; có nơi bắt đầu mô đun 4.

Công văn 5512 làm cho giáo viên… không học thật

Trong quá trình học tập, giáo viên phải nộp sản phẩm Kế hoạch bài dạy cho mỗi mô đun; kế hoạch bài dạy lúc đầu theo Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014, nhưng hiện nay, thầy cô phải thực hiện theo Công văn 5512/ BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020.

Trong thời gian học trực tuyến, người viết đã chứng kiến giáo viên cốt cán gọi tên rất nhiều người, nhưng có rất ít người trả lời; trong số đó có người nhắn lại “máy em hư mic”; phần đa là “bặt vô âm tín”.

Tại sao vậy, đơn giản “chương trình bồi dưỡng là môn phụ”, họ bật máy để đó điểm danh, đi làm việc khác hay còn nguyên nhân nào khác?

Một giáo viên chia sẻ thật lòng: “Em thấy cái 5512 (công văn 5512 - người viết) bất hợp lý, chính báo cáo viên cũng biết, mà Bộ không chịu sửa; học cái này thực hiện theo 5512, nên chán, điểm danh cho có, cho xong chuyện; còn kết quả học tập thì… vô tư”.

Việc bắt buộc thực hiện Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512/ BGDĐT-GDTrH khi nộp sản phẩm cuối mỗi mô đun đã làm cho giáo viên nản chí khi tham gia chương trình bồi dưỡng thường xuyên về chương trình mới.

“Học thật vì học cái cần học, học đúng nghĩa, học và hành, học có trải nghiệm, học thật bằng sự thực hành, học để vào đời thật, học để sở hữu thật đúng nghĩa và học để thấy mình đang tồn tại và phát triển.

Nếu học mà dựa trên yêu cầu cần đạt với cốt lõi từng mục tiêu và tham gia hoạt động đúng nghĩa với chuỗi hoạt động logic và hiệu quả thì đó là học rất thật”.[1]

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên Chương trình 2018, hướng đến sản phẩm “đầy sạn” như công văn 5512 mà rất nhiều nhà giáo phân tích, đánh giá từ thực tế, liệu giáo viên có học thật?

Công văn 5512 vô hình trung thúc đẩy thị trường… học hộ

Tâm lý “chán”, nên không ít giáo viên tìm người học hộ, có cung là có cầu, dịch vụ học hộ các mô đun cho giáo viên, cán bộ quản lý nở rộ, được đăng tải công khai trên các hội nhóm của giáo viên.

Quảng cáo học hộ các mô đun trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)Quảng cáo học hộ các mô đun trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)

Người viết thử liên hệ với một địa chỉ nhận học hộ mô đun, giá bao trọn gói 200.000 đồng/mô đun; kết quả báo “Đạt” mới thanh toán;

Riêng mô đun 4 có nơi đòi giá cao hơn, 600.000 đồng, lý giải vì phải làm 3 sản phẩm theo 5512, dài dòng và rất tốn thời gian.

Công văn 5512 đã hình thành “chợ giáo án”, nay hình thành thêm “chợ học hộ” trên mạng xã hội.

Giá học hộ mỗi mô đun từ 200.000 đến 600.000 đồng. (Ảnh do tác giả cung cấp)Giá học hộ mỗi mô đun từ 200.000 đến 600.000 đồng. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Muốn giáo viên học thật, dạy thật, Bộ phải công khai sửa / thu hồi công văn 5512

Có thể kết luận, công văn 5512 đang làm cho giáo viên chán, không học thật; không học thật, không thể dạy thật; kết quả đổi mới chương trình 2018 sẽ sao đây?

Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục ban hành văn bản số 2613/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở Giáo dục về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. Theo đó, các Phụ lục trong công văn 5512 chỉ là “tài liệu tham khảo”.

Thế nhưng, thực tế, thực tiễn lại khác hoàn toàn, ngay trong mô đun 4, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, thuyết minh các bước cần có khi soạn giáo án vẫn theo Công văn 5512; giáo viên nộp sản phẩm vẫn phải theo 5512.

Như vậy, văn bản một đằng, thực hiện một nẻo; chính sự không thống nhất của Bộ đã vô tình gây mất niềm tin của giáo viên với các chỉ đạo của ngành; mất niềm tin là mất tất cả.

Nên chăng, Bộ cần thay đổi ngay các phụ lục trong công văn 5512; những cái gì trùng lặp, không cần thiết nên bỏ; dù chỉ coi đó là tài liệu tham khảo, tài liệu tham khảo cũng phải bám sát thực tế cuộc sống mới có giá trị.

Cùng với đó, chỉ đạo tất cả các địa phương không yêu cầu giáo viên nộp sản phẩm bài học của các mô đun không phải theo công văn 5512.

Trong trường học, thường có câu khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”; dạy học bằng tấm gương cụ thể của chính giáo viên là phương pháp đơn giản nhất, thành công nhất.

Bộ thẳng thắn thay đổi, sửa chữa những điều chưa hợp lý, cũng là tấm gương sáng cho giáo viên noi theo; giáo viên phải tự sửa mình, tự thay đổi bản thân để thực hiện tốt chương trình 2018.

Học thật phải bắt đầu từ giáo viên. Giáo viên có học thật mới có dạy thật, mới là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, học thật được.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-duc-viet-nam-se-cat-canh-neu-triet-tieu-duoc-thoi-gian-doi-tu-duy-manh-mun-post221607.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai