Nguyên Phó giám đốc Sở GD TPHCM: Nên quy hoạch, đánh giá lại trường chuyên

11/04/2022 06:57
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai -nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có những đánh giá về mô hình trường trung học phổ thông chuyên.

Tại Việt Nam, hệ thống trường trung học phổ thông chuyên có nhiệm vụ “phát triển năng khiếu một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đã đến lúc cần quy hoạch, đánh giá lại mục tiêu của các trường chuyên.

Cần quy hoạch, đánh giá lại mục tiêu trường chuyên

Nói về vai trò của trường phổ thông thầy Nguyễn Văn Ngai cho biết, trường phổ thông là nhằm cung cấp các kiến thức, hiểu biết cần thiết trong độ tuổi được quy định, để đáp ứng được yêu cầu hòa nhập với cuộc sống khi trưởng thành.

Mỗi con người đều có một sở trường, sở đoản riêng, nên các trường trung học phổ thông chuyên sẽ tạo điều kiện phát huy sở trường, năng khiếu của người học sẽ là rất cần thiết. Người học sẽ có một môi trường để phát huy năng khiếu của mình, ra đời với các tài năng thực thụ của mình thì đó là điều rất cần thiết.

Thế nhưng, hiện nay, tại một số trường trung học phổ thông chuyên đang có hiện tượng mà người ta gọi là luyện “gà chọi, gà nòi” thì theo thầy Nguyễn Văn Ngai đó chỉ là mang tính chất phong trào, chứ không phải là nhiệm vụ chính trong việc đào tạo của các trường chuyên.

Trường Phổ thông Năng khiếu, 1 trong 3 trường trung học phổ thông chuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: website trường)

Trường Phổ thông Năng khiếu, 1 trong 3 trường trung học phổ thông chuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: website trường)

Về các trường trung học phổ thông chuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 3 trường là: trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường Phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Chưa kể, tại một số trường trung học phổ thông công lập còn có lớp chuyên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng, điều đó có phải là có quá nhiều trường chuyên, lớp chuyên ở tại Thành phố Hồ Chí Minh không, thầy Nguyễn Văn Ngai giải thích: Sở dĩ có việc này là do thành phố muốn tạo điều kiện cho các em học sinh cư trú tại một số khu vực, địa phương ở một số quận, huyện ở xa nhưng có năng khiếu, muốn học ở các lớp chuyên nhưng không cần phải tập trung về trung tâm thành phố, gây khó khăn cho việc đi lại.

Tuy vậy, thực tế là có một số trường trung học phổ thông công lập có mở lớp chuyên, nhưng lại không thu hút được học sinh, không phát triển được.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh: “Việc phát triển trường trung học phổ thông chuyên là cần thiết, nhưng việc phát triển như thế nào, số lượng ra sao thì cần phải tính toán lại, dựa trên các cơ sở và điều kiện nhất định”.

Theo quan điểm cá nhân của thầy Nguyễn Văn Ngai thì thành phố chỉ nên tập trung đầu tư cho hai trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa là đủ.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, không cần phải mở quá nhiều điểm, chỉ cần gom 2 trường này lại đầu tư thì sẽ đủ điều kiện, khả năng lo kỹ càng hơn cho các trường chuyên, từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ giáo viên giảng dạy.

Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, đã đến lúc cần có cái nhìn, đánh giá lại mục tiêu, quy hoạch cụ thể các trường trung học phổ thông chuyên.

Nên có tiêu chỉ để tuyển chọn thật kỹ các học sinh học ở trường chuyên. Các chương trình giảng dạy cũng cần được tính toán, để làm sao đầu tư, phát huy được năng khiếu của học sinh trên từng lĩnh vực, nhưng cũng vẫn phải đảm bảo được các kiến thức tổng quát của bậc phổ thông.

Không nên mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên

Với đội ngũ giảng dạy tại các trường chuyên, thầy Nguyễn Văn Ngai cho hay, có một thực tế là một số thầy cô dạy ở trường chuyên nhưng chưa xứng tầm, tất nhiên là có một số lý do nhất định. Do vậy, mà đội ngũ giảng dạy cũng cần phải tính toán lại, có các chế độ và chính sách đãi ngộ phù hợp.

Song song đó, cũng cần phải có các yêu cầu về mặt năng lực chuyên môn đối với thầy cô giáo này.

Với ý kiến có nên mời giáo sư, phó giáo sư về dạy tại các trường chuyên hay không, thầy Nguyễn Văn Ngai chia sẻ: Việc này là không cần thiết.

Mỗi cấp học của học sinh đều có một đội ngũ giáo viên phù hợp. Điều đó có nghĩa rằng, giáo viên dạy giỏi ở bậc trung học phổ thông chưa chắc đã là giáo viên dạy giỏi ở lớp 1.

Các vị giáo sư, phó giáo sư thường chỉ đi vào nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên các trường đại học theo từng chuyên đề. Dạy ở bậc đại học khác với dạy ở bậc phổ thông, nên có thể là sẽ không phù hợp.

“Nếu có thể thì chỉ nên mời giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy một số chuyên đề nào đó, bồi dưỡng cho giáo viên là chủ yếu, chứ không thể thay thể các thầy cô giáo dạy học sinh” – thầy Nguyễn Văn Ngai khẳng định.

Thầy Ngai đặt vấn đề tiếp: “Nên chăng, có thể để kinh phí mời giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy dùng để cải thiện chế độ, chính sách cho các thầy cô giáo dạy trong trường chuyên, lúc đó sẽ hiệu quả hơn?”.

Cần tìm nguyên nhân vì sao giải thưởng học sinh giỏi quốc gia còn khiêm tốn?

Từ nhiều năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh dành rất nhiều kinh phí để đầu tư vào các trường trung học phổ thông chuyên, nhưng số giải thưởng học sinh giỏi quốc gia còn khiêm tốn, thậm chí thua một số địa phương phía Bắc, thầy Nguyễn Văn Ngai nói điều này là đúng.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Việc này đã xảy ra từ một vài năm nay. Việc học không phải chỉ là một ngày, một bữa mà là cả một quá trình dài.

Là một thành phố lớn nhất nhì nước, là một địa phương có điều kiện về kinh tế, nhưng lại thua các tỉnh nhỏ hơn thì cũng đúng là điều đáng để suy nghĩ.

Về điều này, mỗi người có thể có một cách nhìn nhận, đánh giá riêng. Tuy nhiên, để giải được bài toán này thì những người có trách nhiệm nên ngồi lại với nhau, bàn bạc, phải tìm ra được nguyên nhân để có hướng khắc phục.

“Mỗi người, với trách nhiệm của mình thì cũng cần phải đánh giá lại việc này, cái gì làm tốt, chưa làm tốt, kết quả đã đạt được trong thời gian qua là gì, để từ đó có thể đưa ra đề xuất, yêu cầu” – thầy Nguyễn Văn Ngai đề xuất.

Việt Dũng