Những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới về phương pháp, hoạt động dạy học và đặc biệt là sự thay đổi mang tính toàn diện từ chương trình 2006 sang chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học phổ thông.
Song, bên cạnh những điểm mới và một số thành quả đạt được thì những bất cập, hạn chế cũng đang tồn tại đan xen. Đó là tình trạng dạy thêm, học thêm chính khóa đang diễn ra ở tất cả các cấp học phổ thông và nhiều nhất là những trường đô thị và những lớp chuẩn bị thi chuyển cấp.
Đặc biệt, bệnh ngụy thành tích cũng đang là bước cản cho sự phát triển giáo dục khi mà tỉ lệ học sinh giỏi, khá ngày càng nhiều nhưng bản chất của sự việc này nhiều khi lại không tương đồng với tỉ lệ mà các nhà trường đã thể hiện trên các con số.
Một bộ phận học sinh ở các trường phổ thông mất dần đi tính tự học - cho dù ngành giáo dục đang hướng tới phát triển phẩm chất năng lực của học trò bởi có nhiều học sinh ỉ lại vào học thêm, vào thành tích của nhà trường nên dù cho một số học sinh không cần học, không cần cố gắng thì các em cũng sẽ đạt điểm cao, thậm chí là được khen thưởng về thành tích học tập.
Học thêm và bệnh ngụy thành tích đang làm méo mó ngành giáo dục (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN) |
Chính vì thế, một khi mà bệnh ngụy thành tích còn lởn vởn trong các nhà trường, các trung tâm gia sư, các lớp học thêm ở nhà thầy cô còn rộn ràng tiếng học trò hằng ngày thì có lẽ việc đổi mới giáo dục và hướng tới chất lượng thật của việc dạy và học vẫn còn gian nan ở phía trước.
Đổi mới giáo dục có thành công khi dạy thêm chính khóa tràn lan và thầy cô giáo còn chi phối bởi chỉ tiêu được giao?
Sự vận động và phát triển của xã hội đòi hỏi mọi người, mọi ngành phải thay đổi mới có thể phù hợp với thực tế và ngành giáo dục cũng không nằm ngoài quy luật này. Tuy nhiên, những đổi mới của giáo dục nước nhà trong những năm qua có phần còn manh mún và rời rạc nên “đổi” thì nhiều mà “mới” chẳng bao nhiêu.
Từ đó, dẫn đến nhiều khó khăn cho đội ngũ nhà giáo và việc triển khai các kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Lấy ví dụ về việc thi cử của ngành giáo dục trong những năm qua thì chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những bất cập nhất định. Đó là Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (trước đây) và Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hiện nay) cũng thấy được sự xáo trộn liên tục trong nhiều năm qua.
Hay, kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay ở các địa phương cho thấy nó chưa định hình được rõ nét và chưa có tính ổn định lâu dài. Các kế hoạch tuyển sinh 10 của các tỉnh hiện nay rất khác nhau - dù toàn ngành đang dạy và học một chương trình, một bộ sách giáo khoa.
Thế nhưng, trong kỳ thi tuyển sinh 10 thì có tỉnh lấy điểm hệ số 2 đối với môn Văn và môn Toán, môn Ngoại ngữ hệ số 1; có tỉnh thì tất cả các môn thi tính hệ số 1; có tỉnh thì thi 2 môn; có tỉnh thi 3 môn; có tỉnh thi 3 môn cộng với tổ hợp; có tỉnh thì chủ yếu xét tuyển và tổ chức thi tuyển đối với một số trường có tỉ lệ chọi cao.
Sự thay đổi liên tục và có phần chủ quan như vậy khiến cho học sinh rối, nhà trường cũng rối và tất nhiên việc dạy thêm càng có cơ hội phát triển nhiều hơn.
Tâm lí chung của học sinh, phụ huynh là lo lắng về kết quả học tập, thi cử và rất tin nhà trường, thầy cô giáo nên khi nhà trường hay giáo viên mở lớp học thêm thì học trò sẽ đăng ký học thêm.
Vòng xoáy dạy thêm, học thêm từ nhà trường đến nhà thầy cô giáo, đôi lúc vòng vèo qua các trung tâm gia sư khiến cho nhiều học sinh tối mắt, tối mũi với học thêm. Học thêm nhiều, học đi học lại các đơn vị kiến thức khiến cho nhiều em chai lì khi tiếp cận với các bài học trên lớp.
Nhiều em mất dần đi tính tự chủ trong học tập và khám phá kiến thức mới bởi các em đã có thầy cô trợ giúp trong các buổi học thêm.
Bởi lẽ, học sinh đăng ký và tham gia học thêm chính khóa ở nhà trường, ở nhà thầy cô giáo đang dạy chính các em trên lớp thì không có lý do gì thầy cô lại cho học sinh điểm thấp trong kiểm tra. Nếu học thêm mà chất lượng không nâng lên thì phụ huynh nào cho con học thêm nữa.
Vì thế, những bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ trên lớp nhiều khi cũng chỉ là làm lại cho đúng danh nghĩa vì nhiều em học thêm đã được “làm nháp” ở nhà thầy cô từ những buổi học thêm.
Vậy nên, bệnh ngụy thành tích và học thêm nhiều khi có sự phối hợp nhịp nhàng, đều đặn nên cuối năm học thì điểm số học sinh cao, tỉ lệ học sinh giỏi, khá ở các nhà trường ngày càng nhiều hơn.
Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng cao, điểm những môn học mới cũng cao ngất ngưởng nhưng nhiều học sinh bây giờ thiếu đi những kỹ năng cần thiết, thiếu đi những kiến thức cơ bản của môn học, học xong thì gần như quên ngay những kiến thức mà mình đã học.
Cần triệt tiêu việc dạy thêm chính khóa tràn lan và hướng tới dạy thật, học thật
Việc dạy thêm, học thêm hiện nay chỉ cấm ở cấp tiểu học, còn cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì không cấm khi giáo viên, nhà trường và các trung cấp có giấy phép của cơ quan chức năng.
Nhưng, giấy phép thì bây giờ có khó khăn gì đâu, trường nào, giáo viên nào muốn dạy thêm mà không xin được giấy phép. Giáo viên tiểu học cũng dạy thêm bình thường…
Thậm chí trong 2 năm học qua dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp nơi nhưng một bộ phận giáo viên ở các trường trường vẫn thậm thụt dạy thêm online.
Việc giáo viên dạy thêm online cho chính học sinh trên lớp họ đang giảng dạy chính khóa nhà trường có biết không? Chúng tôi cho rằng nhà trường biết, đồng nghiệp cũng biết rất rõ vì khi giáo viên môn khác cần dạy bù thì học sinh nói buổi đó, tiết đó học thêm môn gì…
Thế nhưng, Ban giám hiệu nhà trường vẫn lờ đi để chất lượng giáo dục của trường sẽ tốt hơn. Đồng nghiệp vẫn lờ đi vì đó không phải là chuyện của mình…Vì thế, dạy thêm chính khóa vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục.
Dạy thêm nhiều, học thêm nhiều tất nhiên là điểm số sẽ cao hơn bởi giáo viên dạy thêm cho chính học trò của mình chẳng lẽ chất lượng lại đi xuống. Khi thi cử thì bên cạnh việc trang bị kiến thức cơ bản, giáo viên phải có những chiêu luyện đề để học sinh nắm bắt các kỹ năng thi cử.
Vòng xoáy của dạy thêm chính khóa, bệnh ngụy thành tích ở nhiều trường học vì thế mà cứ song hành bên nhau và nó đang làm cho ngành giáo dục thêm nhiều góc khuất. Mất đoàn kết nội bộ cũng có một phần từ dạy thêm, lôi kéo học trò của nhau mà ra.
Khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thì lãnh đạo Bộ và các thầy viết chương trình nói chương trình mới giảm tải về môn học, giảm độ khó về kiến thức, học sinh chỉ học những kiến thức thực tế chứ không còn kiến thức hàn lâm…
Nếu đúng như vậy thì Bộ cần thiết ban hành văn bản cấm tiệt dạy thêm học sinh chính khóa để môi trường giáo dục được lành mạnh thì mới hướng tới được việc dạy thật, học thật. Bởi chương trình đã giảm tải mà nhà trường, giáo viên vẫn dạy thêm, học sinh vẫn học thêm thì có phải là mâu thuẫn hay không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.