Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường trung học phổ thông chuyên... của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình có nội dung "giáo viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1,0 tỷ đồng một người" đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. [1]
Giáo sư, phó giáo sư biên chế trường phổ thông công lập sẽ mất chức danh
Thứ nhất, cần khẳng định, tỉnh Hòa Bình đang nhầm "chức danh" thành "trình độ" vì Dự thảo viết rằng "giáo viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư...".
Bởi, Điều 68 Luật Giáo dục quy định: 1. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. 2. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Như thế, giáo sư, phó giáo sư (ở Việt Nam) không phải là định danh trình độ mà là "học hàm". Học hàm này được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận (công nhận đạt chuẩn chức danh). Việc công nhận giáo sư, phó giáo sư dựa trên kinh nghiệm, thành tích nghiên cứu và đào tạo.
Hay nói cách khác, giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo, còn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mới là trình độ đào tạo.
Dự thảo nhầm "chức danh" thành "trình độ". (Ảnh: Phan Thế Hoài) |
Cần biết thêm, theo etymonline.com, "giáo sư" - Professor - bắt nguồn từ tiếng Latinh "person who professes" nghĩa là một chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật hoặc khoa học, hoặc một giảng viên có trình độ chuyên môn cao. [2]
Trên thế giới, từ "giáo sư" không có tiêu chuẩn được sử dụng chính thức để chỉ ra cấp bậc học vấn cao nhất. Các giáo sư thường tiến hành nghiên cứu ban đầu và giảng dạy các khóa học ở đại học, sau đại học hoặc các lĩnh vực trong chuyên môn của họ. [3]
Thứ hai, Điều 3 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xét công nhận giáo sư, phó giáo sư cũng nêu rõ nhiệm vụ của giáo sư, phó giáo sư là giảng dạy, hướng dẫn luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học... Giáo sư, phó giáo sư gắn với chức danh của một trường đại học cụ thể.
Vấn đề đặt ra là, nếu giáo sư, phó giáo sư thỉnh giảng tại trường chuyên thì xử lý mối quan hệ về đảm bảo yêu cầu chức danh giáo sư, phó giáo sư như thế nào? Giáo sư, phó giáo sư có được phép sử dụng chức danh này để làm việc ngoài nhiệm vụ chức trách giảng viên của một trường đại học không?
Mà theo Luật Viên chức, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc: "làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó" (Điều 31)
Nếu giáo sư, phó giáo sư vào biên chế trường chuyên công lập thì nghiễm nhiên giáo sư, phó giáo sư bị mất chức danh này, lúc đó họ là giáo viên có trình độ tiến sĩ (vì một cá nhân không thể có biên chế ở hai cơ quan/đơn vị sự nghiệp công lập).
Vì sao giáo sư, phó giáo sư dạy trường chuyên gây tranh cãi?
Việc đề xuất giáo sư, phó giáo sư về dạy trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh Hòa Bình gây tranh cãi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như hành lang pháp lí, chế độ đãi ngộ, yêu cầu chuyên môn... Riêng tôi nhận thấy sự tranh cãi này còn xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây.
Thứ nhất, có những người học hàm, học vị đầy mình nhưng cả trình độ lẫn tư cách đều không xứng đáng với những gì họ mang. Điều này đã được truyền thông nói chung và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nói riêng đăng tải nhiều bài viết phản ánh từ những năm qua.
Có thể liệt kê một số bài viết đáng chú ý như, Mùa … đạo văn ngày 25/6/2018, “Lò ấp Tiến sĩ” và ông “thợ dạy” ngày 3/8/2021, Cần hủy vĩnh viễn hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư đăng bài ở tạp chí mạo danh ngày 22/2/2022...
Với những giáo sư, phó giáo sư vi phạm liêm chính học thuật nhưng bằng cách nào đó họ vẫn được phong học hàm thì việc mời họ giảng dạy ở trường trung học phổ thông chuyên cũng chẳng có ích gì, không khéo lợi bất cập hại.
Đề xuất giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên gây tranh cãi. (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Thứ hai, việc làm của tỉnh Hòa Bình phản ánh 2 điều dở của giáo dục hiện nay: 1) Không tin tưởng việc đào tạo giáo viên của các trường đại học sư phạm; 2) Hạ thấp giá trị học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Phần lớn giáo viên dạy ở trường chuyên đều được tuyển dụng kĩ càng, năng lực chuyên môn của thầy cô đều được chứng minh qua từng năm học. Giả sử giáo viên nào đó không đáp ứng việc dạy học, luyện thi học sinh giỏi thì làm sao thầy cô tồn tại được trong môi trường này - vì danh dự không cho phép.
