Kỉ luật tích cực như thế nào, chia sẻ của một nhà giáo Hà Nội

28/11/2021 07:03
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc học sinh mắc lỗi là thường tình. Không ai có thể trưởng thành mà chưa từng một lần “vấp ngã” hay mắc sai lầm, đặc biệt ở lứa tuổi đủ lớn nhưng chưa đủ khôn.

“Tôi luôn áp dụng các phương pháp kỉ luật tích cực, trước hết là vì lợi ích thực tế không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh, luôn động viên, khích lệ và tôn trọng các em, việc này phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của lứa tuổi của học trò.

Ngay từ khi nhận lớp, tôi tìm hiểu thông tin từng học sinh qua phiếu điều tra và từ phía phụ huynh qua google form. Bên cạnh những thông tin cơ bản như số điện thoại, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, về sức khỏe, tâm lý, đồng thời tôi có đưa các câu hỏi đối với học sinh: Thành tích đặc biệt mà em đạt được những năm Tiểu học; Em mong chờ những gì ở năm học cấp 2?…

Đối với phụ huynh: Bố mẹ hãy kể một thành tích con đã đạt được. Thành tích đó có thể kết quả của một kì thi, cũng có thể là những hoạt động mà bố mẹ rất hài lòng về con, hay bố mẹ chia sẻ với cô những gửi gắm, mong muốn của gia đình, đặc điểm riêng về tính cách.

Với những học sinh mới chuyển đến, tôi cũng gặp riêng từng em để tìm hiểu, từ đó tôi có thể hiểu thêm về từng em, cũng như có thể liên hệ, trao đổi ngay với cha mẹ học sinh khi cần thiết”, cô giáo Nguyễn Thu Thảo - Tổ phó chuyên môn Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô giáo Nguyễn Thu Thảo - Tổ phó chuyên môn Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô giáo Nguyễn Thu Thảo - Tổ phó chuyên môn Trường Trung học cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo cô Thảo: “Tôi xây dựng kế hoạch chủ nhiệm với các nhiệm vụ trọng tâm, và giải pháp cho từng mặt hoạt động dựa trên nhiệm vụ giáo dục và kế hoạch của nhà trường, cụ thể hóa vào tình hình lớp tôi chủ nhiệm.

Thời gian trước, lớp tôi có một học sinh mới chuyển đến hết sức đặc biệt, có cá tính mạnh, được bạn bè và thầy cô nhận xét là khá “lạnh” và ghê gớm. Trong quá trình tìm hiểu, tâm sự, tôi mới biết em đã từng bị xâm hại. Câu chuyện đã xảy ra rất lâu nhưng nỗi ám ảnh trong quá khứ khiến em phản ứng mạnh, đề phòng với tất cả mọi người.

Ngày nói ra tất cả tâm sự với tôi, em ôm tôi và khóc. Em nói rằng em cảm thấy không còn được như các bạn, em cảm thấy sợ khi tiếp xúc với mọi người xung quanh… Dần dần dưới sự động viên của tôi, em đã mở lòng hơn với bạn bè và thầy cô, tự giác thực hiện các nội quy, qui định của nhà trường. Đó là điều mà những người từng tiếp xúc với em trước đây chưa bao giờ nghĩ đến”.

Tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân

Cô Thảo nói: “Một lớp học bao gồm nhiều học sinh với năng lực, sở trường, sức khoẻ và đặc điểm sống khác nhau. Thông qua phiếu điều tra và thực tế giảng dạy ở trên lớp, tôi đưa ra đánh giá và giúp các em phát huy khả năng sở trường tốt hơn dựa trên những điểm mạnh của các em.

Một học sinh gặp khó khăn trong môn Hoá học, nhưng lại rất giỏi tiếng Anh. Nếu thầy cô chê bai, chỉ trích kiến thức môn Hóa thì chỉ khiến em chán nản, và càng làm cho em tin rằng mình không có khả năng trong môn học. Nhưng nếu giáo viên giao cho em thực hiện tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện các bài giới thiệu, các video nước ngoài ở các chủ đề hoá học, tức là dựa vào sở trường ngoại ngữ của em đó, như vậy sẽ khuyến khích em đó đến với môn Hoá học, học sinh này sẽ cảm thấy được khích lệ và tự tin hơn.

