Kiến nghị có luật riêng về hoạt động tự chủ đại học để tránh mò mẫm, thí điểm

20/12/2021 06:45
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần xây dựng một đạo luật riêng biệt để đề nghị Quốc hội thông qua về hoạt động tự chủ đại học.

Theo dự kiến, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo sơ kết thực hiện tự chủ đại học.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang - Phó giám đốc Công ty cổ phần giáo dục và tư vấn LV&F, nguyên Phó trưởng phòng Phòng tổ chức-hành chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng về ý kiến xung quanh việc tự chủ đại học .

Phóng viên: Nhìn từ thực tiễn trường đại học ông đã công tác, theo ông, đâu là thuận lợi, đâu là hạn chế của hoạt động thí điểm tự chủ đại học thời gian qua?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang: Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng phát biểu và nhiều người trong chúng ta đều biết, tự chủ đại học không phải là việc đại học tự bảo đảm về tài chính cho hoạt động của mình, mà cần phải hiểu tự chủ đại học là bản chất của hoạt động đại học với nội hàm đúng nghĩa là trường đại học được quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm về tất cả các lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhân sự, chuyên môn, tài chính, và quan hệ quốc tế...

Từ thực tiễn công tác, cũng như được chứng kiến, làm việc và trao đổi với nhiều trường đại học trong nước và thế giới, tôi đã nhận thấy được tính tất yếu, tính bản chất, sự ưu việt của hoạt động tự chủ đại học. Tại trường đại học mà tôi đã công tác trước đây, chính hoạt động tự chủ đã đem lại những thành quả, thành công nổi bật cho trường này. Trường Đại học Tôn Đức Thắng - nơi tôi đã từng làm việc 15 năm, từ chỗ là một đại học không ai biết đến thì nay đã lọt vào TOP 500 thế giới, được nhiều học giả thừa nhận sau khi đã tận mắt tham quan và hiểu về thành tựu của Nhà trường.

Có Giáo sư từ Đại học Quốc gia Hà Nội- người đã từng học tập và công tác nhiều năm ở đại học nước ngoài đã phát biểu là thực sự ngạc nhiên khi tận mắt thấy ở Việt Nam có một đại học như thế vào năm 2019.

Mặc dù hoạt động của trường cũ mà tôi công tác cũng chưa đúng hoàn toàn là tự chủ, bởi nhiều nội hàm vẫn phải thông qua cơ quan quản lý có thẩm quyền; nhưng việc thí điểm tự chủ đã mang lại, đó là:

Phát huy được tính năng động, sáng tạo, và năng lực đột phá của tập thể lãnh đạo nhà trường.

Trường đã tự hoạch định, xác định đúng sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và từng năm một cách khoa học, hợp lý .

Chủ động xây dựng, phát triển được đội ngũ nhân lực bảo đảm về lượng và mạnh về chất.

Chủ động trong hợp tác phát triển, nghiên cứu khoa học, phù hợp cách làm thế giới.

Chủ động trong việc tự cân đối tài chính để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị giáo dục và nghiên cứu; bảo đảm chất lượng giáo dục, khoa học-công nghệ và quốc tế hóa mỗi ngày mỗi tăng. Trong 10 năm liên tục, năm nào cũng có công trình mới, nhà mới, phòng thí nghiệm mới và mọi trang bị đều được khai thác tối đa công suất; trong khi vẫn liên tục tăng thu nhập cho người lao động mỗi năm bình quân cao hơn năm trước 15%.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Tuy nhiên vì hoạt động tự chủ đang được mò mẫm, thí điểm nên có khá nhiều hạn chế như:

Vẫn tồn tại tình trạng “xin – cho” từ mở ngành đến hợp tác đào tạo với nước ngoài. Có thể nói là hoạt động chuyên môn vẫn còn nhiều rào cản và chưa thực sự hoàn toàn tự chủ.

Sự chi phối của nhiều văn bản pháp luật hiện hành vốn không phù hợp với nội hàm cơ chế thí điểm tự chủ. Việc hiểu nội dung thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các trường đại học công lập Việt Nam trong giới quản lý còn nhiều điều bất cập.

Một số người khi phân tích nội dung cơ chế tự chủ toàn diện (được cho thí điểm) vẫn cho rằng phải tuân theo mọi qui định pháp luật hiện hành. Nhưng Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải chỉnh sửa các qui định pháp luật cũ cho đúng với tinh thần đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.

Mặc dù vậy đến nay trong giáo dục đại học chỉ mới có Luật Giáo dục đại học, Luật viên chức, Luật quản lý và sử dụng tài sản công là sửa kịp theo chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 6. Còn nhiều luật và văn bản dưới luật khác vẫn chưa sửa kịp. Nếu áp dụng theo các văn bản pháp luật cũ, chưa được sửa của các bộ, ngành tức là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6”.

Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 77 và 117 để từ đó, 23 trường đại học công lập được phê duyệt từng Đề án thí điểm tự chủ bởi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì phải xem Nghị quyết và các quyết định này như một đạo luật dành riêng cho từng cơ sở giáo dục đại học được phê duyệt. Những “đạo luật” này cho phép các trường đại học thí điểm tự chủ trong một số công việc được làm khác với luật hoặc những gì mà các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa qui định để có đột phá, mang lại hiệu quả xã hội thiết thực như tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Chính vì nếu áp dụng đúng theo luật hiện hành, các trường không thể phát triển, không thể có đột phá, nên mới cần Nghị quyết thí điểm cho các trường làm thử.

Sự can thiệp từ cơ quan quản lý trực tiếp hay cơ quan quản lý có thẩm quyền vào một số hoạt động của trường, dẫn đến không thể thực hiện đầy đủ quyền tự chủ đã được cho phép.

Việc tổng kết hoạt động thí điểm bởi cơ quan quản lý nhà nước cao nhất triển khai chậm, đã dẫn đến việc ban hành các văn bản pháp lý gần đây đã không được căn cứ trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ hoạt động thí điểm để có cứ liệu thuyết phục. Điều này đã làm cho hoạt động thí điểm trở nên khó khăn.

Theo ông, với hành lang pháp lý hiện hành tính từ Nghị quyết 77/NQ-CP đến nay, lãnh đạo các trường công lập đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm tự chủ và những trường công thuộc diện có thể tự chủ liệu có đủ niềm tin và sự vững tâm để đột phá, dám suy nghĩ táo bạo, ngoài tiền lệ để tạo hiệu quả xã hội cho đơn vị mình hay chưa?. Nếu chưa, xin ông cho biết lý do vì sao và giải pháp cần như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 77, đã có 23 trường đại học được cho thí điểm tự chủ theo từng Đề án riêng được Thủ tướng phê duyệt. Các trường này ban đầu về cơ bản hoạt động theo đề án đã được phê duyệt, trong khi các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa được sửa đổi kịp, điều này đã chưa tạo một hành lang pháp lý đủ mạnh để các trường yên tâm hoạt động.

Đến khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 thì đã có một số văn bản luật liên quan đến hoạt động tự chủ đại học được chỉnh sửa phù hợp với chủ trương của Đảng (như: Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Luật Viên chức, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công,.. và Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị định để hướng dẫn thi hành luật). Từ đó, đã tạo một hành lang pháp lý mạnh hơn để các trường tiếp tục thực hiện hoạt động tự chủ của mình.

Tuy nhiên, bản thân các văn bản pháp luật được ban hành sau Nghị quyết 19 cũng chưa thực sự đầy đủ, bao quát hết các vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ; đặc biệt là cũng chưa thực sự giúp hoạt động tự chủ đúng với bản chất để có thể hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, việc còn nhiều văn bản luật điều tiết những nội dung liên quan trong hoạt động tự chủ của trường đại học chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với các văn bản luật đã sửa; dẫn đến tiếp tục tồn tại nhiều điều bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản luật. Điều này đã và đang gây khó khăn cho các trường khi thực hiện tự chủ theo tinh thần của Nghị quyết 19.

Ngoài ra, từ những điều trên, các trường và đặc biệt là người đứng đầu điều hành các trường rất dễ bị kết luận sai phạm bởi các cơ quan quản lý nhà nước khi thanh-kiểm tra.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Điều dễ thấy là đơn vị kiểm tra, thanh tra có thể có 1 trong 2 thái độ:

Thứ nhất, đánh giá tốt kết quả tự hoạt động thí điểm tự chủ; coi trọng sự đột phá tạo hiệu quả thực tiễn, sẽ căn cứ quyền hạn được cho bởi quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm để xem xét các vấn đề của Nhà trường. Lúc đó, các trường nào làm đúng đề án thí điểm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được khen ngợi, biểu dương và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hành lang pháp lý để đảm bảo sự thành công trong tự chủ là bền vững.

Thứ hai, đem hệ thống luật hiện hành ra để buộc tội, không căn cứ vào Đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không quan tâm đến nội hàm tự chủ được cho thí điểm, không quan tâm đến kết quả thực tế. Khi đó, trường nào cũng sẽ bị qui tội. Do đó khả năng rủi ro của trường sẽ là vô cùng lớn.

Đó là nguyên nhân chính khiến lãnh đạo các trường công lập đã có quyết định phê duyệt đề án thí điểm tự chủ và những trường công thuộc diện có thể làm tự chủ chưa có đủ niềm tin và sự vững tâm. Hệ quả là đến nay cả 23 trường đều hoạt động một cách dè chừng, nhìn trước nhìn sau, chưa thể đột phá, dám suy nghĩ táo bạo, ngoài tiền lệ để tạo hiệu quả xã hội cho đơn vị mình.

Một nguyên do nữa dẫn đến lãnh đạo các trường này không dám làm mạnh dạn, đó là cơ chế chủ quản vẫn còn tồn tại (mặc dù từ lâu đã có nhiều Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đề cập đến việc bỏ cơ chế bộ chủ quản nhưng đến nay mới chỉ được thí điểm ở ba trường).

Một số cơ quan chủ quản không muốn buông, vẫn còn muốn chỉ đạo, ôm đồm như từ trước đến nay; tìm mọi cách dùng quyền lực của mình để can thiệp trực tiếp lên công việc của trường. Điều này đã triệt tiêu tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo các trường.

Vì vậy, rất cần sự đồng nhất về hành lang pháp lý, cách hiểu và vận dụng; cần mạnh dạn thực hiện bỏ cơ chế chủ quản (đối với các trường đã thực hiện tự chủ có kết quả thành công thực tế; bảo đảm được trách nhiệm giải trình) thì mới giúp trường phát triển mạnh hoạt động tự chủ .

Ông có thể cho biết việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện tự chủ đại học có thực sự kịp thời không?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang: Như tôi đã nói ở trên, việc sơ kết, tổng kết hoạt động thí điểm tự chủ đại học cần triển khai rất thường xuyên và việc đến nay mới tiến hành thì đã là chậm. Nhưng theo tôi dù có chậm còn hơn là không làm, quan trọng nhất là đã làm thì phải rất nghiêm túc.

Việc triển khai chậm hoạt động này đã ảnh hưởng rất lớn đến Trường đại học Tôn Đức Thắng chúng tôi. Trong suốt 1 năm qua cơ quan kiểm tra hoạt động của nhà trường rồi kết luận Trường quản lý đầu tư và quản lý dự án vi phạm các luật hiện hành trong khi Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thì cho phép Trường được hoạt động như một trường ngoài công lập, được kế thừa và phát triển cơ chế hoạt động từ lúc thành lập trường tới nay. Việc dùng luật hiện hành để đánh giá nhà trường mà không quan tâm đến Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 29/1/2015 cho phép được thí điểm, được cho làm thử; đã khiến Thường vụ Đảng ủy và những người đứng đầu nhà trường bị kỷ luật. Đấy là cái giá quá đắt mà trường chúng tôi đã phải trả!

Trong suốt 1 năm trời nói trên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã nhiều lần kiến nghị tới các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho tổ chức sơ kết thí điểm để giúp trường có cái nhìn khách quan về mình. Thì đến nay điều mong đợi của chúng tôi rốt cuộc cũng đã tới.

Để hội nghị sơ kết thực hiện tự chủ đại học thực sự có chất lượng và đóng góp hữu ích cho tiến trình tự chủ đại học sắp đến theo đúng chủ trương của Đảng và nhà nước, theo ông, nội dung hội nghị cần đặt ra những vấn đề gì để rút kinh nghiệm nhằm giúp các trường yên tâm thực hiện thí điểm?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang: Theo tôi, để hội nghị đạt mục tiêu mong muốn thì trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực sự lắng nghe, thấu hiểu và là cầu nối đúng nghĩa (ghi nhận các vấn đề tồn tại, vướng mắc và mạnh dạn đề xuất, kiến nghị…) giữa các trường với Trung ương Đảng và Chính phủ. Đặc biệt, Bộ phải nghe từ những con người, nhà quản lý giáo dục đại học đã và đang làm thực tiễn về tự chủ thành công để có được sự đánh giá chính xác, khách quan nhất.

Nếu sơ kết hoạt động thí điểm tự chủ của các trường đại học công lập mà không nghe được kinh nghiệm và con đường thực tế đã qua chủ yếu từ những trường và những con người trực tiếp làm tự chủ thành công thì thật đáng trách.

Mặt khác, vấn đề quan trọng nhất cần bàn thảo ở hội nghị đó là làm sao để xây dựng hành lang pháp lý có sự thống nhất; hoặc mạnh dạn hơn, phải đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành một đạo luật riêng về tự chủ đại học nhằm giúp các trường đang và sẽ hoạt động tự chủ có điều kiện và nhất là dám tiếp tục tự chủ; trong đó, nhất là những qui định cụ thể để bảo vệ người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như lời Tổng Bí thư đã chỉ đạo.

Trong quan điểm cá nhân ông, từ những vấn đề thách thức mà trường hợp Trường đại học Tôn Đức Thắng đặt ra, để tự chủ đại học thực sự trở thành xu thế không thể đảo ngược, triển khai vào thực tiễn hiệu quả, giải phóng hết các nguồn năng lượng, thúc đẩy giáo dục đại học phát triển, ông có kiến nghị gì với Đảng và Nhà nước?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang: Theo tôi, Đảng đã có những chủ trương rất đúng đắn, rất tốt từ việc quyết liệt thực hiện tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học; và mới đây là quyết định của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không tư lợi. Về phần chỉ đạo như thế là quá tuyệt vời rồi.

Phần quan trọng tiếp theo là công tác triển khai và việc này đang còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện để những chỉ đạo này phải được thực thi nghiêm túc từ trên xuống dưới, cùng một cách hiểu.

Tiếp đó, Chính phủ cần đốc thúc các bộ ngành liên quan nhanh chóng sửa đổi, bổ sung; mà tốt nhất là xây dựng một đạo luật riêng biệt để đề nghị Quốc hội thông qua về hoạt động tự chủ đại học. Chỉ có một luật riêng như thế thì mới có sự thống nhất, minh định về nội dung; tránh tình trạng luật này đánh xuôi, luật kia thổi ngược và ai muốn diễn dịch sao cũng được.

Đồng thời, Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể để phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng sao cho thực sự hòa nhập với xu hướng quốc tế; tránh tình trạng duy trì những mô hình đại học, cách quản trị lạc hậu nhân danh “đặc thù”, khiến nguồn nhân lực của chúng ta khi được đào tạo từ những môi trường như vậy khó hội nhập với thị trường lao động thế giới, và đại học chúng ta khó mà liên thông, tuyển sinh được người học từ khắp nơi trên thế giới để thực sự là một phần của nền giáo dục toàn cầu.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh