“Trường nằm trên địa bàn nông thôn, luôn có điểm tuyển sinh đầu vào thấp, phần lớn các em có lực học yếu đặc biệt là các môn tự nhiên, và gần như yếu những kĩ năng tính toán cơ bản. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn trăn trở với những câu hỏi “Làm thế nào để học sinh yêu thích học tập?”.
Trong bối cảnh yêu cầu dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh và dạy học định hướng STEM, đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức “Làm thế nào để với đầu vào quá yếu vẫn đảm bảo được chất lượng đầu ra?”, “Làm thế nào để dạy học bộ môn Vật lý đảm bảo được việc lồng ghép rèn nhân cách và kĩ năng sống để học sinh nông thôn tự tin bắt kịp với tốc độ phát triển thời đại công nghệ 4.0”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Giáo viên môn Vật lý, tổ trưởng Tổ Tự nhiên Trường Trung học phổ thông Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cô Hương sinh năm 1983, là một trong các nhà giáo vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V năm học 2020 - 2021.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Giáo viên môn Vật lý, tổ trưởng Tổ Tự nhiên Trường Trung học phổ thông Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Cô Hương nói: “Với nhiệm vụ phụ trách chuyên môn bộ môn Vật lý, thành viên tổ Đồng hành sáng tạo, giáo viên chủ nhiệm, tôi đã luôn chủ động tìm kiếm những giải pháp mới, mạnh dạn áp dụng, linh hoạt điều chỉnh các hoạt động chuyên môn của mình. Luôn tự tìm tòi học hỏi các khóa học tâm lý học, học từ đồng nghiệp để nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn.
Là thành viên tích cực của nhóm giáo viên Đồng hành sáng tạo – nhóm giáo viên được nhà trường thành lập với nhiệm vụ tìm kiếm sự đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ đồng nghiệp và học sinh, tôi luôn chủ động tìm kiếm, đề xuất những giải pháp cũng như trực tiếp tham gia.
Trong giai đoạn dịch Covid -19 năm 2020 phải dạy học trực tuyến, tôi đã chủ động tìm kiếm phần mềm. Ban giám hiệu nhà trường đồng bộ khai thác nền tảng Microsoft 365 online, tổ chức nhiều buổi hội thảo để hỗ trợ triển khai đến giáo viên và học sinh, tôi đã cùng các đồng nghiệp chủ động tìm hiểu, học hỏi để khai thác việc dạy, quản lý lớp học, giao bài, chấm trả bài đồng bộ trên một nền tảng phần mềm Công nghệ thông tin... từ đó chia sẻ đến các đồng nghiệp.
Với đối tượng học sinh nông thôn, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, làm thế nào để học sinh yêu thích môn học, làm thế nào để có thể dạy học định hướng STEM, để học sinh được tiếp cận những giải pháp công nghệ như Robotics? Tôi đã nỗ lực từ những khởi đầu đơn giản, tăng cường cho học sinh chơi: Cho học sinh làm các sản phẩm, thiết bị từ các sản phẩm tái chế; Tổ chức cho học sinh các cuộc thi đua nhỏ; Đến nay tôi hình thành được Câu lạc bộ Vật lý, và đã bước đầu cho học sinh tiếp cận công nghệ qua những sản phẩm được lập trình qua Board Arduino.
Mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, liên tục thu nhận những thông tin phản hồi, linh hoạt điều chỉnh. Ngoài việc luôn nỗ lực đổi mới phương pháp, tôi đã tạo ra nét văn hóa riêng cho lớp mình chủ nhiệm, các thành viên trong tập thể lớp luôn tự hào về môi trường học tập, nơi các em luôn yêu thương và được yêu thương, tôn trọng; Nơi các em được học hỏi và cũng được thể hiện những sở trường của mình; Nơi các em luôn thấy mình có sẵn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo; Nơi các em được mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình,…”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Theo cô Hương: “Quá trình được chia thành 4 giai đoạn và vận hành lại quy trình tạo thành vòng chu trình qua các khóa học: Ươm mầm - Thắp lửa - Lan tỏa - Phát triển quy trình. Trong các giờ dạy trên lớp, các giờ dạy chuyên đề, tôi tăng cường sử dụng các thiết bị thí nghiệm, giới thiệu mở rộng thực tiễn kích thích hứng thú của học sinh. Bên cạnh đó tổ chức cho học những hoạt động thi đơn giản theo định hướng STEM.
Lựa chọn các học sinh để ươm mầm cho các ý tưởng, từ đó các học sinh này sẽ trở thành hạt nhân cho các hoạt động tiếp theo. Tôi cùng các thầy cô trong trường phát động học sinh trong lớp tham gia dự án “Nhà sáng chế” thiết kế sản phẩm, các thí nghiệm hoặc các đồ dùng học tập, tham khảo từ các nguồn sách giáo khoa hoặc internet; Học sinh đăng kí tham gia độc lập hoặc theo các nhóm.
Các ý tưởng hay được giáo viên lựa chọn để thành viên của nhóm tiến hành tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoàn thiện sản phẩm.
Các thí nghiệm, sản phẩm hoàn chỉnh của các nhóm được lựa chọn để tham gia vào buổi chuyên đề “Câu lạc bộ Vật lý vui” trước học sinh toàn trường. Ngoài việc vượt qua thử thách của các nhóm, học sinh còn phải giải thích kết quả dựa trên kiến thức đã học từ đó khắc sâu hơn kiến thức.
Khi nhà trường tổ chức Ngày hội trải nghiệm sáng tạo quy mô toàn trường với sự góp mặt của các bộ môn Toán - Lý - Hóa và nhóm sáng tạo, Câu lạc bộ Vật lý đã đóng vai trò nòng cốt trong tất cả các hoạt động trải nghiệm do nhóm Vật lý phụ trách. Ngày hội đã mang lại ấn tượng mạnh mẽ cho học sinh toàn trường, và các trường trong cụm.
Câu lạc bộ Vật lý đã tổ chức thành công chuyên đề lần 2 nhằm duy trì và biến các hoạt động trải nghiệm bộ môn Vật lý thành một hoạt động gần gũi, hấp dẫn thu hút sự yêu thích của học sinh toàn trường. Chuyên đề đã giới thiệu các sản phẩm: Putty Slime, cánh tay thủy lực, cần nâng thủy lực, đài phun nước bằng chai nhựa, khung dây quay quanh trong từ trường, quạt động cơ nhiệt,…
Tất cả những cố gắng thử và sai, rồi nỗ lực làm lại thành công đã được đền đáp xứng đáng, những sản phẩm của Câu lạc bộ Vật lý lại đóng góp phần không nhỏ trong không gian sáng tạo của ngày hội Trải nghiệm sáng tạo lần 3 của nhà trường. Đối với những thành viên hạt nhân của Câu lạc bộ, các em đã thể hiện mình hết sức tự tin ở sân chơi toàn trường rộng hơn lớp học quen thuộc.
Đối với học sinh toàn trường, các em đã được tham gia vào các thử thách cần phải tổng hợp kiến thức để giải quyết, từ đó khắc sâu và chiếm lĩnh được kiến thức và kĩ năng.
Đối với tổ chuyên môn, hoạt động của Câu lạc bộ Vật lý đã tạo ra nhiều đồ dùng phục vụ cho dạy học, từ đó làm các tiết học thêm sinh động, trực quan.
Đối với đồng nghiệp trong toàn trường, hoạt động của Câu lạc bộ Vật lý đã để lại những ấn tượng tốt, có sức lan tỏa. Sau buổi trải nghiệm các tổ chuyên môn khác cũng có những ý tưởng để xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh của tổ nhóm mình”.
Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) trong giờ học Vật lý. Ảnh: NVCC. |
Cô Hương luôn đặt câu hỏi: Với đối tượng học sinh nông thôn, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, làm thế nào để học sinh yêu thích môn học, làm thế nào để có thể dạy học định hướng STEM, để học sinh được tiếp cận những giải pháp công nghệ như Robotics?. Ảnh: NVCC. |
Đổi mới trong công tác chủ nhiệm
Cô Hương cho biết: “Trước thực trạng về áp lực thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục dẫn đến việc học sinh quá tự ti, hoặc quá tự tin về khả năng của bản thân, các em tìm kiếm cách thức khác ngoài học tập để khẳng định mình, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh tiêu cực như bắt nạt, bạo lực học đường,…cộng với việc giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh còn mang tính hình thức, tất cả đã tác động tiêu cực đến người học.
Để một ngôi trường trở thành “Trường học hạnh phúc” thì mỗi lớp học cũng cần là một lớp học hạnh phúc, những học sinh hạnh phúc. Lớp học đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các em học sinh, nơi mà các em luôn được yêu thương, được thể hiện tình yêu thương của mình tới thầy cô và bạn bè, các em luôn hạnh phúc, có cảm xúc tích cực khi đến lớp – một không gian ấm cúng, sáng tạo – một lớp học đã được xây dựng nét văn hóa riêng mà các em luôn cảm thấy an toàn, được thấu hiểu và tự tin thể hiện những giá trị của bản thân.
Trong quá trình triển khai chuỗi hoạt động, tôi thường xuyên gửi phiếu khảo sát qua Forms online, giúp học sinh đưa ra ý kiến đề xuất cũng như cho phản hồi tính hiệu quả về cách quản lý của giáo viên chủ nhiệm, cũng như các hoạt động, ví dụ: Cách làm của cô có điều gì hiệu quả; Cách làm của cô có điều gì chưa hiệu quả; Cách làm của cô cần thay đổi gì; Em có tư vấn hoạt động nào hoặc làm gì để điều chỉnh hoạt động hiệu quả hơn qua kênh khảo sát. Qua đó tôi nắm được tâm tư nguyện vọng của học sinh cũng như hướng tiếp cận hiệu quả hơn với các hoạt động đã tổ chức.
Các giờ sinh hoạt không còn nhàm chán mà chủ yếu là các giờ giáo dục giá trị sống. Sau khi được tìm hiểu, học sinh lựa chọn những giá trị cốt lõi, từ đó giáo viên định hướng giáo dục cũng như các hoạt động khác trong năm học hướng đến rèn luyện và bồi đắp những giá trị đó”.
Cô Hương chia sẻ: “Các buổi họp phụ huynh được diễn ra trong không khí cởi mở, thân thiện, phụ huynh được tham gia các hoạt động trải nghiệm thông qua trò chơi, xem các video giá trị, đọc tâm thư của con và viết tâm thư cho con.
Trước buổi họp, giáo viên chủ nhiệm gửi khảo sát đến phụ huynh và học sinh về các nội dung: Nêu 3 ưu điểm của con; Nêu nhược điểm của con; Con mong muốn gì? Qua thông tin khảo sát từ phụ huynh và học sinh, giáo viên kết hợp với đánh giá quá trình của học sinh để đưa ra những hướng khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm của con cho từng phụ huynh, chỉ ra những điểm mâu thuẫn, quá chênh lệch trong quan điểm của bố mẹ và con.
Qua đó bố mẹ được hiểu con hơn, hài hòa được mong muốn của bố mẹ và con. Kết quả là, học sinh được tôn trọng, lắng nghe ý kiến, được thấu hiểu và được yêu thương. Học sinh được mạnh dạn chia sẻ cảm xúc, quan điểm, mong muốn của mình, khi được bố mẹ thấu hiểu càng tự tin hơn, tạo động lực mạnh mẽ thể hiện những giá trị của bản thân”.