Giáo viên đừng nôn nóng bỏ tiền học chứng chỉ tích hợp kẻo mất tiền oan

21/01/2022 06:38
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lo lắng của giáo viên các đơn môn thuộc các môn tích hợp là có cơ sở, không còn cách nào khác phải tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn để có đủ điều kiện dạy học.

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) đối với bậc trung học cơ sở ở lớp 6 năm học 2021-2022 và các lớp 7, 8, 9 ở các năm tiếp theo xuất hiện các môn mới là môn tích hợp như Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nghệ thuật,…

Tuy nhiên, trong đó có 2 môn mới khiến giáo viên lo lắng, băn khoăn nhất là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vì giáo viên các môn trên sắp tới phải “khăn gói” đi học, có thể tự bỏ kinh phí và phải thi, nếu đạt thì được cấp chứng chỉ tích hợp, nếu không đạt thì có thể phải bỏ tiền lần 2, 3,… hoặc có thể bị tinh giản biên chế.

100% giáo viên bắt buộc phải bồi dưỡng, học tập mới có thể dạy các môn tích hợp

Ngày 23/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Ở các hướng dẫn ở mục 1, 2 hướng dẫn thực hiện môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có quy định cụ thể về việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên như sau: “…Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.

Ảnh minh hoạ, nguồn: Baotuyenquang.com.vn

Ảnh minh hoạ, nguồn: Baotuyenquang.com.vn

Tiếp theo đó tại 02 Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:

Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”.

Như vậy các công văn hướng dẫn và quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ 100% giáo viên các đơn môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý phải được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để trở thành giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (bắt buộc phải có chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý).

Như vậy, lo lắng của giáo viên các đơn môn thuộc các môn tích hợp là có cơ sở, không còn cách nào khác phải tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn để có được chứng chỉ và đủ điều kiện để trở thành giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Nếu không có chứng chỉ các môn tích hợp trên, giáo viên thể phải mất việc vì không có vị trí để phân công công tác.

Điều kiện để được cấp chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý

Tại 02 Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở của Bộ quy định:

6. Đánh giá kết quả học tập

Học viên phải tham gia tối thiểu 80% thời gian học tập trực tiếp của chương trình bồi dưỡng quy định cho mỗi học phần thì được tham gia kiểm tra kết thúc học phần đó. Ngoài ra, với các học phần có kết hợp đào tạo trực tuyến thì học viên phải đáp ứng được các yêu cầu về đào tạo trực tuyến của cơ sở đào tạo.

Kết thúc mỗi học phần của chương trình bồi dưỡng, đối vơi môn Khoa học tự nhiên học viên phải thực hiện một bài kiểm tra viết trong thời gian tối thiểu 60 phút, đối với mô Lịch sử và Địa lý thì học viên phải thực hiện một bài thu hoạch. Bài kiểm tra (bài thu hoạch) được chấm theo thang điểm 10. Riêng đối với các học phần Nhập môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Dạy học môn Khoa học tự nhiên; Dạy học môn Lịch sử và Địa lý học viên sẽ phải viết bài tiểu luận theo yêu cầu của giảng viên. Bài tiểu luận được đánh giá theo thang điểm 10. Học viên nào không đạt 5 điểm trở lên thì phải kiểm tra lại hoặc làm lại bài tiểu luận theo yêu cầu của từng học phần.

Điểm đánh giá học phần được tính là điểm bài thi kết thúc các học phần hoặc điểm bài tiểu luận.

Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa bồi dưỡng được tính theo công thức sau và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân:

Trong đó:

A là điểm trung bình chung tích lũy

ai là điểm của học phần thứ i

ni là số tín chỉ của học phần thứ i

n là tổng số học phần.”

Như vậy, không chỉ là bồi dưỡng 20-36 tín chỉ theo quy định mà giáo viên phải thực hiện các bài kiểm tra các học phần, bài thu hoạch và phải viết tiểu luận theo yêu cầu giảng viên và quan trọng là phải đạt yêu cầu.

Nếu không đạt, giáo viên có thể phải tiếp tục bỏ tiền túi để học lại, thi lại học phần thậm chí có thể học lại toàn bộ chương trình.

Giáo viên đừng vội bỏ tiền túi để đi học chứng chỉ các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý

Về phần kinh phí học bồi dưỡng, Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở này quy định từ 3 nguồn:

“Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;

Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng;

Do người học tự đóng góp.”

Dựa và hai Quyết định trên thì một số trường đại học đủ điều kiện đào tạo các môn trên đã chiêu sinh các lớp bồi dưỡng các chứng chỉ trên với kinh phí dao động từ 3 – 7,2 triệu (học từ 20-36 tín chỉ tương đương mỗi tín chỉ 150,000 – 200,000 đồng) tùy theo môn và đơn vị bồi dưỡng (chưa kể các kinh phí tài liệu, chi phí đi lại và các chi phí khác).

Thông báo chiêu sinh học chứng chỉ tích hợp của Trường Đại học Đồng Tháp

Thông báo chiêu sinh học chứng chỉ tích hợp của Trường Đại học Đồng Tháp

Thực tế hiện nay đã có nhiều giáo viên do lo lắng, nôn nóng nên đã đăng ký và tự bỏ tiền túi học các lớp chứng chỉ trên.

Tuy nhiên, trao đổi trên Báo điện tử VietnamNet, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả. Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí".[1]

Như vậy đã rõ quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như trả lời của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ nếu được nhà trường cử đi học thì nhà trường trả phí, nếu giáo viên tự đăng ký đi học thì phải trả 100% kinh phí.

Do đó, theo quan điểm của người viết, giáo viên đừng nên nôn nóng tự bỏ tiền túi đi học chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vì do chương trình xuất hiện các môn mới thì các địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể cân đối kinh phí, bố trí giáo viên đi học các chứng chỉ trên và sẽ trả kinh phí (giáo viên các môn tích hợp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện).

Bên cạnh đó, giáo viên các môn tích hợp là rất đông nếu tự đăng ký đi học sẽ rất khó cho các trường phân công công tác, ảnh hưởng thời gian làm việc do đó các địa phương sẽ lên kế hoạch bồi dưỡng một cách khoa học, đồng bộ và hợp lý. Nếu tự đi học vừa tốn kinh phí vừa ảnh hưởng đến đơn vị, cá nhân.

Thông qua bài viết, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo cho các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc bồi dưỡng các chứng chỉ tích hợp trên đừng để giáo viên lo lắng và tự bỏ tiền túi để học, ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên và công việc của trường.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thuc-hu-thong-tin-giao-vien-phai-dong-tien-hoc-boi-duong-day-tich-hop-758262.html

[2] Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM