Những tuần vừa qua, tình trạng một số giáo viên vừa phải dạy trực tiếp, vừa phải dạy trực tuyến không còn là chuyện cá biệt mà nó đã xảy ra khá phổ biên trong các nhà trường trên cả nước bởi dịch bệnh đang có những diễn biến khá phức tạp.
Vì thế, số lượng học sinh là F0, F1 và cả những học sinh sợ bị nhiễm Covid-19 không đến trường học trực tiếp ngày càng nhiều hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa một số giáo viên phải “phân vai” vừa lo giảng dạy, quán xuyến ở lớp dạy trực tiếp thì cũng luôn phải chú ý đứng vào gần chỗ đặt camera để nói nhằm giúp cho học sinh nghe tiếng của mình được rõ hơn. Đồng thời, thỉnh thoảng cũng đặt câu hỏi, hỏi han bài vở đối với những em đang học trực tuyến.
Chất lượng giảng dạy và học tập ở những lớp vừa trực tiếp, vừa trực tuyến tất nhiên là sẽ bị ảnh hưởng bởi thầy cô không thể chuyên tâm cho bên này mà bỏ mặc bên kia được. Trong khi, mỗi tiết học ở cấp tiểu học là 35 phút, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông là 45 phút nên nếu nói những tiết học này là hiệu quả thì e là còn rất khiên cưỡng.
Hình thức kết hợp dạy trực tiếp với trực tuyến đang được nhiều trường học kết hợp (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet) |
Khi thầy cô phải đóng vai ở 2 lớp học cùng thời điểm
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến khá phức tạp đối với gần hết các địa phương và các nhà trường phổ thông cũng không tránh khỏi những khó khăn trong những ngày qua và kể cả những ngày đang tới.
Những ngày đầu năm mới, các tỉnh phía Nam khá yên bình, học sinh đi học trực tiếp tương đối đầy đủ. Các khối lớp cuối cấp nhiều trường đạt 100% học sinh.
Thế nhưng, chỉ được hết tuần đầu tiên học trực tiếp thì số lượng học sinh là F0 bắt đầu xuất hiện lác đác và sau đó ngày càng nhiều hơn. Khi trong lớp có học sinh là F0 thì những em ngồi bên cạnh tất nhiên trở thành F1 và các em bắt buộc phải ngừng đến trường học trực tiếp.
Trong từng lớp học cứ vắng dần số lượng học sinh học trực tiếp để chuyển sang hình thức học trực tuyến. Chính vì thế, các trường học ít nhất phải bố trí 1 phòng/ khối có máy ghi hình, laptop để vừa dạy trực tiếp và vừa truyền trực tuyến cho học trò.
Các giáo viên được phân công dạy ở những lớp “2 trong 1” tất nhiên là phải chú ý và đầu tư hơn rất nhiều nếu so với chỉ phải dạy 1 lớp bằng 1 hình thức riêng biệt.
Dạy 1 lớp trực tiếp và truyền cho cả khối đối với những em học trực tuyến qua đường link chung sẽ khó khăn bội phần bởi môn học nào cũng phải vài ba giáo viên được phân công giảng dạy trong một khối.
Học sinh thì quen với phong cách thầy cô giáo của mình đã dạy nhiều tháng trời nên một số em phải học trực tuyến với thầy cô giáo mới cũng sẽ gặp khó khăn ở những buổi đầu.
Ngược lại, giáo viên phải dạy trực tuyến đối với những em không phải là học sinh lớp của mình cũng có phần khó khăn trong việc hỏi han bài vở. Đặc biệt, phải hướng học sinh làm quen với phương pháp giảng dạy của mình.
Đó là chưa kể một số lớp dạy đúng phân phối chương trình, có lớp thì dạy chậm theo phân phối chương trình nên có thể học sinh phải học lại bài mà mình đã học với thầy cô của mình đã dạy trong lớp trực tuyến hoặc phải bỏ bài mà thầy cô của mình chưa dạy vì thầy cô dạy ở trực tuyến đã dạy qua bài đó rồi.
Khó khăn trong việc vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến thì thầy trò có thể khắc phục rồi cùng nhau vượt qua nhưng một số bài học có thể học sinh không được học vì tiến độ dạy của mỗi lớp thường khác nhau do khi học trực tiếp thì thời khóa biểu lệch nhau nhưng khi vào học trực tuyến thì cả khối bắt buộc phải theo thời khóa biểu và đường link của một lớp mà thôi.
Nhưng, bắt buộc các trường phải thực hiện như thế vì nếu phân công dạy riêng thì bài toán kinh phí trả tiền thừa giờ sẽ không có lời giải.
Vì sao các trường phải bố trí giáo viên vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến?
Việc bố trí một số giáo viên dạy “2 trong 1” ở các nhà trường thì các thầy cô trong ban giám hiệu họ đều biết là chất lượng sẽ khó được đảm bảo, nhất là đối với những em phải học trực tuyến nhưng họ cũng không có lựa chọn nào khả thi hơn.
Bởi nếu như trước đây chỉ dạy hình thức trực tuyến cho cả lớp thì giáo viên ngồi trước màn hình và có thể quan tâm được tất cả học trò như nhau hoặc dạy trực tiếp thì giáo viên bao quát được lớp để có thể điều chỉnh từng hoạt động dạy học của mình.
Bây giờ, khi 1 giáo viên phải “phân vai” ở 2 lớp học thì không thể nào làm tốt được như dạy ở 1 lớp.
Thế nhưng, nếu bố trí giáo viên dạy trực tiếp và dạy trực tuyến riêng thì tất nhiên là số tiết dạy sẽ phát sinh thêm rất nhiều, một số giáo viên sẽ thừa giờ và theo hướng dẫn hiện nay thì nhà trường phải trả tiền thừa giờ.
Nếu không trả tiền thừa giờ cho những giáo viên dư tiết theo định mức thì rất khó phân công giáo viên dạy cả hình thức trực tuyến và trực tiếp riêng lẻ.
Trong khi, kinh phí mà cấp trên khoán cho các nhà trường thì đã được phê duyệt từ đầu năm và gần như không cấp thêm hoặc không có chỉ đạo cụ thể của ngành giáo dục về việc này nên không có hiệu trưởng nào dám phân công giáo viên dạy riêng cho học sinh cả 2 hình thức.
Họ cũng bị rơi vào thế kẹt nên đành phải mua thêm vài cái máy thu hình và bố trí laptop mỗi khối 1 lớp vừa dạy trực tuyến, vừa dạy trực tuyến nhằm đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy và không để cho học sinh không đến trường mất bài.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Bộ và các sở giáo dục cũng cần có hướng dẫn về hình thức dạy trực tuyến và trực tiếp một cách cụ thể. Bởi dịch bệnh sẽ còn dài chứ chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai tới đây.
Hơn nữa, việc giảng dạy “2 trong 1” hiện nay cũng là một cách làm tự phát của các nhà trường chứ không phải là sự chỉ đạo của Bộ và các sở hay phòng giáo dục.
Nếu lãnh đạo ngành chấp nhận vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến trong 1 lớp thì tất nhiên không thể đòi hỏi cao về chất lượng bởi dù cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì giáo viên cũng không thể nào làm tốt vai trò của mình ở cả 2 lớp học.
Nếu muốn dạy riêng cho học trò, tránh tình trạng “2 trong 1” thì lãnh đạo ngành phải tham mưu với các ban ngành khác để cấp thêm kinh phí cho các nhà trường và hướng dẫn các cơ sở giáo dục phân công, sắp xếp và tính tiền thêm giờ cho giáo viên.
Còn cứ như hiện nay thì không chỉ giáo viên dạy những lớp vừa trực tiếp, vừa trực tuyến áp lực, mệt mỏi và hiệu quả giảng dạy và học tập ở những lớp này cũng khó đòi hỏi có hiệu quả cao vì không giáo viên nào có thể “phân vai” cùng một lúc ở cả 2 lớp học.
Dù có lạc quan, lí tưởng hóa thế nào đi chăng nữa thì những lớp học được kết hợp vừa trực tiếp, vừa trực tuyến cũng chỉ là biện pháp “chữa cháy” mà thôi!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.