Để lọt luận án vô bổ: Có nên tước học hàm, học vị người hướng dẫn/thành viên HĐ?

12/05/2022 06:40
Ngân Chi
GDVN- Theo các chuyên gia, để “lọt” một luận án nghiên cứu “không có ý nghĩa”, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Vậy làm sao để ngăn chặn?

Muôn vàn hệ lụy

Câu chuyện về những luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu được đánh giá là dưới tầm, không có ý nghĩa đang gây nhiều tranh luận và bức xúc trong dư luận, giới trí thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, để “lọt” những đề tài như vậy, người hướng dẫn, hội đồng thẩm định mà cụ thể ở đây là Chủ tịch hội đồng phải chịu trách nhiệm.

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) chỉ ra: “Một khi đề tài đề xuất không đạt mà vẫn được thông qua, thì trách nhiệm thuộc về người tư vấn và đánh giá. Tùy từng cấp độ mà người chịu trách nhiệm khác nhau, tuy nhiên, khi đã xảy ra việc đề tài không đạt yêu cầu mà vẫn duyệt thì trách nhiệm của người duyệt đề tài là rất lớn”.

Đề cập đến hệ lụy của những luận án tiến sĩ được đánh giá là rập khuôn, phạm vi nhỏ hẹp, không có nhiều ý nghĩa với nghiên cứu khoa học, Phó giáo sư Bùi Thị An cho rằng: “Có muôn vàn hệ lụy có thể nảy sinh từ những luận án chưa tương xứng như vậy. Có thể kể đến, đầu tiên là lãng phí. Những đề tài không có ý nghĩa thì khó mà có đóng góp được gì cho xã hội, điều đó là quá lãng phí.

Ngoài ra, với một tư duy, trình độ như thế, những tiến sĩ ấy lại mang kiến thức đó có thể là đi giảng dạy, sẽ trực tiếp ảnh hưởng xấu đến chất lượng học tập, nghiên cứu của những đối tượng được họ truyền đạt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Ảnh: quochoi.vn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, còn nguy hiểm ở chỗ, bản thân những người được công nhận là tiến sĩ qua những luận án như vậy, lấy bằng cấp để “thăng quan tiến chức”, rồi có khi sau này chính họ lại trở thành thành viên hội đồng tham gia tư vấn, đánh giá và thông qua tiếp các đề tài luận án tương tự....

Nếu tiếp tục dung túng cho những nghiên cứu sinh như vậy, sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền, hệ lụy vô cùng lớn đối với xã hội”.

Trao đổi thêm về hệ lụy của những đề tài luận án tương tự, Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân (Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) bổ sung: “Hệ lụy với chất lượng của nghiên cứu sinh đã quá rõ ràng. Còn hệ lụy đối với những người hướng dẫn, những thành viên trong hội đồng phê duyệt, chắc chắn, nếu để “lọt” nhiều đề tài nghiên cứu không có ý nghĩa, không có nhiều hàm lượng khoa học, thì sẽ rất dễ bị dư luận xem thường. Người ta có thể nghĩ rằng, những người này làm việc thiếu nghiêm túc, dẫn đến mất niềm tin...”.

Để không còn những luận án tiến sĩ “hụt tầm”

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, để có những luận án tiến sĩ thực sự chất lượng, cần có một hội đồng tư vấn, đánh giá có trình độ và phẩm chất.

“Trước hết, hội đồng tư vấn, đánh giá các đề tài luận án tiến sĩ phải là những người hiểu rõ về chuyên môn đề tài đang góp ý, không phải cứ cử thành viên có học hàm, học vị nhưng không hiểu về lĩnh vực ấy, thì dù tâm huyết cũng không có tác dụng gì.

Đặc biệt, thành viên hội đồng cũng phải là những người làm việc có nguyên tắc, dựa trên các cơ sở khoa học, chứ không thể xuề xòa, qua loa... Tôi từng thấy, có rất nhiều đề tài nghiên cứu không có ý nghĩa gì mà cũng được duyệt, làm xong chỉ để trong tủ, không thể đưa ra ứng dụng bên ngoài” - Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân đề cập.

Bên cạnh đó, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cũng phân tích: “Nếu tiếp tục “thả nổi”, tiếp tục để tình trạng tương tự tồn tại, chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam cuối cùng sẽ không đi được đến đâu. Vô tình tiếp tay cho tình trạng “bằng cấp thì mang danh là thật, nhưng chất lượng thì lại là giả”, càng để lâu, lĩnh vực nghiên cứu càng không chất lượng.

Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cho biết, ông từng bắt gặp nhiều đề tài nghiên cứu không có ý nghĩa mà cũng được duyệt, làm xong chỉ để trong tủ, không thể đưa ra ứng dụng bên ngoài. (Ảnh: NVCC).

Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cho biết, ông từng bắt gặp nhiều đề tài nghiên cứu không có ý nghĩa mà cũng được duyệt, làm xong chỉ để trong tủ, không thể đưa ra ứng dụng bên ngoài. (Ảnh: NVCC).

Để siết chặt hoạt động trên và nâng cao chất lượng tiến sĩ, tôi cho rằng, phải có những chế tài thực sự nghiêm minh. Nghiên cứu sinh khi lựa chọn đề tài làm luận án, chí ít cũng phải chú trọng đến những nội dung liên quan đến các vấn đề mà đất nước đang cần, đang thiếu, còn những đề tài không phục vụ mục đích gì thì không nên làm. Mà đã làm là phải làm cho nghiêm túc, chỉn chu, học thật, nghiên cứu thật, chứ không phải đi sao chép luận án của người đi trước.

Đồng thời, người hướng dẫn và hội đồng đánh giá cũng cần phát huy hết vai trò, không thể dễ dãi thông qua đề tài, để rồi, cho ra đời những luận án “có cũng như không”, những tiến sĩ “rởm”...

Trước đây, tôi cũng đã từng bắt gặp những đề tài “nực cười” tương tự một số đề tài vừa qua được dư luận, giới khoa học phát hiện, nhưng bản thân là người duyệt đề tài, tôi phải ngăn chặn ngay, không thể để những đề tài như vậy trở thành luận án tiến sĩ được. Có những đề tài, nếu như tôi muốn làm và giữ được danh tiếng, thì có thể sẽ phải dành quá nhiều thời gian để sửa và phải sửa gần như toàn bộ... Chính vì vậy, tôi đã trả lại và yêu cầu thực hiện một luận án với đề tài khác”.

Từ những phân tích trên, vị nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nhấn mạnh: “Thậm chí, tôi được biết, từng có tình trạng, do người hướng dẫn và hội đồng thẩm định đề tài cấu kết với nhau nên để “lọt” những đề tài kém chất lượng.

Chính vì vậy, để siết chặt, phải trực tiếp giao trách nhiệm cho người hướng dẫn, cho hội đồng và người trực tiếp phê duyệt, để khi phát hiện ra sai phạm, có thể xử lý triệt để. Thậm chí, nếu để những đề tài như vậy xuất hiện nhiều lần, có thể tước học hàm, học vị của người hướng dẫn hay thành viên hội đồng.

Chúng ta cần chế tài đối với những người làm ẩu, những người đang khuyến khích học giả... Có như vậy, từ những căn cứ, tài liệu tham khảo đã có, chúng ta mới có được những nghiên cứu, cải tiến, mới đóng góp thêm cho kho tàng khoa học của đất nước, của nhân loại”.

Đồng tình với quan điểm đó, Phó giáo sư Bùi Thị An cũng cho rằng: “Để ngăn chặn những tiêu cực trong việc nghiên cứu luận án tiến sĩ, cần truy trách nhiệm rõ ràng. Người nào phê duyệt thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu vì không có trình độ mà phê duyệt thì cũng cần thay người có đủ năng lực; nếu có đủ trình độ nhưng lại bị tác động bởi những tiêu cực, vì lợi ích cá nhân mà thông qua thì lại càng phải thay đổi. Hội đồng tư vấn, đánh giá cũng quan trọng nhưng người đứng đầu trực tiếp phê duyệt có tính chất quyết định, cần phải chịu trách nhiệm lớn nhất”.

Ngân Chi