Sau 9 tháng xa trường do dịch bệnh, học sinh nhiều địa phương chỉ học online. Công bằng nhìn nhận, ngành giáo dục triển khai việc dạy và học online trong thời gian vừa qua là hoàn toàn sáng suốt.
Nhờ được học online, học sinh không bị gián đoạn việc học và nhiều em vẫn nắm chắc kiến thức. Tuy nhiên, vẫn còn không ít em không thể theo kịp chương trình do rất nhiều nguyên nhân mang lại.
Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp hiện nay không hiếm ở các nhà trường (Ảnh minh họa: VTV online) |
Không riêng lớp 1 mà rất nhiều khối lớp, bản thân người viết nhận thấy và thông qua rất nhiều đồng nghiệp của mình biết được, số lượng học sinh chưa đạt yêu cầu phải chiếm đến 1/3 tổng số học sinh của lớp.
Có em học lớp 1 dù đã hết chương trình học kỳ 1 nhưng chưa thuộc bảng chữ cái. Có những học sinh lớp 2 đã quên hết kiến thức từng học ở lớp 1 (giáo viên chúng tôi thường gọi là hiện tượng tái mù). Có những học sinh lớp 3 không còn nhớ cộng trừ có nhớ phải làm thế nào. Có những học sinh lớp 4, lớp 5 đến bảng nhân 2 hoặc 3 cũng đã quên tuốt tuột.
Tương tự, những học sinh lớp 6, lớp 7 thậm chí lớp 8, lớp 9 cũng rơi vào tình huống tương tự, quên hẳn những kiến thức đã học trước đó.
Năm dịch bệnh không nên áp chỉ tiêu
Ngay tại thời điểm này, nếu làm một cuộc khảo sát chất lượng một cách toàn diện và trung thực thì theo những gì người viết quan sát được ở trường mình, địa phương mình mỗi lớp học có ít nhất khoảng 15% (lớp nhiều có thể chiếm 30%) học sinh không có khả năng theo kịp chương trình.
Điều nhiều thầy cô giáo lo lắng nhất hiện nay, chỉ tiêu trường học đưa ra, trường ít 98%, trường nhiều 99% học sinh lên lớp thẳng. Xét vào thực tế, đây là con số chỉ tiêu không tưởng đối với năm dịch bệnh thế này.
Từ trước đến nay, đã là chỉ tiêu thầy cô giáo chỉ còn một cách phải thực hiện bằng mọi giá nếu không muốn “tai bay vạ gió bất ngờ”. Vì lẽ đó, mới sinh ra học sinh ngồi nhầm hết lớp này đến lớp khác.
Nhiều giáo viên lo lắng, đầu năm nhà trường giao chỉ tiêu nhưng dịch bệnh bùng phát đã cướp đi cơ hội học trực tiếp của học sinh, giáo viên làm sao có thể hoàn thành chỉ tiêu như những năm học trước đây được?
Nếu không hạ chỉ tiêu, nhiều thầy cô chỉ còn cách lùa học sinh lên lớp và hậu quả buồn sẽ đến với chính học sinh và gia đình các em.
Con đường học tập của học sinh sẽ ngắn lại khi phải ngồi nhầm lớp
Phải thẳng thắn nói với nhau rằng, học sinh yếu về một số môn như thể dục, hát nhạc, mỹ thuật thậm chí là toán, lý, hóa, khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý… vẫn có thể du di cho lên lớp cũng không ảnh hưởng nhiều đến con đường học vấn của các em.
Tuy nhiên, học sinh lớp 1 mà không biết đọc, biết viết mà buộc phải lên lớp thì giỏi lắm những học sinh ấy chỉ học xong bậc tiểu học cũng buộc phải nghỉ học sớm.
Không biết đọc, biết viết ở lớp 1, có lên lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 vẫn sẽ không biết đọc.
Bởi những lớp học này không có tiết học vần, không có bài dạy phát âm, ghép tiếng mà chỉ đọc trơn. Những học sinh này sẽ đuối dần, đuối dần và tái mù chữ là chuyện bình thường.
Không biết đọc, biết viết sẽ không thể theo học bậc trung học cơ sở và khi này các em đã lớn, sự mặc cảm cao nên cũng sẽ tự ý nghỉ học.
Không ít giáo viên lớp 1 tâm sự với người viết, lớp mình có tới chục em không biết đọc, biết viết.
Lớp ít hơn cũng phải 5 em. Số lượng học sinh như này vượt xa chỉ tiêu cho phép học sinh được lưu ban ở trường (mỗi khối nhiều nhất cũng chỉ được một đến hai em).
Giáo viên đã rất nỗ lực giảng dạy
Để dẫn đến tình trạng trên, lỗi không do giáo viên giảng dạy kém mà do nhiều nguyên nhân như học sinh thiếu thiết bị học tập, đường truyền chậm, gia đình không quan tâm đến chuyện học của con dẫn đến một số em có thái độ học tập chưa đúng mực… nên chất lượng học tập đi xuống trầm trọng.
Vì thế, bồi dưỡng, phụ đạo để lấp lỗ hổng kiến thức cho học sinh là trách nhiệm và lương tâm của mỗi thầy cô.
Trong thực tế, giáo viên đã, đang và sẽ nỗ lực giảng dạy hết mình. Dạy bất chấp thời gian vào các giờ nghỉ, giờ ra chơi, khi trống tiết. Vừa dạy trực tiếp trên trường, vừa dạy phụ đạo online ở nhà cho những em khó khăn trong học tập.
Thế nhưng, không phải học sinh yếu kém nào cũng có thể vực dậy kiến thức trong thời gian ngắn. Sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô cũng chỉ cải thiện được một phần nào, còn cải thiện hoàn toàn là điều không thể.
Đừng đổ lỗi cho thầy cô, cần cảm thông và đồng hành
Mặc dù biết rõ nguyên nhân học sinh yếu nhiều là do hoàn cảnh khách quan mang lại, mặc dù biết rõ giáo viên cũng đã nỗ lực hết mình, nhưng không ít nhà trường vẫn cứ quy trách nhiệm cho giáo viên chưa nhiệt tình, chưa sử dụng đúng phương pháp giáo dục, chưa vận dụng hết các giải pháp tích cực và mặc nhiên quy lý do học sinh yếu là do thầy cô giáo để tạo sức ép.
Bởi thế, niềm mong ước của nhiều giáo viên lúc này, sau khi đã nỗ lực rất nhiều trong việc giảng dạy và kèm cặp học sinh. Nhà trường đừng áp dụng chỉ tiêu, em nào có lực học yếu cần cho học lại một năm. Cần trả lại cho học sinh cái quyền được lưu ban khi không thể cải thiện được lực học.
Cho các em cơ hội được lưu ban cũng chính là đang giúp các em kéo dài hơn con đường học vấn của chính mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.