Liên quan đến việc bỏ tiền tỉ mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên, tháng 7/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND quy định một số chế độ chính sách đối với Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh. [4]
Theo đó, nếu nhà giáo có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).
Báo VietNamNet ngày 14/3/2022 đưa tin, đến nay tỉnh Bắc Ninh thừa nhận "chưa ai liên hệ" (chưa có giáo sư, phó giáo sư nào liên hệ về trường chuyên dạy học). "Việc thu hút nhân tài là chính sách tốt song việc chiêu hiền đãi sĩ còn nhiều chông gai", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm. [5]
Thứ ba, chuyện giáo sư, phó giáo sư dạy bậc trung học phổ thông (chuyên) là xưa nay chưa từng có. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình dạy Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và một số giáo viên khác có học vị tiến sĩ cũng dạy bậc trung học phổ thông, nhưng số lượng rất ít.
Ngày 15/3/2022, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales) cho biết, ở bang New South Wales (nơi giáo sư đang làm việc) không thấy trường trung học tuyển dụng giáo sư, phó giáo sư dạy ở bậc phổ thông.
Báo VnExpress ngày 13/3/2022 dẫn lời Phó Giáo sư Lê Thị Nguyệt Minh (Đại học Quốc gia Singapore - NUS) cho biết, trường trung học ở đây không tuyển giáo sư. [6]
"Giáo sư, phó giáo sư được đào tạo để giảng dạy ở đại học và sau đại học, không được đào tạo để dạy trung học. Vì vậy, việc tuyển giáo sư, phó giáo sư về các trường cấp 2-3 ở Mĩ là chuyện gần như không có", Phó Giáo sư Mai Đặng Hiền Quân (Đại học Rutgers) nói với VnExpress. [6]
Thứ tư, Điều 3 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư như sau (trích):
- Biên soạn chương trình, giáo trình và sách phục vụ đào tạo khác; giảng dạy, hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận văn chuyên khoa, chuyên đề, luận án tiến sĩ và thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khác theo quy định.
- Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo...
Chiếu theo quy định này thì giáo sư, phó giáo sư không phù hợp với việc dạy ở bậc trung học phổ thông vì Luật Giáo dục quy định mục tiêu của giáo dục phổ thông như sau (trích):
Trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp...
Vậy nên, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông (trích): phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học (Điều 30).
Tôi cho rằng, tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình mời giáo sư, phó giáo sư về dạy phổ thông phần nào cho thấy, bệnh thành tích của ngành giáo dục đang đè nặng lên các trường chuyên chạy theo giải quốc gia, quốc tế.
Ngày 15/3/2022, chia sẻ với cá nhân người viết về học hàm, học vị nhà giáo, Tiến sĩ Dương Văn Tú (Đại học Purdue, Mĩ) nói rằng, ông không coi học hàm học vị là cái gì đó ghê gớm. Chẳng hạn học vị cao nhất tiến sĩ chỉ là tấm vé thông hành để bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, còn học hàm giáo sư chỉ là chức danh nghề nghiệp của giảng viên.
"Quan trọng là trình độ, nhân cách của anh thế nào chứ không phải học hàm, học vị. Những ai thiếu tự tin về trình độ, nhân cách của họ, không còn gì khác mới phải mang học hàm học vị ra khoe", Tiến sĩ Dương Văn Tú thẳng thắn nói.
Tài liệu tham khảo:
[1] //hoabinh.edu.vn/vn/document/vanban/nganh/xin-y-kien-vao-du-thao-to-trinh-du-thao-nghi-quyet-cua-hdnd-tinh-quy-dinh-mot-so-chinh-sach-dac-thu-doi-voi-truong-thpt-chuyen-che-do-doi-voi-chuyen____118657.aspx?fbclid=IwAR31EmgQpI1Ho8XqMuI0-5e_rOmU86qzqJDqP43uo32i7ZFRj7ZoYGzIbiY
[2] //www.etymonline.com/word/professor?fbclid=IwAR31EmgQpI1Ho8XqMuI0-5e_rOmU86qzqJDqP43uo32i7ZFRj7ZoYGzIbiY
[3] //vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_s%C6%B0
[4] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-quyet-02-2021-NQ-HDND-che-do-chinh-sach-voi-truong-trung-hoc-pho-thong-Chuyen-Bac-Ninh-494533.aspx
[5] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chi-tien-ty-tuyen-giao-su-tien-si-ve-truong-chuyen-hon-7-thang-khong-tuyen-noi-mot-nguoi-822568.html?fbclid=IwAR3DpXUn13Vf0ngkZfq8Y1DPnTGDjhNGRh9QvxyK8rgmH1Zg7RBB1IErXTw
[6] //vnexpress.net/ly-do-khong-nen-moi-giao-su-ve-truong-chuyen-4438028.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.