Ngày 7/2, hàng ngàn học sinh ở các trường vùng cao huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) nô nức bước vào ngày học đầu tiên của năm mới đã nhận được niềm vui bất ngờ với những phong bao lì xì đỏ thắm.
Niềm vui ngày đầu năm mới
Đây là “chút lộc” đầu năm do thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (xã Trà Don, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cất công chuẩn bị công phu từ nhiều ngày trước.
Học sinh vùng cao bất ngờ với món quà lì xì đầu năm mới. Ảnh: NTV |
Theo thầy Vỹ, đây không phải lần đầu tiên thầy tổ chức lì xì cho học sinh mà trước đó, thầy cùng nhiều giáo viên khác đã tổ chức hoạt động mang đầy ý nghĩa này.
Mục đích của những tấm phong bao lì xì này là mong muốn của các thầy cô giáo vùng cao mang đến cho các em niềm vui, chút hơi ấm trong những ngày đầu năm mới.
Thầy Vỹ chia sẻ thêm, sau Tết Nguyên đán 2021, từ sự ủng hộ của các mạnh thường quân, thầy phối hợp với các thầy cô giáo của 10 điểm trường tiểu học tổ chức lì xì cho 4.300 học sinh.
Các giáo viên tại các trường chuẩn bị phong bao lì xì cho học sinh. Ảnh: NTV |
“Mấy ngày cận Tết nguyên đán 2022, tôi đã kêu gọi và quyên góp được số tiền gần 50 triệu đồng. Sau đó, tôi quy đổi toàn bộ ra tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng để trao lì xì 9.500 em (mỗi em 5.000 đồng).
Số tiền lì xì này cũng sẽ được gửi đến các thầy cô để trao lại cho học sinh đang theo học tại 30 trường trên địa bàn huyện”, thầy Vỹ nói.
Số tiền trong mỗi phong bao lì xì tuy không lớn nhưng chất chứa nhiều tình cảm của thầy, cô muốn gửi đến các em học sinh.
Học sinh hứng thú với món quà bất ngờ. |
"Phần lớn học sinh ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều em không biết đến phong tục lì xì như học sinh dưới miền xuôi.
Vì vậy, tôi mong muốn thông qua việc lì xì, các em sẽ có thêm niềm vui trong năm mới, tạo khí thế trong ngày đầu quay lại lớp học", thầy Vỹ chia sẻ thêm.
Người thầy của trẻ vùng cao
Tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Quảng Nam chuyên ngành sư phạm, từ những năm 2000, thầy Vỹ đã lăn lộn khắp các điểm trường vùng cao của huyện Nam Trà My.
Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ chuẩn bị kỹ càng một số lượng lớn tiền lẻ còn mới tinh cùng hàng ngàn bao lì xì. Ảnh: NVCC |
Từ Tắk Lũ (xã Trà Mai) đến Măng Lưng (xã Trà Cang), Ông Ruộng (xã Trà Vân)… nơi đâu cũng có bóng hình của thầy giáo trẻ lòng tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu thương học trò.
Thầy Vỹ chia sẻ rằng, chính những ngày tháng làm giáo viên cắm bản, “cùng ăn, cùng ở” đồng bào giữa bốn bề núi rừng hoang sơ đã giúp anh hiểu được cái khó, cái khổ của học trò vùng cao.
“Ngày đó, để đến điểm trường dạy học phải mất 6-7 tiếng lội bộ đường rừng. Giáo viên phải gùi trên lưng gạo, nước mắm, cá khô… để lên ở suốt một tuần. Có những lần mưa gió, bão lũ thì có khi cả tháng mới xuống núi để mua đồ tiếp tế một lần”, thầy Vỹ tâm sự.
Tình yêu với học trò vùng cao được các thầy cô gửi gắm vào những phong bao lì xì đầu năm mới. Ảnh: NVCC |
Kinh qua nhiều vị trí công tác, từ giáo viên cắm bản, tổng phụ trách đội, chuyên viên phòng giáo dục… nhưng dù ở đâu thì thầy Vỹ luôn đau đáu với những học trò nghèo khó. Đến Tỉnh đoàn, phát hiện trong kho còn dư nhiều áo quần, giày dép cũ, thầy lại xin về cho học trò.
Nghe ở đâu có hoàn cảnh học sinh nghèo, mồ côi cha mẹ hay gia đình gặp hoàn cảnh éo le trong cuộc sống, thầy lại tất bật đến tìm hiểu rồi vận động quyên góp, kêu gọi giúp đỡ.
Gặp gỡ doanh nghiệp, mạnh thường quân, thầy Vỹ cũng chủ động xin cho học trò thêm cái áo ấm, cái ba lô, đôi dép… để hành trình đến trường của các em bớt phần gian nan, cực nhọc.
Đây là năm thứ hai, những học trò vùng rẻo cao Nam Trà My được nhận quà lì xì từ thầy Vỹ và các thầy cô giáo. Ảnh: NTV |
Năm 2013, thầy Vỹ cùng một số bạn bè thành lập nên “Câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My” với mục đích kêu gọi xây dựng, sửa chửa các điểm trường tạm bợ, hư hỏng do mưa lũ tàn phá. Khi chưa kêu gọi được kinh phí thì các thành viên tự bỏ tiền túi ra làm.
Đôi khi là lợp lại mái tôn hay chỉ là tráng xi măng cho lớp học… cũng khiến các thầy cô, học trò vui như Tết.
Sau hơn 8 năm làm người “vác tù và hàng tổng”, thầy Vỹ và Câu lạc bộ Kết nối yêu thương đã vận động xây mới hơn 40 điểm trường, 30 điểm trường được sửa chữa và hỗ trợ trang thiết bị phòng học như điện năng lượng mặt trời, bàn ghế, bảng, sách vở.