Việc phân hạng giáo viên đã có từ Thông tư 20,21,22,23/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.
Phân hạng giáo viên từ đó đã nhận được sự không hài lòng của giáo viên, chứ không phải chờ đến loạt thông tư mới 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT ra đời, có hiệu lực từ 20/3/2021.
Với mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục nước ta đều có một định mức lao động riêng cho giáo viên. Thế nhưng có một điều giống nhau là trong mỗi bậc học, định mức của giáo viên là như nhau.
Lấy ví dụ với bậc Trung học cơ sở;
- Định mức giáo viên dạy: 19 tiết/tuần
- Giáo viên trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật: 17 tiết/tuần.
- Giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội:
Trường hạng I: 2 tiết/tuần;
Trường hạng II: 1/3 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm;
Trường hạng III: 1/2 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm.
- Hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.
- Phó hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.
Làm cùng một định mức công việc, sao lại phân hạng giáo viên để trả lương? (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN) |
Làm cùng một định mức công việc, sao lại phân hạng giáo viên để trả lương?
Như vậy, giáo viên hạng nào cũng phải làm khối lượng công việc như nhau, không có chuyện giáo viên hạng III làm ít công việc hơn giáo viên hạng II, hạng I.
Thực tế, với người cùng thời gian công tác, cùng đạt chuẩn đào tạo, lương (thu nhập) của người giáo viên hạng cao hơn sẽ lớn hơn lương (thu nhập) của giáo viên hạng thấp hơn.
Hay nói cách khác, lương (thu nhập) tỷ lệ thuận với hạng giáo viên dù cùng làm một khối lượng công việc như nhau, cùng thời gian vào nghề như nhau, điều này quả thật vô lý.
Việc trả lương theo hạng, theo bậc lương hiện nay rõ ràng không công bằng (riêng thâm niên là công bằng, vì ai rồi cũng già, cũng được hưởng thâm niên).
Có phải giáo viên hạng cao hơn có chất lượng công việc tốt hơn giáo viên hạng thấp?
Nghề thợ xây có thể thấy rõ người này xây nhiều hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn người khác; với nghề giáo, việc đánh giá chất lượng giảng dạy khó có thể nhìn thấy ngay như thế.
Để xây nhanh hơn, chính xác hơn, người thợ xây phải trải qua quá trình làm việc, chuẩn hóa tay nghề cho chính mình mình, được bạn nghề cùng giám sát, đánh giá.
Vì thế, khi trả công cho mỗi người, thầu xây dựng đều công khai, ai cũng biết, nhưng chấp nhận vì làm tốt hơn, lương cao hơn là điều tất yếu.
Để lên hạng cao hơn, giáo viên có thể chỉ cần học đại học từ xa, đại học tại chức, học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; tất cả các loại bằng cấp, chứng chỉ đó đều “chạy” được, mua được, bằng thật học giả; đã hình thành nên “chợ” bằng cấp, chứng chỉ.
Vì vậy, hạng giáo viên không phân loại rõ chất lượng lao động, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Thực tế mà người viết trải qua gần 40 năm trong nghề, không thể nói giáo viên hạng cao hơn dạy chất lượng hơn giáo viên hạng thấp hơn.
Vì vậy, làm cùng một định mức công việc, phân hạng giáo viên để trả lương là không công bằng với giáo viên.
Trả lương theo vị trí việc làm, mong rằng sẽ đảm bảo công bằng?
Với trường học, viên chức có ba vị trí việc làm là nhân viên, giáo viên và lãnh đạo. Như vậy sẽ có ba bảng lương trong trường học.
Vậy có phải giáo viên nào cũng có lương như nhau, không phân biệt trẻ hay già, hạng cao hay thấp, thâm niên nhiều hay ít? Nếu thế, giáo viên không nên vội vàng “đầu tư lên hạng” vào giai đoạn này.
Trong cơ cấu tiền lương của viên chức, có 10% tiền thưởng. Mong rằng 10% tiền thưởng sẽ là động lực để giáo viên cống hiến vì công việc.
Vấn đề đặt ra, việc xét thưởng như thế nào, đánh giá ra sao để cho chính xác, nếu không những con số báo cáo đẹp lại đưa bệnh thành tích giáo dục càng thêm trầm trọng hơn.
Vì thế, cần có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy thật tỉ mỉ, chính xác, khách quan, công bằng để việc xét thưởng chính xác, tránh lợi ích nhóm, phe phái trong trường học.
Để tận dụng được kinh nghiệm của giáo viên, thiết nghĩ cần duy trì chế độ thâm niên cho nhà giáo, đây có thể coi như tiền “trung thành” với nghề nghiệp của người thầy, cũng đảm bảo công bằng cho mọi người, vì ai rồi cũng có thâm niên.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.