Ngoài ra còn rất nhiều những trường hợp học sinh có cá tính mạnh như vậy, nhưng tôi đã cùng đồng hành, lắng nghe, động viên và dùng những biện pháp tích cực tác động, việc này giúp các con lấy lại được cân bằng, hiểu chuyện và tập trung hơn vào việc học tập.

Ai cũng thích được động viên và khen ngợi. Thầy cô không nên tiết kiệm lời khen ngợi, động viên khi học sinh có hành vi tích cực hay biểu hiện tiến bộ. Việc động viên tích cực có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như thầy cô mỉm cười với học sinh, khen ngợi, biểu dương trước lớp, ghi nhận xét vào sổ ghi đầu bài, nhắn tin cho gia đình… và đó đều là những việc làm tích cực.

Việc khen ngợi, động viên đặc biệt quan trọng đối với những học sinh cá biệt. Đừng bỏ qua bất kỳ một cử chỉ đáng khen nào, đó có thể khi học sinh đó thực hiện đúng nội quy về đồng phục, là khi học sinh chủ động giúp đỡ bạn, đặc biệt là những biểu hiện của sự tiến bộ với chính bản thân của từng học sinh. Lời khen giúp em học sinh đó cảm thấy được thầy cô quan tâm, có động lực hơn để tiếp tục thực hiện những hành vi đúng.

Mỗi tuần, lớp tôi chọn ra một em được coi là tiêu biểu, khi học sinh đó làm được nhiều việc đáng khen ngợi, chứ không chỉ là thành tích về học tập. Em đó sẽ được quyền làm một việc gì mình đặc biệt ưa thích, ví dụ như giới thiệu về bài hát, ca sĩ hay bộ phim mà em yêu thích, nói về luật chơi của một môn thể thao mà em hâm mộ.

Việc theo dõi từng tuần tại lớp giúp tập thể nhanh chóng tìm ra những gương mặt xứng đáng, có tác dụng động viên cá nhân học sinh đó và các học sinh khác cùng cố gắng hơn trong học tập và rèn luyện. Tôi cũng gửi lời mời các bậc phụ huynh thu xếp thời gian đến dự khi con được khen thưởng. Sự nhìn nhận của thầy cô, bè bạn và của phụ huynh chính là món quà giá trị nhất mà học sinh đạt được”.

Cô Thảo và đồng nghiệp trong lễ tuyên dương gương Đảng viên trẻ tiêu biểu. Ảnh: NVCC.
Cô Thảo và đồng nghiệp trong lễ tuyên dương gương Đảng viên trẻ tiêu biểu. Ảnh: NVCC.

Hạn chế dùng các câu mệnh lệnh

Theo cô Thảo: “Giáo dục kỉ luật tích cực là học sinh được mời nói lên suy nghĩ sẽ làm gì, vì thế thay vì đưa ra các câu mệnh lệnh, tôi đã chuyển nó thành các câu hỏi hay các tình huống, ví dụ: Học sinh có thể đưa ra nhiều thứ cần chuẩn bị hơn cả những gì câu mệnh lệnh truyền đạt, như: Con cần mặc đúng đồng phục, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập,…Mặt khác qua việc trả lời câu hỏi, học sinh cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy mình có khả năng và thường đưa ra quyết định hợp tác với thầy cô.

Tôi nhớ cách đây hai năm, một học sinh nữ lớp tôi chủ nhiệm có những rung động đầu đời với một bạn nam lớn tuổi. Thứ tình cảm cô bé theo đuổi mang tính “cuồng nhiệt” hơn rất nhiều lứa tuổi 14 của mình. Bố mẹ bạn ấy quá nghiêm khắc đã có những nhắc nhở và răn đe nhưng không hiệu quả.

Tôi đã có buổi nói chuyện riêng, đề nghị bạn ấy viết một bài tập làm văn có chủ đề “Hãy tưởng tượng em là một người mẹ ở tuổi 14 và kể lại cuộc sống sau hôn nhân của mình”. Thay vì tôi phải đưa ra các mệnh lệnh, những lời cảnh báo, bạn ấy được tự suy nghĩ về điều đó. Kết quả là ngoài một bài văn đúng chủ đề, bạn học sinh ấy đã có những điều chỉnh kịp thời trong tâm lý và tình cảm.

Thực hiện các tình huống đóng vai như là một phương pháp giáo dục tích cực còn được tôi sử dụng trong các giờ sinh hoạt lớp. Học sinh được đặt mình vào vai trò của giáo viên, hoặc nhân viên nhà trường, hay phụ huynh, và thậm chí là một nhân vật giả tưởng.

Cả lớp cùng thảo luận và tự đưa ra các biện pháp xử lý, những hành động cụ thể. Sau đó, từng nhóm sẽ thể hiện trước lớp dưới hình thức thuyết trình hoặc diễn kịch. Các nhóm còn lại lắng nghe, góp ý và thậm chí đưa ra câu hỏi cho nhóm bạn. Qua đó, tôi thực hiện quá trình giáo dục, giúp học sinh tự tìm ra nguyên nhân, đề ra các biện pháp khắc phục, đồng thời có thể thông cảm, chia sẻ với những người mà các em đóng vai”.

Cô Thảo cho biết: “Thực tế việc học sinh mắc lỗi là chuyện thường tình. Không ai có thể trưởng thành mà chưa từng một lần “vấp ngã” hay mắc sai lầm, đặc biệt là ở lứa tuổi “đủ lớn nhưng chưa đủ khôn”. Vì vậy tôi chấp nhận sai lầm như một điều tự nhiên trong cuộc sống để đối mặt với nó và tìm cách giúp các em sửa lỗi lầm bằng cách tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra các giải pháp với các trường hợp tương tự.

Mặt khác tôi hướng dẫn các em chuộc lỗi bằng nhiều hành vi tốt khác. Ví dụ: Học sinh mắc lỗi đi học muộn có thể chuộc lỗi bằng việc tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào của lớp. Trong trường hợp tiến hành xử phạt, học sinh cũng cần biết lỗi của mình trước. Các hình thức xử phạt phải do tập thể học sinh và thầy cô thoả thuận, thống nhất trước và có tính công bằng, không phân biệt đối xử, không làm tổn thương đến cơ thể và tinh thần của các em, hướng đến lỗi lầm mà em đó đã sai”.

Cô Thảo và các em học sinh trong buổi học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.
Cô Thảo và các em học sinh trong buổi học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Tổ chức nhiều hoạt động gắn kết học sinh

Cô Thảo chia sẻ: Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực động viên các em tham gia các hoạt động tập thể do lớp, Liên đội, Đoàn phường tổ chức. Qua đó, học sinh được gắn kết, chia sẻ và cùng thấu hiểu để tạo nên một tập thể mạnh. Từ những việc rất nhỏ như chọn màu áo cho lớp, khẩu hiệu, tôi đều yêu cầu tất cả các em cùng nghĩ, cùng làm. Sau đó, từng cá nhân sẽ lên trình bày về ý nghĩa, lí do rồi cả tập thể bình chọn.

Học sinh được cảm nhận được mình là một phần của tập thể, đều có trách nhiệm với công tác chung. Khi tập thể có thành tích, các em cũng cảm thấy vui hơn, tự hào hơn, trân trọng hơn vì bản thân đã có đóng góp một phần nào đó.

Việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực nhằm giúp học sinh phát triển nhân cách một cách toàn diện là một quá trình lâu dài liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan rất nhiều đến các mối quan hệ xã hội phức tạp.

Vì thế, việc giáo dục học sinh, đồng thời có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ từ giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn, gia đình học sinh và các bạn bè của em sẽ đạt được hiệu quả cao.

Mỗi học sinh đều có một năng lực riêng, tôi hạn chế so sánh các em với người khác, mà luôn cố gắng giúp em tiến bộ hơn so với chính bản thân mình. Mỗi biện pháp giáo dục học sinh bằng phương pháp kỉ luật tích cực được đề xuất đều có mục đích, nội dung, cách thức tiến hành và những điều kiện thực hiện riêng biệt, cụ thể. Tuy nhiên, giữa các biện pháp đều có mối quan hệ mật thiết, gắn bó giúp cho việc thực hiện đồng bộ các biện pháp sẽ có sức mạnh cộng hưởng lớn hơn nhiều lần việc thực hiện rời rạc từng biện pháp một”.

Tùng Dương