6 bất cập lớn và điều cần tháo gỡ ngay cho các trường đại học tự chủ

29/12/2021 14:41
PGS. Phạm Thanh Phong và Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hướng tốt nhất là xây dựng một đạo luật riêng biệt để đề nghị Quốc hội thông qua về hoạt động tự chủ đại học.

Để đẩy mạnh hoạt động tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học, Đảng và Nhà nước đã có một loạt chủ trương nhất quán. Từ Nghị quyết 14 của Chính phủ năm 2004, tiếp theo là các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, …; cho đến Luật Giáo dục đại học 2012 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018.

Các nghị quyết, nghị định của Chính phủ như Nghị quyết số 77/NQ-CP, Nghị quyết số 117/NQ-CP... là những chính sách táo bạo, cho phép các trường được làm những việc Luật chưa qui định để từ đó có thực tiễn mà sửa luật. Khi luật đã được sửa, chúng ta có các nghị định hướng dẫn thi hành như Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, Nghị định số 120/2021/NĐ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Về thí điểm tự chủ để có thực tiễn sửa luật, đến nay có 23 trường đại học được cho hoạt động thí điểm theo từng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án riêng cho mỗi trường. Cả 23 trường đại học đều có những thành quả và sự tiến bộ nhất định, điều này cho thấy được sự ưu việt của cơ chế tự chủ. Nhất là cơ chế thí điểm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực tiễn thí điểm cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ một cách triệt để thì mục tiêu đẩy mạnh hoạt động tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước mới tiếp tục tiến lên một cách thành công.

6 BẤT CẬP

Thứ nhất, cơ chế thí điểm tự chủ đã tạo ra những thuận lợi trong hoạt động, đem lại thành quả bước đầu cho giáo dục đại học Việt Nam. Đặc điểm rõ ràng nhất, ai cũng có thể nhìn thấy là hoạt động thí điểm tự chủ đã mang đến sinh khí mới cho cả hệ thống giáo dục đại học, nhất là các trường đại học công lập. Một số trường đã thay da đổi thịt, vươn mình sánh vai với các đại học ở các nước cường quốc trên thế giới, điển hình như Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Nhưng cơ sở pháp lý cho hoạt động thí điểm còn nhiều vấn đề cần bàn, rất cần được hoàn chỉnh tiếp tục và nhanh chóng thì hoạt động tự chủ mới tiếp tục tiến lên.

23 trường đại học được cho thí điểm tự chủ theo từng Đề án riêng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở Nghị quyết 77 của Chính phủ ban đầu hoạt động theo đề án được phê duyệt, trong khi các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa được sửa đổi. Điều này tất nhiên tạo thành hiện trạng là đa số các trường thí điểm tự chủ đều có những hoạt động khác với luật lệ hiện hành.

Ảnh minh họa: TDTU

Ảnh minh họa: TDTU

Không thể phủ định được rằng chính những hoạt động “làm thử” khác với luật lệ hiện hành đã đem đến cho các trường này sự thành công. Trường thì vào TOP 500 đại học xuất sắc nhất thế giới; những trường khác thì thay da, đổi thịt; viên chức, giảng viên có đời sống tốt hơn, môi trường làm việc và hiệu quả hoạt động được cải thiện. Cả 23 trường không ít thì nhiều đều cải thiện chất lượng dạy học, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Nhưng bài học Trường đại học Tôn Đức Thắng lại cho thấy nội hàm của các Quyết định phê duyệt đề án thí điểm vẫn chưa đầy đủ; dẫn đến khi các đại học làm khác luật trong hoạt động thì không có nội dung nào của Quyết định phê duyệt đề án thí điểm khẳng định các trường được quyền làm như thế, và cơ quan kiểm tra, thanh tra không thể dựa vào luật để bắt chẹt họ. Từ đó mới có chuyện lãnh đạo trường đại học thực hiện đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mang lại kết quả đột phá, đem lại hiệu quả xã hội thực tế, nhưng lại bị kỷ luật.

