Coi con như 'ông hoàng, bà chúa', thầy cô khó dạy dỗ, bạo lực học đường khó hết

03/04/2022 06:42
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bạo lực học đường là nỗi đau của tất cả mọi người, đặc biệt là của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đừng dồn hết trách nhiệm cho nhà trường, cho thầy cô.

Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 3, liên tiếp xảy ra 2 vụ học sinh bậc trung học đánh nhau gây phẫn nộ trong dư luận mà nguyên nhân của sự việc đều từ những mâu thuẫn rất nhỏ.

Xích mích trong lúc đi rửa tay và có lời qua tiếng lại, sau đó xảy ra mâu thuẫn, ngày 22/3, hai nữ sinh ở Hải Phòng tự hẹn nhau ra ngoài trường để giải quyết mâu thuẫn dẫn đến việc đánh nhau.

Nữ sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ bị bạn đánh hội đồng (Ảnh trên giaoduc.net.vn)

Nữ sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ bị bạn đánh hội đồng (Ảnh trên giaoduc.net.vn)

Một câu chuyện khác xảy ra ở Quảng Trị, chiều 23/3, hai nữ sinh lớp 8 tát hàng chục cái vào mặt, đánh vào đầu, lấy chân đạp lên người, lôi tóc, kéo lê nữ sinh học lớp 7. Ngoài ra, 2 nữ sinh này còn xé áo và giật bảng tên của bạn.

Nạn nhân tên L. (học sinh lớp 7 ở Quảng Trị) chỉ biết im lặng chịu trận, không hề phản kháng hay than khóc. L. còn quỳ gối xuống nền bê tông và vòng tay lại, nói lời xin lỗi đối với 2 nữ sinh kia. Xung quanh có nhiều lời trêu đùa, cổ vũ nhưng không có ai can ngăn.

Trên đấy chỉ là 2 câu chuyện bạo lực học đường mới nhất xảy ra khiến dư luận không khỏi lo lắng.

Thầy cô đôi khi cũng còn “sợ” học trò?

Điều này nghe có vẻ vô lý thật, nhưng dù đau lòng cũng phải thừa nhận, điều vô lý này lại là sự thật.

Có những học sinh, giáo viên biết mười mươi là rất ngổ ngáo, rất hư, luôn áp đảo, chấn áp bạn. Trong lớp, những em này thường được bạn bè xem như những anh đại, những chị đại muốn gì được đó.

Có em còn phá cả giờ dạy của giáo viên. Thầy cô đôi khi muốn giờ dạy của mình yên ổn còn phải làm lơ “mắt nhắm mắt mở” để dạy cho hết tiết.

Những học sinh cá biệt như thế, thầy cô có biết không? Đương nhiên là biết. Biết rất rõ là đằng khác nhưng để uốn nắn, giáo dục thay đổi được không hề đơn giản.

Có những em, khi thầy cô nhắc nhở, khuyên răn còn nổi nóng, bặm môi, trừng mắt, đôi khi còn văng tục, chửi thề và có hành động thách thức lại. Những lúc như này, giáo viên thường im lặng để dạy cho hết tiết và phản ánh về trường mời phụ huynh làm việc.

Tuy thế, có phụ huynh hợp tác, có người làm thinh, có người đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí có người lại bảo vệ con một cách thái quá và đổ hết tội lỗi lên đầu người khác.

Học sinh phạm lỗi đánh bạn gây thương tích, thậm chí hành hung cả thầy cô như một số vụ việc điển hình đã được báo chí thông tin thì cao lắm cũng chỉ đình chỉ học vài ba ngày, nhiều nhất cũng một vài tuần là đi học lại.

Nhiều năm về trước, thầy cô giáo thật có uy trước học trò. Mỗi lời nói, lời răn dạy trò thường nghe răm rắp mà không ai dám làm trái ý. Học trò hư, giáo viên còn dùng biện pháp mạnh để răn đe như phạt roi, bắt lao động công ích, phê bình trước cờ thậm chí đuổi học… thì nay được cho là phản giáo dục. Ngày nay, đến việc nói nặng học trò còn không được phép.

