Việc thừa - thiếu giáo viên cục bộ là hệ quả của nhiều năm ngành Giáo dục thay đổi một số chủ trương, chính sách đào tạo sư phạm, cùng với cách tuyển dụng, bố trí nhân lực cho các nhà trường ở một số địa phương chưa thực sự khách quan, khoa học.
Bên cạnh đó, việc thay đổi chương trình dẫn đến việc ngành Giáo dục chủ trương đưa vào một số môn học mới ở các cấp học nên dẫn đến thừa - thiếu cục bộ giữa các môn học, cấp học khác nhau.
Bởi lẽ, một khi giáo viên đã được tuyển dụng, đã được biên chế hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn thì hiếm có trường hợp nào bị tinh giản biên chế hay cắt hợp đồng. Trong khi, những môn học mới thì ở các cấp học thì lại phải tuyển mới.
Chính vì thế, giải quyết bài toán thừa - thiếu giáo viên hiện nay là một vấn đề nan giải, rất khó nhưng khó không có nghĩa là không có cách làm nếu có sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan, sự đồng thuận của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, ban ngành (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Cần có những chính sách căn cơ để thu hút người tài đến với ngành Giáo dục
Hiện nay, ngành Giáo dục đang có chủ trương hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm nhưng chúng tôi cho rằng đây không phải là giải pháp tối ưu để thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm. Việc cấp sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên sư phạm mới thu hút được người nghèo chứ chưa thu hút được nhiều người tài.
Bởi lẽ, ở thời điểm hiện nay thì học sinh cấp trung học phổ thông đã có rất nhiều kênh thông tin khác nhau để các em định hướng nghề nghiệp cho tương lại của mình.
Hơn nữa, khi mà điều kiện kinh tế của mỗi gia đình hiện nay đã được cải thiện thì việc cấp sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm chỉ là vấn đề cần có chứ không thực sự cần thiết.
Mấu chốt của việc thu hút học sinh giỏi đến với ngành sư phạm là sau khi học xong 4 năm đại học thì cơ hội việc làm như thế nào và chính sách đãi ngộ nhà giáo ra sao chứ vài triệu bạc hỗ trợ hàng tháng trong bối cảnh hiện nay đâu có phải là đích đến của học sinh phổ thông.
Cứ nhìn trong những năm qua, tình trạng nhiều sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm, nhiều em phải xin đi làm công nhân hoặc làm trái nghề sẽ hiểu được “đầu ra” của ngành sư phạm đang đang rất bế tắc.
Thậm chí, một số nơi đã có tình trạng các giáo sinh phải chạy vạy, phải đầu tư một số tiền thì mới có cơ hội đứng trên bục giảng, hoặc học trò thấy thầy cô của mình đang phải kí hợp đồng dạy theo tiết, theo năm, khiến cho nhiều học sinh không còn mặn mà đăng kí xét tuyển vào các trường sư phạm.
Vì thế, chính sách hỗ trợ tiền sinh hoạt phí hàng tháng chỉ giúp cho một số học sinh nghèo đến với ngành sư phạm nhưng khi sinh viên ra trường không có việc làm thì dẫn đến sự lãng phí tiền bạc cho ngân sách và lãng phí tuổi trẻ cho người học.
Hơn nữa, theo hướng dẫn hiện nay, nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành Giáo dục thì phải hoàn lại số tiền sinh hoạt phí đã nhận trong quá trình học tập cũng sẽ là bước cản trở cho người theo học sư phạm.
Bởi, nếu họ chủ tâm không muốn làm giáo viên thì trả lại số tiền sinh hoạt phí đã đành nhưng nếu họ muốn đi dạy học mà không xin được tuyển dụng thì việc hoàn lại tiền là gánh nặng cho nhiều gia đình có con em học sư phạm mà khi ra trường không tìm kiếm được việc làm.
Chính vì thế giải pháp căn cơ cho việc thu hút người tài vào học sư phạm và giải quyết được tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay thì ngành Giáo dục cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng và đưa ra những giải pháp thấu đáo cho phù hợp với tình hình thực tế xã hội hiện nay.
Giải pháp nào cho tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ?
Thực ra, giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay nếu chỉ mình ngành Giáo dục thì sẽ rất khó khăn và không thể làm nổi bởi nó còn liên quan đến chính sách, chủ trương của nhiều ban, ngành và hơn 60 tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, vai trò của ngành Giáo dục sẽ là then chốt khi tham mưu và đưa ra các chỉ tiêu đào tạo, những định hướng cho việc bố trí nhân lực của ngành. Muốn làm tốt được các việc này, chúng tôi cho rằng ngành Giáo dục phải giải quyết tốt được các tồn tại sau đây:
Thứ nhất: Bộ cần siết chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm hàng năm, nhất là những ngành đang dư thừa giáo viên ở các nhà trường phổ thông. Các địa phương và Bộ Giáo dục cần phải dự báo, thống nhất được nhu cầu nhân lực của ngành để các địa phương đặt hàng và Bộ giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường sư phạm.
Bên cạnh đó, hệ thống các trường sư phạm cần phải quy hoạch lại để đào tạo giáo viên theo nhu cầu thực tế của các địa phương.
Hạn chế tuyển dụng giáo viên là những người ngoài ngành sư phạm để tránh tình trạng đào tạo tràn lan rồi lại mở thêm các lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dẫn đến khó kiểm soát được nhân lực của ngành. Vì theo hướng dẫn hiện nay thì các văn bằng của hệ đào tạo nào cũng có giá trị như nhau.
Thứ hai: khi các địa phương tuyển dụng giáo viên cần phải đảm bảo được minh bạch, khách quan, tránh tình trạng thi cử chỉ là hình thức để che đậy những hành vi tiêu cực như một số nơi đã bị phanh phui trong thời gian qua.
Thứ ba: ngành Giáo dục cần nghiên cứu chế độ tiền lương cho nhà giáo một cách thỏa đáng, đúng theo tinh thần Nghị quyết 29 đã đề ra. Nhân lực ngành Giáo dục cũng cần bình đẳng như một số ngành nghề khác.
Có tuyển mới hàng năm và cũng sẽ có tinh giản đối với những giáo viên yếu chuyên môn, vi phạm đạo đức nhà giáo. Tránh tư tưởng ký được hợp đồng không xác định thời hạn là yên vị, miễn sao không vi phạm là đảm bảo công việc đến khi về hưu.
Thứ tư: đối với những môn học mà đang thừa giáo viên cần có chính sách điều động, luân chuyển giữa các trường trong cùng địa bàn cho hợp lý. Trước khi điều động, luân chuyển giáo viên thì lãnh đạo ngành, lãnh đạo nhà trường cần động viên, làm công tác tư tưởng giáo viên để tránh kiện cáo về sau.
Thứ năm: đối với những môn học như Tin học và tiếng Anh ở cấp tiểu học phải tuyển mới và tuyển thêm thì các Phòng Giáo dục, Phòng Nội vụ cần rà soát nhân lực 2 môn học này ở cấp trung học cơ sở để có thể luân chuyển giáo viên 2 môn học này xuống dạy ở cấp tiểu học.
Vì theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì môn Tin học ở cấp trung học cơ sở đã giảm 1 tiết/ tuần so với mỗi tuần 2 tiết như hiện nay nên sẽ dư thừa một nửa giáo viên Tin học hiện hành.
Thứ sáu: đối với giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông thì các Sở có thể “kéo” giáo viên ở cấp trung học cơ sở hoặc tiểu học lên bởi theo Luật Giáo dục thì chuẩn trình độ giáo viên 3 cấp học này như nhau nên việc điều động giáo viên không quá khó khăn.
Hoặc có thể thực hiện phương án tuyển dụng giáo viên dạy liên trường vì số lượng tiết dạy Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông không nhiều và 2 môn học này không phải là những môn học bắt buộc.
Thậm chí, có thể thuê giáo viên bên ngoài dạy thỉnh giảng vì phần lớn 2 môn học này dạy theo các chủ đề để định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau này.
Giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học hiện nay cần có sự chung tay, phối hợp đồng bộ giữa ngành Giáo dục, Nội vụ, các địa phương và các nhà trường.
Khi các bộ phận tham mưu, thực thi công việc cùng làm một cách trách nhiệm, khoa học vì sự phát triển của ngành thì sẽ khắc phục được tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ mà không gây ra những lãng phí về nhân lực, tiền bạc của Nhân dân và Nhà nước.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.