Thứ hai, khi Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 thì đã có một số văn bản luật liên quan đến hoạt động tự chủ được chỉnh sửa theo chủ trương mới này, như: Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Luật Viên chức, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công,.. và Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị định để hướng dẫn thi hành luật. Mọi người cho rằng đã bắt đầu có một hành lang pháp lý mạnh hơn để các trường tiếp tục thực hiện hoạt động tự chủ.

Tuy nhiên, bản thân các văn bản pháp luật được ban hành sau Nghị quyết 19 cũng chưa thực sự đầy đủ, bao quát hết các vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ. Đặc biệt là cũng chưa thực sự giúp hoạt động tự chủ đi đúng với bản chất để có thể hội nhập quốc tế.

Bên cạnh điều này, việc còn nhiều văn bản luật điều tiết những nội dung liên quan hoạt động tự chủ của trường đại học chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với các văn bản luật đã sửa dẫn đến tiếp tục tồn tại nhiều nội dung không đồng bộ, dẫm chân giữa các văn bản luật. Điều này đã và đang gây khó khăn cho các trường khi thực hiện tự chủ theo tinh thần của Nghị quyết 19.

Hơn nữa, bản thân các nghị định hướng dẫn và luật mới tuy được triển khai để thi hành Nghị quyết 19, trong thực tế, có nhiều nội dung của Nghị quyết 19 đã không được đưa vào. Thí dụ: việc bỏ cơ chế bộ chủ quản để hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của cơ sở giáo dục đại học công lập; việc thí điểm thuê giám đốc điều hành/hiệu trưởng; việc chuyển viên chức sang hợp đồng ngắn hạn....

Chính vì triển khai Nghị quyết 19 không đầy đủ, nên dư luận của đa số các trường đại học đã được thí điểm tự chủ cho rằng luật và các nghị định mới trói các trường lại hơn so với đề án thí điểm tự chủ đã được phê duyệt.

Những nghị quyết và đề án thí điểm đã được thực tế chứng minh là đúng đắn, giúp các đại học thí điểm phát triển và có trường đột phá rất rõ ràng nhưng vì có độ chênh giữa thực tế và những đạo luật hiện hành nên khi đánh giá mức độ thành công của tự chủ, các cơ quan liên quan chưa có quan điểm thống nhất. Điều đáng nói hơn là cho đến nay chưa có tổng kết nào cho thấy là hoạt động thí điểm có bất cập và cần phải siết lại.

Thứ ba, điểm chung là 23 trường đại học đang thí điểm tự chủ đều xây dựng Đề án căn cứ trên Nghị quyết 77 của Chính phủ. Do đó, về cơ bản Quyết định phê duyệt đề án tự chủ của các trường có nội dung gần tương tự nhau, chỉ có một số khác biệt về mục tiêu, quyền hạn tùy theo đặc thù của mỗi trường. Các nội dung được thí điểm tự chủ gồm:

Tự chủ (tự quyết định) trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu: quyết định mở ngành; xác định chỉ tiêu tuyển sinh; chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra, đánh giá người học; giáo trình, học liệu; in, cấp phát văn bằng; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục; liên kết đào tạo và nghiên cứu; quyết định về hoạt động nghiên cứu khoa học;…

Tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự.

Tự chủ về tài chính: thu học phí, thu sự nghiệp, tiền lương và thu nhập, sử dụng nguồn thu. Chính sách về học bổng, học phí.

Tự chủ trong đầu tư, mua sắm: trong đó điều cơ bản nhất là “Trường chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn hợp pháp khác để đầu tư phát triển tổng thể cơ sở vật chất của Trường theo mô hình trường đại học hiện đại trên thế giới và theo kế hoạch phát triển Trường”.

Ngoài ra, Trường thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP và các văn bản khác có liên quan nếu trong Quyết định phê duyệt đề án không nêu. Nghĩa là ưu tiên áp dụng các nội dung của đề án trước. Nội dung nào không có trong đề án mới áp dụng theo các qui định của pháp luật liên quan khác.

Một số trường được cho thí điểm giai đoạn 2014-2017 theo Nghị quyết 77, một số được phê duyệt sau thì không ghi giai đoạn trong quyết định. Khi Nghị quyết 77 chuẩn bị hết hiệu lực, Chính phủ đã có Nghị quyết 117 kéo dài hoạt động thí điểm đối với các trường được giao thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 cho đến khi có Nghị định về tự chủ.

Khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018) ban hành và có hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành Luật 34 thì vẫn có điều khoản chuyển tiếp cho các trường hoạt động thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77; trong đó quy định “Các cơ sở giáo dục đại học công lập đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ được thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính và tài sản theo các quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định này. Đề án tự chủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được thực hiện cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Chính phủ sau đó đã ban hành Nghị định 120/2020/NĐ-CP và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP với những quy định mới liên quan đến hoạt động tự chủ về tổ chức, nhân sự và tài chính, tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trong đó áp dụng luôn đối với các trường đại học công lập tự chủ, ngoài các nội dung mà các trường được áp dụng theo Luật 34 và Nghị định 99.

Như vậy, ngoài các nội dung được tự chủ theo Luật 34, Nghị định 99, Nghị định 120, Nghị định 60 thì các nội dung khác các trường thí điểm có còn thực hiện theo Nghị quyết 77 và các Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng Chính phủ? Hay theo tinh thần Nghị định 99, thì các trường đại học được thí điểm tự chủ theo đề án đã được phê duyệt không còn thực hiện theo đề án nữa kể từ khi có 2 nghị định này không thì cho đến nay chưa có một hướng dẫn nào khẳng định rõ ràng.

Thứ tư, tinh thần của thí điểm đổi mới hiệu quả và cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập (trước các nghị định nói trên) là cho phép “làm thử, làm khác luật” để từ thực tiễn, xem xét tính hiệu quả và đóng góp xã hội của việc làm thử. Nếu có hiệu quả xã hội thực tế, thì tiến hành rút kinh nghiệm và chỉnh sửa luật cho phù hợp với thực tiễn thành công. Do đó, nếu đòi những trường được thí điểm mà phải làm đúng “theo qui định pháp luật hiện hành" thì chẳng còn gì là thí điểm.

Trong Nghị quyết 77 và trong từng Quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng Chính phủ; nội dung cơ bản là:

1) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết này trên tinh thần tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường;

2) Các Bộ, ngành, địa phương có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP và các quy định pháp luật có liên quan khác thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và hỗ trợ Trường trong quá trình triển khai thí điểm tự chủ.

3) Các cơ quan nhà nước có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ Trường trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Trường.

Tuy nhiên, về công tác thanh, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 77 thì chúng tôi được biết đa số các trường thí điểm tự chủ đều chưa được thanh, kiểm tra. Chỉ có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và đoàn ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thực hiện khảo sát tình hình thực hiện thí điểm tự chủ trước khi thực hiện sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Ngoài ra, Bộ cũng đã yêu cầu các trường báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 77 nhằm sơ kết nhưng sau đó vẫn chưa thấy hướng dẫn nào để hỗ trợ các trường giải quyết các vướng mắc trong báo cáo đã nêu, cũng như hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư,…. Như vậy, thực chất là việc thực hiệnkiểm tra, thanh tra và hỗ trợ trường trong quá trình triển khai thí điểm tự chủ. Các cơ quan nhà nước có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ Trường trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường” của các cấp chức năng có liên quan theo chỉ đạo của Nghị quyết 77 đã không được thực hiện.

Đó là bất cập rất lớn trong quá trình thi hành Nghị quyết 77 và 117.

Từ sự bất cập này, mới có chuyện một đại học thí điểm tự chủ khá thành công, bị cơ quan kiểm tra Đảng địa phương kiểm tra và kết luận có nhiều sai phạm trong việc quản lý và thực hiện dự án đầu tư, dẫn đến Đảng ủy và Hiệu trưởng đã bị kỷ luật. Cơ quan chức năng đã không kiểm tra, thanh tra để hỗ trợ trường trong quá trình triển khai thí điểm tự chủ/hay hướng dẫn, hỗ trợ trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo nhiệm vụ mà Nghị quyết thí điểm qui định mà lại vào kiểm tra để kỷ luật trường vì làm khác luật trong thời gian thí điểm; thì chủ thể nào làm đúng, chủ thể nào làm sai?.

Việc kiểm tra và xử lý kỷ luật này đã có nhiều thông tin và nhiều quan điểm đánh giá; nhưng theo chúng tôi thì đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hoạt động tự chủ của các trường, mà không khéo có thể phá vỡ định hướng của Đảng và Chính phủ về tự chủ đại học đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng cũng như văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Thứ năm, Quyết định phê duyệt các đề án thí điểm tự chủ của Thủ tướng Chính phủ cho phép các trường vận hành với một số nội dung mà Luật chưa quy định và có thể khác Luật để có sự đột phá.Thực tế 23 trường được cho thí điểm tự chủ đều có nhiều nội dung như vậy. Vậy khi các trường làm theo đề án được phê duyệt bởi Quyết định của Thủ tướng thì có thể nói họ sai hay không?.

Nếu nói là có thể sai, thì cần phải kiểm tra, thanh tra để hỗ trợ trước hết. Sau đó, sơ kết, xem xét lại hết 23 trường thí điểm tự chủ để có cái nhìn chính xác về sai-đúng theo quyết định mà họ được phép làm. Đến nay, hoạt động này đã không được thực hiện.

Thực tế cho thấy cả 23 trường đại học được thí điểm tự chủ đều có những nội dung làm khác với với luật và qui định hiện hành. Chính nhờ điều này, trường đại học nào cũng có bước tiến nhất định. Vậy tại sao việc điều hành hoạt động khác với luật, căn cứ theo qui định thí điểm, để có kết quả thực tiễn cao, có ý nghĩa và đóng góp xã hội của Trường đại học Tôn Đức Thắng lại bị kỷ luật, còn các đại học khác cũng đang thí điểm như thế thì không ai nói gì?.

Thứ sáu, ngay cả khi việc ban hành các Nghị định 60, 120 có nghĩa đương nhiên là chấm dứt hiệu lực các quyết định phê duyệt đề án thí điểm tự chủ, thì cũng cần lưu ý rằng, các trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, được kéo dài bởi Nghị quyết 117 của Chính phủ; nhưng đến năm 2020 Luật 34, Nghị định 99 mới có hiệu lực thi hành, năm 2021 mới có các Nghị định 120, Nghị định 60 mới thay thế các nội dung liên quan hoạt động tự chủ trước đây.

Vì vậy, khi kiểm tra trước thời điểm có các Nghị định mới này cần phải căn cứ, xem xét trên cơ sở hoạt động thí điểm tự chủ được Chính phủ cho phép theo Nghị quyết 77 và 117, Không thể căn cứ trên pháp luật hiện hành để kết luận sai phạm cho các hoạt động được thí điểm trước khi các văn bản pháp luật này ra đời.

NHỮNG ĐIỀU CẦN THÁO GỠ

Về nguyên nhân sâu xa thì theo chúng tôi bắt nguồn từ việc các văn bản pháp lý chưa được hoàn chỉnh, thống nhất theo đúng chủ trương đúng đắn của Đảng. Trước hết là việc ban hành Nghị quyết 77 và 117 dựa trên thẩm quyền của Chính phủ được Hiến pháp cho phép và theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục VIệt Nam. Trong nghị quyết cũng đã yêu cầu đầy đủ các cơ quan chức năng phải hỗ trợ hoạt động tự chủ, phải xem xét, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trên cơ sở nghị quyết thí điểm tự chủ.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh minh họa: T.L)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh minh họa: T.L)

Nhưng cách hiểu về tự chủ đại học của cơ quan chức năng không giống nhau, mà theo ý chí cá nhân dẫn đến việc vận dụng rất khác nhau tùy quan điểm mỗi người. Các trường và đặc biệt là người đứng đầu rất dễ bị kết luận sai phạm bởi các cơ quan quản lý nhà nước khi thanh-kiểm tra; vì đơn vị kiểm tra, thanh tra có thể có 1 trong 2 thái độ:

Thứ nhất, đánh giá tốt kết quả hoạt động thí điểm tự chủ; coi trọng sự đột phá tạo hiệu quả thực tiễn, căn cứ quyền hạn được cho bởi quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm để xem xét các vấn đề của Nhà trường. Lúc đó, các trường nào làm đúng đề án thí điểm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được khen ngợi, biểu dương. Cơ quan kiểm tra sẽ từ những hạn chế nếu có, kiến nghị việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hành lang pháp lý để đảm bảo sự thành công của tự chủ là bền vững.

Thứ hai, đem hệ thống luật hiện hành ra để buộc tội, không căn cứ vào Đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không quan tâm đến nội hàm tự chủ được cho thí điểm, không quan tâm đến kết quả thực tế. Khi đó, trường nào cũng sẽ bị qui tội. Do đó khả năng rủi ro của trường và người đứng đầu sẽ vô cùng lớn.

Như vậy, việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng và Chính phủ về tự chủ đại học đã không lường hết được việc áp dụng cứng nhắc, hay duy ý chí của các cơ quan chức năng cấp dưới dẫn đến khi nội dung nghị quyết mới của Đảng và Chính phủ có sự khác biệt với các nội dung qui định cũ, chưa kịp sửa của Đảng và nhà nước thì cơ quan kiểm tra hoàn toàn có thể cố ý không theo nội dung mới, mà áp dụng nội dung cũ để xử lý cơ sở giáo dục đại học thí điểm nếu muốn.

Giải pháp thứ nhất cho việc này là cần có sự kiểm điểm và xử lý nghiêm việc tùy tiện áp dụng văn bản cũ, không có sự ưu tiên hoặc căn cứ vào các chỉ đạo mới của Đảng và nhà nước.

Phần quan trọng tiếp theo là công tác kiểm tra để bảo đảm các cơ quan chức năng phải triển khai làm đúng và nghiêm túc các chỉ đạo mới như Nghị quyết 19 của Đảng và các nghị quyết của Chính phủ. Việc này đang còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện để những quyết định đổi mới của Đảng và Nhà nước đi được vào thực tế.

Theo chúng tôi, Đảng đã có những chủ trương rất đúng đắn, kịp thời từ việc quyết liệt thực hiện tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học đến quyết định của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực tiễn tự chủ đại học cho thấy rất nhiều trường đã có đột phá, tạo ra hiệu quả xã hội thiết thực và to lớn; rất đúng với mục tiêu mà Kết luận 14 của Bộ Chính trị nhắc đến.

Giải pháp thứ ba là các bộ ngành liên quan cần tiếp tục, nhanh chóng sửa đổi, bổ sung; ban hành các đạo luật để thực hiện những nội dung được Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng chỉ đạo. Hướng tốt nhất là xây dựng một đạo luật riêng biệt để đề nghị Quốc hội thông qua về hoạt động tự chủ đại học. Chỉ có một luật riêng như thế thì mới tạo được sự thống nhất, minh định về nội dung; tránh tình trạng pháp luật này đánh xuôi, pháp luật kia thổi ngược và ai muốn diễn dịch sao cũng được. Vô tình kìm hãm, hạn chế sự nghiệp thí điểm tự chủ đại học đang trên đà thành công.

Cuối cùng, chúng tôi cũng mạnh dạn kiến nghị Trung ương, Chính phủ cần có sự chỉ đạo và đánh giá lại việc kỷ luật các cá nhân, tập thể của Trường đại học Tôn Đức Thắng trên tinh thần tôn trọng quyết định thí điểm tự chủ (lúc đó còn hiệu lực); nhằm có sự khách quan, công bằng và thuyết phục cho cả người trong, ngoài cuộc của sự việc này; giúp hoạt động tự chủ đại học ngày càng phát triển như mong muốn của Đảng và Chính phủ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

PGS. Phạm Thanh Phong và Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang