Bắt nguồn từ bệnh thành tích
Những luận án tiến sĩ “không xứng tầm” đang khiến dư luận bức xúc về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết: “Qua theo dõi, tôi thấy các luận án mà dư luận phản ánh quả đúng là quá nhiều vấn đề băn khoăn. Bởi, theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo có yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải có giá trị gia tăng tri thức khoa học ở lĩnh vực nghiên cứu, hoặc đề xuất ý tưởng giải pháp mới giải quyết những vấn đề trong tình hình thực tiễn. Nhưng với những đề tài như dư luận đã phản ánh vừa qua thì nhiều ý kiến chuyên gia đều đánh giá là không xứng tầm, giá trị đóng góp cho xã hội là một dấu hỏi lớn”.
Rõ ràng, một luận án muốn bảo vệ thành công thì nghiên cứu sinh phải học qua chương trình đào tạo và bảo vệ qua rất nhiều vòng, quy trình rất chặt chẽ. Thế mà vẫn để “lọt lưới” những luận án như vậy, chứng tỏ, công tác đào tạo và thẩm định của chúng ta đang có vấn đề".
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nữ Đại biểu cho rằng: “Chuyện không đảm bảo chất lượng của các luận án tiến sĩ, theo tôi, đầu tiên do bắt nguồn từ bệnh thành tích. Bởi vì, chúng ta cứ đua nhau chạy theo thành tích, nên mới nảy sinh ra nhiều vấn đề.
Đặc biệt, hiện nay, không chỉ xuất hiện bệnh thành tích trong môi trường giáo dục (tại các nhà trường), như lâu nay chúng ta vẫn đề cập, mà ngay cả trong các cơ quan hành chính cũng có hiện tượng này, đã có bằng cấp để đáp ứng yêu cầu công việc rồi, nhưng vẫn “chạy đua”, tậm niệm phải có bằng cấp cao hơn, cao hơn nữa. Tiếc là điều đó lại không xuất phát từ yêu cầu công việc.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: NVCC). |
Chẳng hạn, như ở nhiều nước trên thế giới, bằng tiến sĩ chỉ tập trung cho giới nghiên cứu khoa học, hoặc giảng dạy ở bậc đại học trở lên. Tức là đối với những người cần thiết phải học lên cao, phải nghiên cứu sâu, thì sẽ làm luận án tiến sĩ. Còn lại, đối với các đối tượng khác, ví dụ như công tác trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, thì bằng tiến sĩ nhiều khi không có nhiều ý nghĩa. Bởi vì, theo quy định bổ nhiệm, những học hàm, học vị đó không cần thiết.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, có một hiện tượng, người ta cứ ngầm hiểu với nhau rằng, càng bằng cấp cao càng tốt. Trong khi đó, có trường hợp, bằng tiến sĩ lại không liên quan gì đến công việc hằng ngày của người đi làm tiến sĩ. Chỉ vì quan niệm, “cứ có bằng cấp cao là oai”, nên mới tréo ngoe như vậy...
Và trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nhiều khi cũng chạy theo điều đó. Thực tế, bổ nhiệm cán bộ thì phải dựa trên năng lực thực tế của con người; còn bằng cấp thì đương nhiên chỉ cần đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm là được, không nhất thiết là phải có bằng cấp cao nhất. Bởi vì, bằng cấp cao nhất đôi khi cũng không liên quan gì đến công việc, và cũng chưa thể hiện rõ năng lực của con người”.
“Tôi cho rằng, xuất phát từ bệnh thành tích, nên dẫn đến rất nhiều người có nhu cầu, đi học, mà lại có chuyện, đã đi học tiến sĩ là phải bảo vệ thành công, luận án nào cũng hoàn thành xuất sắc. Thêm vào đó, việc đào tạo cũng tràn lan, không ít cơ sở lấy số lượng tiến sĩ đã đào tạo được như một sự đảm bảo về chất lượng...” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề tiêu cực nảy sinh từ học vị tiến sĩ, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp) cũng chỉ ra, ngay cả đến vấn đề học hàm cũng đang bị lạm dụng: “Đáng lẽ, học hàm chỉ liên quan đến lĩnh vực đào tạo, chỉ dành cho những người tham gia công tác đào tạo tại cơ sở giáo dục, đào tạo. Nhưng có một hiện thực đáng buồn đó là rất nhiều người đi dạy “lấy vì”, dạy cho có, để chạy chọt lấy học hàm. Đây là “học giả” mà giả theo đúng nghĩa đen.
Thậm chí, những chức danh trong bộ máy hành chính cũng “đua nhau” lấy học hàm. Đó là một sự tệ hại rất đáng báo động, vì sẽ làm hỏng giáo dục ở trình độ cao”.
Có chuyện Chủ tịch hội đồng đề nghị cho điểm sát nhau?
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên nhân khiến luận án tiến sĩ không có giá trị như dư luận đang phản ánh, do ngoài cách chọn đề tài của nghiên cứu sinh, còn do cách hướng dẫn và phê duyệt của người hướng dẫn và hội đồng khoa học.
Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng không ngần ngại chia sẻ: “Tôi từng ngồi những hội đồng thẩm định tồn tại rất nhiều vấn đề, có cảm giác như các thành viên ngồi đó cho có, luận án nào cũng nói dăm câu ba điều rồi cho qua.
Thậm chí, còn có chuyện thế này: Một lần, tôi gặp trường hợp nghiên cứu sinh bảo vệ luận án mà còn không hiểu gì về nội dung đang bảo vệ, thậm chí quan niệm sai cơ bản, tôi cũng không hiểu vì sao vẫn qua được hết cấp nọ cấp kia để cho ra bảo vệ. Cho nên, tôi cho luận án ấy 4 điểm.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn chia sẻ, có tiêu cực trong chuyện đánh giá của hội đồng. |
Lúc này, Chủ tịch hội đồng quay sang thuyết phục tôi thế này: “Anh ơi, chỉ có những nghiên cứu sinh không nói sõi tiếng Việt thì mới cho đến điểm 7 là thấp nhất, còn lại là hội đồng cho 9 điểm trở lên... Thôi thì anh chấm điểm cho sát với hội đồng”... Đó, còn có chuyện như thế cơ mà!”.
“Cũng có một thực tế nữa vẫn còn tồn tại, đó là, nhiều thành viên được ngồi vào ghế hội đồng là do có sự “đôn lên”, nên có sự nương nhau, nể nhau, nhận tiền của nghiên cứu sinh, nên toàn cho điểm từ 9 phẩy trở lên.
Còn người trong hội đồng mà có tâm, trung thực, dám phản biện thực chất, thì lập tức lần sau sẽ không được mời nữa. Đó là một thực tế rất đáng buồn!” - Tiến sĩ Lê Hồng Sơn bày tỏ.
Thẩm định lại chỉ mang ý nghĩa đối phó
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá: “Động thái Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thẩm định lại các luận án tiến sĩ đang gây ồn ào dư luận, theo quan điểm của tôi là không có nhiều ý nghĩa, mà chỉ có tính chất trấn an dư luận.
Bởi công tác thẩm định vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thường xuyên, theo kế hoạch hằng năm với một tỉ lệ nhất định đối với các luận án được bảo vệ thành công.
Chẳng lẽ, trong công tác thẩm định thường xuyên đó, Bộ không phát hiện điều gì bất thường? Hay xác suất ngẫu nhiên những luận án được thẩm định đều là luận án tốt, còn các luận án dư luận phản ánh bị “lọt lưới”? Điều này rất khó tin khi năm nào cũng thẩm định không phát hiện bất thường nhưng khi dư luận lên tiếng lại thẩm định.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chưa có thông báo rõ ràng về việc thẩm định xong thì phải làm gì tiếp theo, hay thẩm định xong để đó...
Và điều quan trọng nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể mãi chạy theo dư luận, cứ dư luận phản ánh đến đâu thì thẩm định lại đến đó. Bởi, dư luận cũng chỉ có thể phát hiện ra số ít luận án, tôi cho rằng, đây cũng chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ. Vậy còn những luận án mà người dân chưa có điều kiện tiếp cận thì sao? Một tháng, có bao nhiêu luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công, dư luận cũng không thể tiếp cận hết 100% những luận án đó”.
Chính vì vậy, theo vị Đại biểu, điều cần nhất là các giải pháp để chấn chỉnh chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học: “Tôi cho rằng, điều đó không chỉ nằm ở sự thẩm định, mà cần có sự nhìn nhận, đánh giá thực sự nghiêm túc, có sự chấn chỉnh trong công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, công tác thẩm định”.
“Để giải quyết được thực trạng này, chúng ta cần những giải pháp căn cơ, giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề.
Khi có ý kiến về những luận án mà theo đánh giá của số đông là không xứng tầm, không đạt chất lượng, tôi đã đọc lại các văn bản quy định về chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng. Có thể nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một hệ thống văn bản khá chặt chẽ và đầy đủ để quy định về nội dung này.
Vậy hành lang pháp lý đã có, vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề nằm ở khâu tổ chức, thực hiện không nghiêm. Nghĩa là những quy định này “chỉ nằm trên giấy”, chưa áp dụng được vào thực tiễn. Chính vì vậy, giải pháp căn cơ là phải thực hiện cho đúng, cho nghiêm, mà muốn vậy, phải gắn trách nhiệm cho cá nhân và tổ chức.
Tôi lấy ví dụ, đối với mỗi nghiên cứu sinh, có ít nhất một người hướng dẫn, và để bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ, phải qua rất nhiều vòng khác nhau, mà vẫn để xảy ra tình trạng luận án tiến sĩ không đạt yêu cầu cũng được bảo vệ thành công, thì phải quy trách nhiệm rất lớn cho người hướng dẫn và cả hội đồng. Không thể để tình trạng, ai làm nghiên cứu sinh cũng bảo vệ thành công, ai cũng được đánh giá tốt và xuất sắc, đó là một việc cực kỳ vô trách nhiệm với nền giáo dục đào tạo, với nền học thuật nước nhà.
Để những luận án không chất lượng như thế được bảo vệ thành công, vô tình còn “bóp chết” cả những công trình khoa học nghiêm túc. Bởi vì, có một sự đánh đồng, như một sự xúc phạm đối với những người học hành và nghiên cứu chân chính.
Đồng thời, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, thấy những luận án không đảm bảo chất lượng, thì không chỉ có hình thức xử lý với nghiên cứu sinh đó, mà phải quy trách nhiệm của cả cá nhân người hướng dẫn, các thành viên trong hội đồng thẩm định, và của cả cơ sở đào tạo. Phải làm thật kiên quyết, thì mới hy vọng sau này, có sự nghiêm túc thực sự đối với việc đào tạo tiến sĩ và công tác nghiên cứu khoa học” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề cập.