Tôi thấy hội đồng trường phổ thông công lập lâu nay hữu danh vô thực

04/02/2022 06:48
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thêm chức danh lãnh đạo là để trường học hoạt động tốt, còn tăng thêm cũng như không hoặc làm trường học rối tinh rối mù, tạo thêm bè phái cần phải xem xét lại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Một điểm khá mới trong dự thảo bổ sung, sửa đổi lần này, có thêm một vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cụ thể, trường học sẽ gồm có 3 vị trí (thay vì 2 vị trí như trước đây): chủ tịch hội đồng trường; hiệu trưởng; phó hiệu trưởng.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)

Hiện nay, ở các cấp học phổ thông đã có hội đồng trường mà chủ tịch hội đồng trường chủ yếu là hiệu trưởng nhà trường. Thế nên, sự xuất hiện thêm một chức danh quản lý cho chủ tịch hội đồng trường gần như không có ý nghĩa gì.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra: Nếu hiệu trưởng không được bầu làm chủ tịch hội đồng trường thì quyền hành trong nhà trường sẽ thuộc về hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng trường?

Hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường ai sẽ cao hơn? Điều này không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến rối loại trong nhà trường.

Trường phổ thông công lập có thực sự cần có hội đồng trường hay không?

Nói đến chuyện trường học có cần hội đồng trường hay không, người viết nhớ đến chuyện của cách đây chục năm khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đã quy định rõ các cấp học này phải có hội đồng trường.

Hội đồng trường có chủ tịch, 1 thư ký và các thành viên khác. Tổng số thành viên của hội đồng trường từ 9 đến 13 người.

Từ khi Thông tư ra đời, trường học nào cũng nhanh chóng ra quyết định thành lập ngay hội đồng trường.

Chỉ là thành lập để ghi vào biên bản cho đúng quy định chứ thực chất hội đồng trường cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Suốt cả năm học đó và những năm học về sau, hội đồng trường không tổ chức một buổi họp nào, mà có tổ chức họp cũng chỉ như những buổi họp hội đồng, họp chuyên môn chứ không có gì khác.

Hiệu trưởng (cũng chính là chủ tịch hội đồng trường) của tôi lúc đó giải thích: “Nội dung các cuộc họp hội đồng đã thể hiện đủ nên không cần phải họp Hội đồng trường vì cũng chỉ bấy nhiêu người, xoay quanh bấy nhiêu nội dung”.

Thế là, giáo viên quên dần với sự có mặt của một hội đồng trường, có chăng chỉ được khơi gợi khi cuối năm, khi tổng kết, sơ kết học kỳ hay mỗi lần đại hội đều được điểm tên trong các bản báo cáo.

Rối tung rối mù khi giáo viên được bầu làm chủ tịch hội đồng trường

Theo quy định của Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, chủ tịch hội đồng trường có thể là giáo viên, trong thực tế đã có trường làm thế và không ít rắc rối đã xảy ra.

Thầy giáo C. ở Kiên Giang (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Mình thật sự gặp rắc rối khi được giáo viên bầu làm chủ tịch hội đồng trường. Làm một năm mà cứ như bù nhìn vì chỉ có danh chứ không có thực quyền”.

Rồi thầy C. chia sẻ, từ ngày được bầu vào vị trí ấy, chính thầy phải chịu sức ép từ nhiều phía.

Đầu tiên, là việc không hiểu rõ, không nắm rõ nhiệm vụ của một chủ tịch hội đồng trường là phải làm những gì? Làm như thế nào?

Đảm nhận thêm chức danh nhưng không có một thực quyền gì thì nói cũng chẳng ai nghe, ai nể. Bản thân chủ tịch hội đồng trường vẫn phải lên lớp đầy đủ các tiết dạy, thao hội giảng và hồ sơ sổ sách như một giáo viên.

Đặc biệt, chịu sức ép lớn từ hiệu trưởng. Vì không biết nhiệm vụ, không đủ thực quyền nên muốn tổ chức một buổi họp hội đồng trường cũng phải xin ý kiến hiệu trưởng.

Nhiều giáo viên nhận ra, thực chất cái chức danh chủ tịch hội đồng trường cũng chỉ trên danh nghĩa nên không dám ủng hộ công khai vì sợ mất lòng hiệu trưởng.

Không chịu nỗi áp lực, thầy C. nói mình phải làm đơn xin từ chức chủ tịch hội đồng trường.

Còn cô giáo H. tại Bình Thuận cũng được bầu làm chủ tịch hội đồng trường. Cô H. nói: “Giữ thêm chức danh cho đúng quy định chứ cũng không biết làm gì cả”.

Nếu đọc kỹ nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường trung học công lập chúng ta sẽ thấy những nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường cũng chẳng khác gì nhiệm vụ, quyền hạn của một hiệu trưởng.

Đó là, quyết định về chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và từng năm học; quyết định về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; phê duyệt kế hoạch giáo dục của nhà trường…

Gần như những nhiệm vụ này hiệu trưởng nhà trường đang làm. Bởi thế, chủ tịch hội đồng trường do hiệu trưởng đảm nhận thì cũng như không nhưng nếu do giáo viên đảm nhận rắc rối sẽ xuất hiện như chúng tôi đã phân tích ở trên.

Thêm một chức danh lãnh đạo để trường học hoạt động tốt hơn là việc nên làm còn tăng thêm chức danh cũng như không hoặc làm trường học rối tinh rối mù, tạo thêm bè phái, vây cánh, tranh giành quyền lực thì Bộ Giáo dục rất cần phải nghiên cứu lại.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết