Ở nước ngoài, chủ tịch hội đồng trường phổ thông công chỉ nhận lương tượng trưng

14/02/2022 06:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia, chủ tịch hội đồng trường phổ thông nên là người ở ngoài trường để họ mang những bối cảnh và sức sống phía bên ngoài vào trong trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Trong dự thảo có bổ sung vị trí lãnh đạo trường là chủ tịch hội đồng trường (thay vì 2 vị trí trước đây là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng). Chủ tịch hội đồng trường có thể được bầu từ giáo viên hoặc cán bộ quản lí.

Dư luận băn khoăn trước nội dung của dự thảo có nhiều vấn đề như vai trò của chủ tịch hội đồng trường liệu có chồng chéo với hiệu trưởng, cũng như việc chọn giáo viên làm chủ tịch hội đồng trường liệu có đủ năng lực lãnh đạo điều hành.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Dung (nguyên Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh) có chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Tiến sỹ Nguyễn Kim Dung. (Ảnh: NVCC)Tiến sỹ Nguyễn Kim Dung. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Tiến sỹ đánh giá ra sao mô hình Hội đồng trường trong trường học phổ thông công lập?

Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Dung: Theo tôi nghĩ, Hội đồng trường có chức năng rất quan trọng, trong việc chỉ ra định hướng sự phát triển của nhà trường, đồng thời mang những bối cảnh và sức sống phía bên ngoài vào trong trường.

Nếu chủ tịch hội đồng trường là giáo viên thì sẽ có mâu thuẫn về lợi ích, dễ dẫn tới việc họ không dám lên tiếng bởi vướng Hiệu trưởng. Từ đây, họ không thể hiện được trách nhiệm của mình, ngoài ra "tầm nhìn" của giáo viên về các vấn đề quản lý, lãnh đạo, định hướng cũng có thể không phù hợp với vị trí này.

Giáo viên giỏi về chuyên môn, khi làm chuyên môn thì không có nhiều người muốn tham gia vào vị trí quản lý, lãnh đạo.

Vì vậy, chủ tịch hội đồng trường nên là người ngoài trường, để họ chỉ tập trung đưa ra các định hướng, sự phát triển của trường.

Ở các nước, nhà trường mời những người ở bên ngoài trường làm chủ tịch hội đồng trường và người đó phải có cái uy về giáo dục, có tầm nhìn về sự phát triển của nhà trường và giáo dục.

Phóng viên: Vậy nếu chủ tịch hội đồng trường là người bên ngoài trường, thì chúng ta có thể lựa chọn ai và chế độ ưu đãi đối với họ như nào, thưa bà?

Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Dung: Mô hình hội đồng trường phổ thông nên chọn người ở bên ngoài trường và có mối quan hệ mật thiết với trường, có tầm nhìn, định hướng, họ có thể là phụ huynh, lãnh đạo Phòng giáo dục, lãnh đạo địa phương, nhân sự từ các trường đại học.... là những người có thể mang được tiếng nói từ bên ngoài để giúp cho nhà trường phát triển.

Ví dụ như thúc đẩy sự phát triển về thể chất, năng lực học tập học sinh, giúp cho học sinh vào đại học, hoặc tham gia lực lượng lao động đối với các trường trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Hội đồng trường cần phải hiểu dược định hướng của nhà trường và phải thực hiện nó một cách tốt nhất.

Về quyền lợi, thông thường hội đồng trường, họp hàng tháng hoặc theo quý, việc này theo quy định của pháp luật. Chủ tịch hội đồng trường có thể không hoặc có thể được hưởng quyền lợi theo đóng góp đối với nhà trường.

Tại nước ngoài, vị trí chủ tịch hội đồng trường thường là vị trí danh dự, họ không bị phụ thuộc vào quyền lợi, bởi nếu không sẽ dẫn đến lợi ích nhóm.

Tại một số nước mà tôi biết, chủ tịch hội đồng trường đến từ các Phòng giáo dục, hoặc những người liên quan đến giáo dục như trong hiệp hội nghề nghiệp, những người có gắn liền quyền lợi của họ và tầm nhìn phát triển với trường.

Họ có thể nhận được khoản phúc lợi, lương tượng trưng, bởi trường công gắn với nhà nước. Về chế độ ưu đãi cho chủ tịch hội đồng trường có thể được trích ra từ phía nhà trường, Phòng giáo dục...

Phóng viên: Vai trò của chủ tịch hội đồng liệu có trùng lặp với hiệu trưởng, trong quản lý, điều hành nhà trường?

Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Dung: Theo tôi không có sự trùng lặp trong vai trò lãnh đạo của hai chức vụ trên, bởi vì chủ tịch hội đồng trường là người đưa ra quyết định, định hướng, còn làm cụ thể quyết định trên thì ban giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm.

Ví như đối với việc phát triển cơ sở vật chất thì chủ tịch hội đồng trường đưa ra tỷ lệ phần trăm chi phí cho hoạt động này, và ban giám hiệu nhà trường thực hiện. Bên cạnh đó, trong hội đồng trường cũng có thể có bộ phận giám sát ban giám hiệu làm những việc được đưa ra bàn.

Điều đó cũng hạn chế việc lạm dụng quyền lực của hiệu trưởng, hoặc ban giám hiệu trong vấn đề về tài chính, đội ngũ...

Thực tế hiện nay, nhiệm vụ và chức năng của hội đồng trường không được rõ ràng, trong khi đó luật lại có sự khác biệt.

Tuy nhiên, nếu đặt hiệu trưởng vào vai kiêm chủ tịch hội đồng trường thì họ sẽ thực hiện không có sự khác biệt gì.

Phóng viên: Hội đồng trường trung học phổ thông có khác gì so với đại học trong vai trò quản lý?

Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Dung: Trường đại học có sự tự chủ cao và họ có thể đưa ra quyền quyết định về tài chính, nhân sự. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, chủ tịch hội đồng trường đại học ngày càng thể hiện được vai trò của mình, khi có sự tham gia của người ở bên ngoài trong hội đồng.

Những thành viên trong Hội đồng trường đại học không phải là cán bộ viên chức trong trường, họ đến từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương... điều này đã chứng tỏ được vai trò của Hội đồng trường.

Hội đồng trường của trường đại học với phổ thông có sự khác biệt rất rõ. Trong đó, trường đại học có sự tự chủ cao, trong khi các trường phổ thông công lập có nguồn ngân sách nhà nước và họ phải thực hiện theo quy định tài chính rõ ràng.

Vì vậy Hội đồng trường của trường phổ thông phần lớn chỉ mang tính chất làm sao cho trường phát triển, tính tuân thủ nhiều hơn, chứ không phải chú trọng về vấn đề tài chính.

Theo tôi, mô hình hội đồng trường đại học hoàn toàn không phù hợp với trường phổ thông.

Phóng viên: Trong thời gian vừa qua, chúng ta có nhiều dự thảo, đề xuất để thay đổi và phát triển nền giáo dục. Bà có nhận định như nào về sự thay đổi này?

Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Dung: Nền giáo dục của Việt Nam ngày càng học được kinh nghiệm của nhiều nơi trên thế giới, cũng như có sự thống nhất của hệ thống giáo dục đại học với giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc tham khảo áp dụng mô hình nào đó thì khó tránh khỏi sự trục trặc từ ban đầu. Vì vậy phải để làm sao mô hình này có sự linh hoạt, sự vận dụng uyển chuyển và tính hiệu quả, thực chất của nó.

Quan trọng của hệ thống giáo dục là phải đi vào thực chất, chứ không phải là một mô hình cứng nhắc.

Một mô hình trường tốt cần có "luồng gió" mới từ bên ngoài vào, trong đó hội đồng trường phổ thông là cách để phụ huynh, lãnh đạo bên ngoài nhà trường tham gia. Tôi mong rằng mô hình này sẽ được thực hiện.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Mạnh Đoàn