Chỉ quan tâm học sinh chuyên vào ĐH nào nhưng sau phục vụ, làm ở đâu ít ai để ý

20/04/2022 07:08
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai thì, mỗi địa phương chỉ nên có duy nhất một trường trung học phổ thông chuyên.

Tại Việt Nam hiện nay, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có các chính sách đặc thù áp dụng đối với các trường trung học phổ thông chuyên.

Nhiều trường chuyên được các địa phương coi là nơi đào tạo trọng điểm, đầu tư nguồn kinh phí rất lớn vào cơ sở vật chất, máy móc và các trang thiết bị hiện đại, mời các giáo sư và phó giáo sư về giảng dạy…

Khác với một số địa phương khác, tỉnh Đồng Nai chỉ có duy nhất một trường trung học phổ thông chuyên là trường Lương Thế Vinh nằm ở thành phố Biên Hòa.

Hàng năm, đây là một trong những nơi cung cấp học sinh giỏi cấp quốc gia cho tỉnh Đồng Nai.

Ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai (ảnh: NVCC)

Ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai (ảnh: NVCC)

Nói về trường chuyên hiện nay trong cả nước, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết, mục đích của các trường trung học phổ thông chuyên hiện nay là phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Việc làm này rất quan trọng cho đất nước trong tương lai.

Nói về hiện tượng một số trường trung học phổ thông chuyên hiện nay chỉ nhằm luyện “gà chọi, gà nòi” đi thi các giải thưởng quốc gia, quốc tế, ông Võ Ngọc Thạch khẳng định, đây chỉ là hiện tượng rất cá biệt.

Còn phần lớn các trường chuyên là đi đúng mục tiêu, nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh nhà, cho địa phương.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, một vấn đề hiện nay có lẽ là các cơ quan chức năng lãng quên, đó là vấn đề sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao này như thế nào.

“Hiện người ta chỉ biết các em sẽ vào đại học, còn sau đó ra đời phục vụ, làm ở đâu ít ai để ý. Nên chăng khuyến khích những nhân tài này phục vụ tại địa phương, thậm chí có cơ chế hỗ trợ cho các em vào học đại học…” – ông Võ Ngọc Thạch chia sẻ.

Về vấn đề có nên chăng mời các giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy tại các trường trung học phổ thông chuyên, ông Võ Ngọc Thạch cho hay, chỉ nên mời các vị này về để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, dạy các chuyên đề, cho cả thầy cô giáo và cả học sinh.

Hoàn toàn không nên mời dạy chính thức, vì như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh phí mời dạy. Thầy cô giảng dạy ở các trường trung học phổ thông chuyên chủ yếu phải tự đầu tư, nâng cao năng lực chuyên môn giảng dạy của mình.

Là địa phương nằm top 4 khu vực phía Nam có số lượng học sinh đạt giải thưởng quốc gia, ông Võ Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai nói rằng, nên chăng cần mở rộng thêm các sân chơi, cuộc thi dành cho học sinh các trường trung học phổ thông chuyên trong cả nước, nhằm đánh giá trình độ học tập của học sinh ở các trường chuyên.

Về vấn đề có hay không hiện nay, nhiều địa phương đang mở, đầu tư không hiệu quả ở các trường trung học phổ thông chuyên, ông Võ Ngọc Thạch nói, mỗi địa phương (tỉnh, thành phố) hiện chỉ cần mở một trường trung học phổ thông chuyên duy nhất, không cần mở nhiều.

“Tập trung hết nguồn lực từ cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy cho trường chuyên này, thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả, chất lượng.” – ông Võ Ngọc Thạch khẳng định.

Đối với việc tuyển chọn học sinh vào học trường chuyên, ông Võ Ngọc Thạch đề xuất, nên chăng có thể giao về cho các trường trung học phổ thông chuyên tự tuyển học sinh của mình.

Ông Võ Ngọc Thạch giải thích: Các trường tự tuyển học sinh, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả đào tạo của mình, nên sẽ tự khắc ra đề thi, coi thi, chấm thi nghiêm túc.

“Chắc chắn học sinh chuyên cần phải qua thi tuyển, nhưng đầu vào tốt thì chắc chắn đầu ra cũng sẽ tốt” – ông Võ Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Việt Dũng