Người ta đề cao giáo dục bằng những lời ngọt ngào, yêu thương nhưng ai cũng hiểu có những học sinh càng ngọt ngào lại càng khó bảo. Đến cha mẹ dạy con ở nhà còn dùng đến những trận đòn roi thừa sống thiếu chết nhưng cũng chẳng ăn thua thì lời nói ngọt ngào của thầy cô có ý nghĩa gì?

Đòn roi không được phép, la mắng cũng không xong, giáo viên chỉ cần bị phụ huynh phản ánh có lớn tiếng với học sinh cũng dễ dàng bị quy kết là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Bảo bối của các thầy cô duy nhất trước những học trò hư chỉ là nói cho các em biết, sẽ thông báo với cha mẹ về những biểu hiện chưa tốt ở trường. Tuy nhiên, có em sợ mà ngoan hơn, có em lại lên giọng thách thức “thầy (cô) có cần số điện thoại của ba, mẹ không, con cho?”. Thế nên, có không ít thầy cô có tâm lý buông bỏ để bản thân an toàn cũng cũng là điều khó tránh khỏi.

Vì đâu nên nỗi?

Tận mắt xem clip đánh nhau được quay lại, bất kể ai cũng thấy nổi giận đến run người. Nổi giận vì sự tàn độc của những đứa trẻ con mặt còn búng ra sữa. Nổi giận vì sự vô cảm của cả đám học trò xung quanh đó và thương vì sự cam chịu, sự bất lực đến cùng cực của nạn nhân.

Phẫn nộ, bất bình, nhiều ý kiến đưa ra gây tranh cãi về nguyên nhân để xảy ra bạo lực học đường hiện nay.

Người cho rằng, nền tảng gia đình là chủ yếu. Một gia đình nền nếp, dạy con cái đàng hoàng thì ít xảy ra những đứa trẻ có tính tình hung hãn, không coi ai ra gì.

Những đứa trẻ hay dùng bạo lực với bạn bè thường sống trong gia đình thiếu vắng tình thương yêu đủ đầy của cả cha và mẹ.

Người nói rằng, do xã hội tác động, do các mạng truyền thông đầy rẫy những tấm gương xấu, những việc làm không tốt nên trẻ nhỏ học đòi, bắt chước.

Người lại cương quyết đổ hết trách nhiệm cho ngành giáo dục, bởi thời gian con trẻ ở trường luôn nhiều hơn thời gian các con ở nhà.

Có người còn yêu cầu Bộ Giáo dục cần xem lại môn Giáo dục công dân ở trường, các thầy cô giáo dạy thế nào mà ngày càng nhiều các vụ hành hung, bạo lực với bạn như thế?

Học mà không hành cũng khó thành kỹ năng, nền tảng gia đình vẫn là quan trọng nhất

Những bài học đạo đức, bài học làm người tử tế, bài học về cách giao tiếp, ứng xử với người xung quanh, biết giúp đỡ người yếu thế, biết yêu thương người nghèo, người thiệt thòi bất hạnh…đã được dạy nhiều trong các bài học ở môn Đạo đức, Tiếng Việt (tiểu học), Giáo dục công dân (bậc trung học).

Những môn học khác vẫn liên tục được dạy lồng nghép. Tuy nhiên, chuyện các em học chỉ là lý thuyết, biến những lý thuyết ấy thành kỹ năng phần nhiều do cách sống, cách giáo dục ở mỗi gia đình.

Từ thực tế giảng dạy cho chúng tôi thấy, nhiều cha mẹ bây giờ cưng chiều con hơn, luôn xem chúng như những “ông hoàng, bà chúa” đòi gì được nấy, quen được sống cung phụng và làm theo ý mình. Thế nên, ai trái ý là sẵn sàng nổi giận, thậm chí hành hung.

Trong gia đình một số học sinh ba mẹ hay anh em vẫn thường hay cãi vã, xô xát nhau bằng những ngôn từ không đẹp đẽ, hay ho gì trước mặt con trẻ.

Bạo lực học đường là nỗi đau của tất cả mọi người, đặc biệt là của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đừng dồn hết trách nhiệm cho nhà trường, cho thầy cô. Hãy công tâm nhìn nhận để thấy rằng, vai trò của gia đình vẫn là quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và lối ứng xử của các em.

Tài liệu tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/clip-nu-sinh-lop-7-bi-ban-tat-va-xe-ao-hieu-truong-run-ca-nguoi-825622.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết