Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc Trung học phổ thông từ năm học 2022-2023. Đầu tiên là ở lớp 10, một trong những điểm mới, thay vì 13 môn học như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn trong đó 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn.
7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. 5 môn học tự chọn được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn, đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Như vậy đối với các giáo viên dạy các môn học bắt buộc như: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương sẽ không phải lo lắng nhiều. Vấn đề hiện nay là việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho những môn học mới như: Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương…ở các trường và các địa phương như thế nào, và việc xử lý giáo viên dôi dư nếu môn học không được nhiều học sinh lựa chọn.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa. Ảnh: NVCC. |
Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa - nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp cho biết: “Tôi thấy chương trình mới đã theo xu hướng giáo dục của thế giới, các nước hiện nay đều đã xây dựng chương trình như vậy để phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Mục tiêu của chương trình phân ra rất rõ gồm năng lực chung, năng lực đặc thù, đặc biệt còn nhóm phát triển năng khiếu, chính vì thế có Âm nhạc, Hội họa.
Tuy nhiên, để áp dụng được ngay thì sẽ có nhiều trường gặp khó khăn do chưa có giáo viên dạy môn đó, chưa có cơ sở vật chất như phòng học mỹ thuật, nhạc cụ. Bởi không phải vào học nhạc, học mỹ thuật trong một căn phòng như các lớp học khác, mà đòi hỏi phải đầy đủ trang thiết bị tiêu chuẩn để học sinh học và thực hành. Có như vậy mới ra được chất lượng giáo dục tốt".
Các trường đang khó khăn về những vấn đề như vậy tuy nhiên theo cô Nhiếp, chúng ta nên nhìn về hướng tích cực, có thể tính cho tương lai lâu dài, và đây là một xu hướng mà Việt Nam cần hướng tới. Tức là, khi xây dựng và quy hoạch trường học, các nhà trường cũng phải tính theo chương trình 2018 này, chứ không phải tính theo chương trình cũ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Thông tư 13/2020 quy định cơ sở vật chất, nhưng các trường mới xây dựng sẽ theo kịp, còn các trường xây dựng từ trước mới chỉ đáp ứng được các phòng học bình thường.
Sẽ có môn học sinh chọn nhiều, có môn rất ít học sinh, như vậy liệu có xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ? Về vấn đề này cô Nhiếp nói: “Về lí thuyết là như vậy, nhưng theo tôi, người hiệu trưởng nào cũng phải cân nhắc, và sự lựa chọn của học sinh dựa trên khung cơ sở mà nhà trường có thể đáp ứng.
Nhà trường cũng phải đưa ra định hướng cho học sinh để làm sao đảm bảo cân đối đội ngũ giáo viên, đảm bảo phòng học. Ví dụ: Chương trình hiện hành môn Lý, Hóa luôn luôn 2 tiết/tuần, và chương trình mới cũng như vậy do đó cơ bản thì đội ngũ giáo viên Lý, Hóa, Sinh tạm ổn.
Nhưng với môn Sử, Địa, Giáo dục công dân nếu học sinh chọn nhiều thì nhìn chung các trường sẽ bị khó bởi những môn này hiện chỉ có 1 đến 1,5 tiết/ tuần, nhưng sắp tới sẽ lên 2 tiết/tuần. Với môn Công nghệ, môn Tin học cũng như thế.
Vậy các nhà trường phải tính toán làm sao để học sinh vẫn có thể chọn lựa được các tổ hợp, nhưng phải trên cơ sở khung định hướng của nhà trường.
Ở trường Yên Hòa cũng phải tính toán, từ trước đến nay, Nhà trường sắp xếp các con theo lớp thiên về Khoa học tự nhiên, hoặc thiên về Khoa học xã hội. Với Khoa học tự nhiên sẽ là Lý, Hóa, Sinh. Nhóm Khoa học xã hội các con có thể chọn Sử, Địa, Kinh tế Pháp luật. Còn môn chiến lược đầu ra của Nhà trường là Tin học. Như vậy có thể thấy nhà trường vẫn đảm bảo đều về mặt kiến thức, đảm bảo đội ngũ thầy cô”.
Theo cô Nhiếp: "Nhà trường cũng phải đưa ra định hướng cho học sinh để làm sao đảm bảo cân đối đội ngũ giáo viên, đảm bảo phòng học". Ảnh minh họa: NVCC. |
Ai là người tư vấn chọn tổ hợp cho học sinh?
Khi vào lớp 10, học sinh chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, nhưng sau một năm lại thấy không thích hợp, học sinh muốn đổi tổ hợp. Vậy ai sẽ là người tư vấn ban đầu cho học sinh? Cô Nhiếp chia sẻ: “Vấn đề này trường tôi cũng đã nhận thấy, với học sinh Yên Hòa thường có buổi đầu tiên tư vấn cho phụ huynh và học sinh toàn trường, nội dung thông báo nhà trường có các mô hình lớp như vậy. Nếu sau mỗi học kì các con thấy không phù hợp, lúc này học sinh được quyền đổi. Như vậy là ngay từ khi học sinh bước chân vào trường đã có sự định hướng, hướng nghiệp cho các con.
Tuy nhiên, với tổ hợp mới như hiện nay Nhà trường lại phải nghiên cứu một chiến lược khác cho phù hợp để tư vấn cho học sinh và phụ huynh trước khi lựa chọn tổ hợp. Nhưng cơ bản vẫn là học sinh bởi chỉ có các em mới hiểu và biết mình thích gì. Nếu nói 108 tổ hợp là nhiều, nhưng theo tôi ít hay nhiều là do mỗi nhà trường. Quan trọng là mỗi nhà trường biết được mình có đội ngũ, cơ sở vật chất đến đâu thì mình chia như thế, và định hướng thật sát với học sinh. Bản thân mỗi nhà trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục thật tốt, thật kĩ từ đầu năm bởi nếu không xây dựng kế hoạch thì sẽ không thể hình dung được.
Mỗi năm học, kế hoạch này phải được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật... và phương pháp tổ chức hoạt động để phù hợp với kiến thức. Tổ chức, sắp xếp lại nội dung từng bài, từng chương, thậm chí là từng khối, ví dụ trong một bài, phần kiến thức đang ở phần B nhưng nếu không thấy phù hợp có thể đẩy sang phần C, và ngược lại.
Hoặc trong chương đó, bài này đang ở bài cuối nhưng có thể đẩy lên bài trên cùng. Hiện nay trường chúng tôi có một số bộ môn, chương trình đang ở lớp 12 nhưng được đẩy lên lớp 10, hoặc bài ở lớp 11 đẩy xuống lớp 12, để làm sao phù hợp, đảm bảo mạch logic kiến thức của thầy cô và phù hợp với đối tượng học sinh .
Với các bài có nội dung tương tự giống nhau, giáo viên sẽ lựa chọn để thành chủ đề, đồng thời khuyến khích dạy chủ đề đó ở bên ngoài lớp học, đưa học sinh đi trải nghiệm. Theo tôi vấn đề này cởi mở, cho phép các nhà trường sáng tạo, nhất là khi kết hợp với điều đầu tiên loại bỏ kiến thức cũ.
Những kiến thức trùng lặp nhau, ví dụ môn Hóa có, môn Lý cũng có, trên cơ sở đội ngũ và hiệu trưởng quyết định phân công giáo viên môn Lý hay Hóa sẽ dạy phần kiến thức đó. Cũng có thể đưa những kiến thức trùng nhau vào chủ đề liên môn".
Học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa với hoạt động chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3. Ảnh: NVCC. |
Cô Nhiếp chia sẻ: "Kế hoạch giáo dục nhà trường như một cái khung, với 29 tiết trong một tuần thì ban giám hiệu dự định thế nào.
Ví dụ: Môn Khoa học tự nhiên với 2 tiết/tuần, và để cho sâu thêm tôi chọn thêm cụm chuyên đề là Lý, Hóa, Sinh. Mỗi một chương trình bộ môn, bên cạnh đó có một chương trình chuyên đề.
Ở lớp Khoa học tự nhiên lấy Lý, Hóa, Sinh làm chủ lực thì chuyên đề cũng nên lấy Lý, Hóa, Sinh. Hai tiết bộ môn và một tiết chuyên đề, giáo viên cần đọc lại và định ra cái nào dạy trên lớp, và cái nào dạy theo hướng trải nghiệm.
Tôi thấy Bộ cũng đã linh hoạt, nhưng các nhà trường phải làm thì mới ra được vấn đề. Ví dụ một tiết Lý, Hóa, Sinh được đưa ra bên ngoài trải nghiệm, lúc này giáo viên cần bàn với nhau xem 3 tiết dạy trải nghiệm bên ngoài đó có mối liên hệ gì với nhau, và từ đó xây dựng chuyên đề liên môn. Như vậy, trong một lần học sinh đi trải nghiệm, các em được luôn kiến thức của cả 3 môn đó, và làm liên môn như vậy đúng theo xu hướng thế giới.
Chương trình này của Bộ cũng như vậy, là liên môn, là tích hợp để giải quyết một vấn đề gì đó. Học sinh đi đến đâu là các con nhìn thấy ngay, được học cả một cụm kiến thức. Ví dụ: Đến một làng nghề đâu chỉ có vấn đề về môn Lý, có thể có thêm kiến thức Hóa ở chỗ này, Sinh học ở chỗ kia, rồi môi trường đất cũng là kiến thức Địa lý, phản ứng hóa học,…tất cả đều có trong mỗi tiết học trải nghiệm”.