Đang căng mình dạy trực tuyến, giáo viên còn hơi sức đâu tập huấn 2 module

09/12/2021 06:44
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chất lượng tập huấn chưa phải là mục tiêu của nhiều thầy cô giáo trong thời điểm họ phải căng mình cho việc giảng dạy, kiểm tra trực tuyến liên miên như hiện nay.

Năm học 2021-2022 là một năm học rất đặc biệt đối với toàn ngành giáo dục, nhất là đối với đa phần các tỉnh ở khu vực phía Nam đang phải giảng dạy trực tuyến từ đầu năm học cho đến nay.

Việc dạy trực tuyến đã áp lực nhưng một áp lực không kém đó là giáo viên liên tục được triệu tập, yêu cầu tham gia các lớp tập huấn. Hết lớp này đến lớp khác, nhiều giáo viên không còn thời gian nghỉ ngơi vì suốt ngày cứ dán mắt vào máy tính.

Giáo viên vừa tập huấn xong module 4 thì lại được yêu cầu tiếp tục tập huấn module 5 và 9 trong tháng 12 này. Chưa hết 1 học kỳ mà ngành đã triển khai đến 3 module thì rõ ràng đang gây quá tải cho giáo viên ở các nhà trường.

Suốt cả mùa hè, đáng lẽ ra Bộ, Sở chủ động triển khai việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên sẽ giúp cho chất lượng tập huấn về chương trình mới được tốt hơn mà áp lực về công việc của giáo viên cũng đỡ hơn nhiều.

Bây giờ, vừa soạn bài, giảng dạy, kiểm tra trực tuyến, vừa lo các công tác kiêm nhiệm…vừa tập huấn trực tuyến mà module nào cũng được yêu cầu làm rất nhiều bài tập, khảo sát thì e rằng rất khó đòi hỏi về chất lượng trong lúc này.

Tập huấn liên tục trong lúc dạy trực tuyến khiến nhiều thầy cô quá tải (Ảnh minh họa: Đào Văn Khởi)

Tập huấn liên tục trong lúc dạy trực tuyến khiến nhiều thầy cô quá tải

(Ảnh minh họa: Đào Văn Khởi)

Bố trí thời gian tập huấn chưa hợp lý

Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc giáo viên phải tham gia bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn là điều hiển nhiên- nhất là lần thay đổi chương trình lần này Bộ đã chủ trương thiết kế theo các module và để giáo viên tập huấn qua mạng internet nên cũng giúp cho họ chủ động được công việc này.

Tuy nhiên, nhìn lại 4 module mà Bộ triển khai từ cuối học kỳ I ở năm học 2020-2021 cho đến nay thì rõ ràng đa số giáo viên sẽ phải băn khoăn bởi chưa phù hợp về thời điểm vì nó đều rơi vào những lúc mà đội ngũ nhà giáo bận bịu nhất.

Đối với 3 module triển khai trong năm học 2020-2021 thì đa phần rơi vào thời điểm chuẩn bị kiểm tra học kỳ. Module 4 vừa qua thì triển khai trong lúc mà phần lớn các địa phương đang dạy trực tuyến và thời điểm kiểm tra giữa kỳ I của năm học 2021-2022.

Chúng ta đều biết, khi bước vào năm học 2021-2022 thì toàn ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nên đa phần các địa phương phải triển khai dạy và học trực tuyến. Phần lớn các địa phương phải làm quen với cách dạy học mới đối với tất cả các cấp học.

Chính vì thế, các trường học phải triển khai tập huấn phần mềm dạy học, kiểm tra cho đội ngũ giáo viên trong toàn trường. Song song với nhà trường thì Phòng, Sở, Bộ cũng triển khai tập huấn việc dạy học trực tuyến cho giáo viên theo nhiều đợt khác nhau.

Những thầy cô trẻ hoặc giáo viên giỏi về công nghệ thông tin thì còn đỡ vất vả, những thầy cô lớn tuổi, yếu công nghệ thông tin thì quả là một cực hình vì nhiều môn học có số tiết/ tuần nhiều và những môn thực hiện việc kiểm tra tự luận qua phần mềm online.

Vậy nhưng, giáo viên phải bắt tay vào bồi dưỡng module 4 theo kế hoạch và khi module 4 vừa xong thì Sở, Phòng lại yêu cầu tập huấn module 5 và module 9 trong thời điểm chuẩn bị bước vào ôn tập và kiểm tra học kỳ I.

Một học kỳ khó khăn đặc biệt như năm học này mà ngành giáo dục triển khai đến 3 module và có những modul dài dằng dặc và yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng, làm bài tập, làm khảo sát đầy đủ thì thử hỏi chất lượng lấy ở đâu ra?

Không có mấy giáo viên có thể ngồi tập huấn các modul này vào ban ngày được bởi ban ngày họ phải giảng dạy, họp hành, dự giờ, soạn giáo án, làm kế hoạch, thu tiền học sinh, phát tài liệu tại nhà cho những em không thể tham gia học trực tuyến.

Vì thế, họ chỉ có thể tranh thủ vào buổi tối hoặc những lúc rảnh rỗi thì lấy điện thoại, máy tính ra “lướt” cho hết nội dung. Hoặc vừa soạn bài vừa mở vi deo tập huấn cho nó chạy, còn hiệu quả thì rất khó…

Nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn khi trao đổi với chúng tôi đã chia sẻ rằng mỗi tuần họ soạn đến trên chục tiết giáo án (5 tiết Ngữ văn 9; 4 tiết Ngữ văn 6; 2 tiết nội dung giáo dục địa phương; 5 tiết học sinh giỏi) và dạy đủ 19 tiết/ tuần.

Đó là chưa kể giáo viên kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp, tổ trưởng chuyên môn với vô vàn những công việc không tên khác.

Soạn và dạy chừng ấy giáo án theo quy định cùng với vô số những hồ sơ sổ sách khác thì tất nhiên việc tập huấn trực tuyến qua các module phải xem là “thứ yếu” và xếp sau các công việc còn lại.

Dĩ nhiên, chất lượng tập huấn chưa phải là mục tiêu của nhiều thầy cô giáo trong thời điểm mà họ phải căng mình cho việc giảng dạy, kiểm tra trực tuyến liên miên như hiện nay.

Giáo viên đã dạy được nửa học kỳ mới tập huấn nội dung liên quan

Chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn về việc tập huấn modul 4 mà toàn ngành giáo dục đã triển khai vừa qua. Bởi lẽ, trước khi bước vào năm học thì Bộ triển khai Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đối với lớp 6 ở năm học này.

Thế nhưng, khi năm học đã thực hiện được hơn 2 tháng thì giáo viên mới tập huấn module 4 (Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh).

Vì thế, các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì giáo viên đã thực hiện từ đầu tháng 9 cho đến nay. Giáo viên đã thực hiện trước các công việc mà nội dung module 4 được triển khai.

Đáng lẽ ra, trước khi triển khai giảng dạy lớp 6 ở năm học này thì Bộ đã triển khai xong module 4 đến giáo viên để họ nắm bắt được nội dung và áp dụng kiến thức tập huấn cho công việc lập kế hoạch và giảng dạy của mình…

Quy trình ngược như vậy dẫn đến những tuần đầu tiên của năm học giáo viên nhiều trường học gặp vô vàn khó khăn khi xây dựng kế hoạch chuyên môn và kế hoạch bài dạy (giáo án) để thực hiện công việc đối với khối 6.

Trong khi, sau thời điểm nghỉ hè (tháng 6 và tháng 7) thì suốt cả tháng 8, Bộ, Sở gần như chẳng hề đề cập đến chuyện tập huấn cho đội ngũ cốt cán ở các địa phương, chẳng hề đề cập đến việc tập huấn đại trà cho giáo viên.

Bây giờ, năm học mới thực hiện được hơn nửa học kỳ I mà giáo viên được yêu cầu tập huấn đến 3 module (4, 5, 9) thì rõ ràng Bộ, Sở, Phòng đang tạo cho giáo viên khá nhiều áp lực.

Công việc nhiều trong cùng một thời điểm mà yêu cầu giáo viên phải hoàn thành được tất cả các đầu việc thì đó là điều rất khó. Vì thế, chất lượng tập huấn các module về chương trình mới mà Bộ đang triển khai rất khó mang lại hiệu quả khả quan như kỳ vọng.

Một khi, giáo viên tập huấn chưa sâu, chưa kĩ thì sẽ dẫn đến việc áp dụng kiến thức tập huấn cho giảng dạy chương trình mới ở thời điểm hiện tại và cũng như những năm tới đây khó mà đạt được mục tiêu như Bộ đã đề ra ở chương trình tổng thể, chương trình môn học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG