Bộ xếp hạng chức danh giáo viên hoàn toàn không sai, nhưng tiêu chí chưa phù hợp

11/02/2022 09:01
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên vì học sinh thân yêu, có thể không được thăng hạng trên bảng lương, được thăng hạng trong trái tim học trò, đó là thứ hạng cao quý nhất của nhà giáo!

Việc Bộ Giáo dục xếp Chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng, trong các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư 01, 02, 03, 04/ 2021/TT-BGDĐT, thời gian qua đã nhận được phản ứng trái chiều của dư luận.

Phần lớn giáo viên không đồng ý với cách xếp Chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng như hiện nay, bởi nó có nhiều bất cập trong thực tế, thực tiễn.

Mới đây, trong dự thảo, Bộ giáo dục lại phân loại giáo viên theo hạng, khi xếp vị trí chức danh nghề nghiệp, trong khi đó, Nghị định 115/2020/NĐ-CP không còn phân loại viên chức theo hạng, đã làm không ít thầy cô giáo buồn lòng.

Người viết muốn bạn đọc hiểu phân loại viên chứcxếp loại chức danh nghề nghiệp trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP khác nhau.

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Bộ Giáo dục xếp Chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng, đâu có sai

Khoản 2 Điều 28 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có ghi: Chức danh nghề nghiệp viên chức

2. Căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp, các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp hạng từ cao xuống thấp như sau: Chức danh nghề nghiệp hạng I; hạng II; hạng III; hạng IV; hạng V.

Như vậy, Bộ Giáo dục xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng là hoàn toàn đúng pháp luật.

Có nên thực hiện xếp Chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng?

Việc có nên thực hiện xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng lại là một chuyện khác. Căn cứ để thực hiện xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng lại dựa vào Khoản 1 Điều 28 Nghị định 115/2020/NĐ-CP:

1. Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức bao gồm các nội dung sau:

a) Tên của chức danh nghề nghiệp;

b) Nhiệm vụ bao gồm những công việc cụ thể phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp;

c) Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp;

d) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng;

đ) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong thực tế, mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp giáo viên như thế nào, có thể căn cứ vào Điểm (b,c,d,đ) Khoản 1 Điều 28 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, để xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng hay không?

Nhiệm vụ của giáo viên, giống như nhau, đó là dạy học, tất cả giáo viên cùng bậc học đều có định mức công việc như nhau.

Chỉ một một số ít giáo viên được bổ nhiệm làm thêm nhiệm vụ: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó…

Trong đó, chỉ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, có nhiệm kì 05 năm, còn các nhiệm vụ tổ trưởng, tổ phó… chỉ mang tính "thời vụ”, nhiệm kì 01 năm.

Nhiệm vụ, tổ trưởng, tổ phó… năm nay còn, năm sau có thể không, nhưng xếp Chức danh nghề nghiệp giáo viên không thay đổi theo năm, tức là đã lên là không … xuống.

Các nhiệm vụ giáo viên được phân công kiêm nhiệm, đã được bớt tiết tiêu chuẩn, có phụ cấp chức vụ, tức được nhà nước trả “công” rồi, nếu được xếp hạng cao hơn, lương sẽ cao hơn, chẳng khác gì nhà nước trả công hai lần cho một công việc.

Vì thế, xếp Chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng dựa trên nhiệm vụ, hoàn toàn không phù hợp.

Đạo đức nghề nghiệp giáo viên có chuẩn chung, quy định trong Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT. Đến hôm nay, chưa có bất kì văn bản nào hủy hay thay thế Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT.

Không thể có chuyện mỗi hạng giáo viên có một tiêu chuẩn đạo đức riêng, giáo viên hạng cao đạo đức tốt hơn hạng thấp.

Những cán bộ giáo dục vướng vòng lao lý, đều xếp hạng cao, là minh chứng cho quy định bất hợp lý xếp đạo đức giáo viên theo hạng.

Xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng, dựa theo Đạo đức nghề nghiệp, không phù hợp.

Trình độ đào tạo, bồi dưỡng, theo Điều 72 Luật Giáo dục 2019, có chuẩn chung về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học là Cử nhân.

Chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào hay nghiên cứu nào chứng minh giáo viên có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, dạy tốt hơn giáo viên có bằng Cử nhân, cao đẳng ở giáo dục phổ thông.

Xếp Chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng, dựa trên trình độ đào tạo, bồi dưỡng, không phù hợp, nó chỉ làm “bệnh sính bằng cấp, "mua bán" bằng cấp thêm trầm trọng hơn.

Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, dựa vào đâu để đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên? Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên có như nhau không? Thực tế, câu trả lời là không như nhau.

Có thể dựa vào dựa vào nhiệm vụ để đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên không? Không, đó là thực tế.

Không phải cứ có “hồ sơ đẹp” là năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt và ngược lại. Thực tế, có người có bằng Thạc sĩ, nhưng thua xa người chỉ có bằng Cử nhân. Người có bằng Cử nhân nhưng chuyên môn nghiệp vụ chẳng bằng người có bằng Cao đẳng...

Xếp Chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng dựa trên năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, là phù hợp, nhưng cần tiêu chí đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, đảm bảo khoa học, thực tiễn.

Trong 4 tiêu chuẩn để xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng, chỉ có 1 tiêu chí phù hợp, nhưng không xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng thì xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hình thức nào?

Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên không theo hạng, dù “hạng” đang tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm của thầy cô.

Chúng ta đã từng đi đến tận Colombia để “học” mô hình “trường học mới VNEN”, tại sao chúng ta không tham khảo cách thức xếp loại giáo viên ở các nền giáo dục tiên tiến?

Nên chăng, Bộ Giáo dục cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, tham mưu cho Chính phủ, phương thức đánh giá, xếp loại giáo viên cho nhân văn, khoa học, phù hợp thực tế, thực tiễn, có tác dụng tích cực đến giáo viên nói riêng và giáo dục nói chung.

Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đã lắng nghe, chia sẻ, gỡ khó, gỡ khổ cho giáo viên nói riêng, viên chức nói chung, khi hủy bỏ các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp.

Với ngành giáo dục, có đặc thù riêng, việc xếp chức danh nghề nghiệp theo hạng là không phù hợp, giáo viên chúng tôi rất mong muốn Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục đồng hành với ngành giáo dục, có phương thức xếp loại chức danh nghề nghiệp giáo viên mang tính giáo dục.

Trong thời gian chờ đợi Bộ Giáo dục có "sáng kiến" xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên không theo hạng, giáo viên hãy cứ tin tưởng vào Bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Giáo viên vì học sinh thân yêu, có thể không được thăng hạng trên bảng lương, nhưng sẽ được thăng hạng trong trái tim học trò, đó là thứ hạng cao quý nhất của mỗi nhà giáo.

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Luật Giáo dục 2019, Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường