Dạy Âm nhạc, Nghệ thuật đầu tư rất tốn kém, nếu không đáp ứng HS sẽ nhanh chán

11/06/2022 06:30
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thầy Hòa nói: "Từng cơ sở giáo dục có thể lựa chọn một số tổ hợp trong 108 tổ hợp môn, nhưng dù chọn thế nào, chia ra sao cũng phải bảo đảm được ba nguyên tắc".

Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Khác với quan điểm tích hợp ở cấp học dưới, ở bậc trung học phổ thông, chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Nếu tính hết các phương án chọn môn học và chuyên đề thì có thể có đến 108 cách lựa chọn. Trong đó sẽ có những môn, tổ hợp môn rất ít học sinh chọn, ngược lại có môn, tổ hợp môn rất nhiều học sinh chọn. Điều này dẫn tới lo ngại: giáo viên một số môn học có thể bị thừa hoặc ít việc, các trường có thể không đáp ứng được nhu cầu quá ít của học sinh; hoặc có những giáo viên sẽ bị quá tải, tiền trả thừa giờ cho giáo viên có thể đội lên chóng mặt, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: T.D.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Để tìm hiểu về việc các trường thực hiện phân chia tổ hợp môn lựa chọn ra sao, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Thầy Hòa cho rằng, việc chia 108 tổ hợp môn là cách mà Bộ hướng dẫn các nhà trường, từng cơ sở giáo dục có thể lựa chọn một số tổ hợp trong 108 tổ hợp đó, nhưng dù chọn thế nào, chia ra sao cũng phải bảo đảm được ba nguyên tắc.

Thứ nhất, bảo đảm được giáo dục toàn diện, không đặt nặng vào môn nào.

Thứ hai, phải thực hiện, giúp học sinh lựa chọn, tôn trọng sự lựa chọn của học sinh, có phù hợp với năng lực của bản thân thì mới giúp học sinh phát triển được.

Thứ ba, phải quan tâm đến định hướng nghề nghiệp bởi cấp trung học phổ thông là định hướng nghề nghiệp, vậy định hướng đó phải được thể hiện rõ, gắn với việc học sinh lựa chọn.

"Các cơ sở giáo dục sẽ tùy theo cơ sở vật chất, kinh phí cho phép, theo năng lực đội ngũ mà nhà trường đang có để lựa chọn các mô hình tổ hợp thích hợp mà Bộ đưa ra. Cũng có thể từng nhà trường có mô hình riêng nhưng phải đảm bảo được ba nguyên tắc trên.

Tôi vẫn quan niệm mô hình Bộ đưa ra là hướng dẫn để các trường tham khảo. Về phía nhà trường chúng tôi cũng đã lắng nghe những dự kiến của Bộ, đồng thời, ban giám hiệu đã đưa ra định hướng riêng qua tìm hiểu ý kiến của học sinh, chuẩn bị đội ngũ một cách kĩ lưỡng, đặc biệt với những môn như Tin học, Âm nhạc, Nghệ thuật.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chia ra mô hình các môn lựa chọn với 20 lớp 10 theo ba nguyên tắc:

Môn Lịch sử đưa vào học 100%, cho dù là môn lựa chọn hay bắt buộc thì lớp nào cũng có môn học này. Nhà trường bố trí hợp lí giữa các môn Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lý, Hóa. Việc chia này giúp cho môn Lý, Hóa không bị “lép vế”, đặc biệt đội ngũ các thầy cô dạy những môn này không bị thuyên giảm công việc.

Việc “cài” Sử, Địa, Lý; hoặc Sử, Địa, Hóa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật nhằm đảo bảo được các môn Lý, Hóa có 60%; Môn Lịch sử là 100%; Địa và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 80%; Âm nhạc, Nghệ thuật, Tin học là 40% học sinh lựa chọn.

Việc chia tổ hợp môn như vậy là chúng tôi đã tham khảo rất kĩ các tổ hợp xét tuyển của các trường đại học, giúp học sinh hoàn toàn yên tâm không bị lệch”.

Theo thầy Hòa: "Nếu để học sinh lựa chọn một cách tự do, theo tôi phải đến mấy trăm tổ hợp, và như vậy không có một trường nào đáp ứng được". Ảnh minh họa. T.D.

Theo thầy Hòa: "Nếu để học sinh lựa chọn một cách tự do, theo tôi phải đến mấy trăm tổ hợp, và như vậy không có một trường nào đáp ứng được". Ảnh minh họa. T.D.

Nhà trường định hướng tổ hợp môn, như vậy có áp đặt?

Thầy Hòa cho biết: “Bộ đã nói nguyên tắc việc xây dựng mô hình dựa trên cơ sở đội ngũ, cơ sở vật chất bởi những yếu tố quyết định, nhưng theo tôi các nhà trường cũng không nên đặt quá nặng vào việc đó hoàn toàn, phải cố gắng xây dựng đội ngũ để bảo đảm việc giáo dục toàn diện, tính hướng nghiệp, mua sắm trang thiết bị, giúp học sinh được lựa chọn đến mức tối đa.

Nếu để học sinh lựa chọn một cách tự do, thì có lẽ còn vượt trên cả 108 tổ hợp, như vậy không có trường nào đáp ứng được. Chính vì thế các nhà trường cần có những định hướng, chia thành từng tổ hợp như Khoa học xã hội, tổ hợp Khoa học tự nhiên, tổ hợp Âm nhạc Mỹ thuật,…giúp cho học sinh định hướng phát triển nghề nghiệp.

Quyền lựa chọn của học sinh nhưng cần phải dựa trên cơ sở thực tế, không phải học sinh thích kiểu gì cũng được, bản thân các em ở lứa tuổi 15 cũng chưa định hướng được nghề nghiệp, chưa ý thức việc chọn môn học phù hợp. Việc này phải cân đối và hài hòa, quán triệt nguyên tắc giáo dục toàn diện, nếu không sẽ bị học lệch.

Giáo dục toàn diện phải được cân đối, ví dụ: 60% chọn Khoa học xã hội, 40 % chọn Khoa học tự nhiên, và trong 40% đó học sinh chọn những môn yêu thích nhất. Không để đến mức độ 80% các môn Khoa học xã hội và 20% Khoa học tự nhiên, như vậy là lệch, giáo dục không hài hòa, để học sinh lựa chọn nay thích môn này, mai lại thích môn khác, nhiều môn tưởng là dễ nhưng khi học mới thấy khó, rồi lại nản bỏ giữa chừng, như vậy không ổn chút nào. Chính vì vậy nhà trường và các thầy cô phải hướng dẫn, định hướng chứ không phải nhà trường áp đặt”.

Thầy Hòa nhận định: “Việc triển khai chương trình mới này, tôi khá băn khoăn khi các trường công lập với đội ngũ có hạn, biên chế thầy cô có thay đổi cũng phải đợi vài năm, chính vì vậy họ cũng chưa chuẩn bị được nhiều, nên trước mắt các nhà trường có cái gì thì làm cái đó cho phù hợp nhưng vẫn phải đáp ứng được 3 nguyên tắc, thể hiện giáo dục toàn diện, định hướng nghề nghiệp, cố gắng tối đa đáp ứng lựa chọn của học sinh.

Tôi nghĩ sau vài năm mọi việc sẽ vào nếp, học sinh cũng sẽ quen với việc lựa chọn tổ hợp môn học, lứa trước truyền kinh nghiệm cho lứa sau và sẽ dần định hình được một số tổ hợp chính. Còn với năm đầu tiên này chắc chắn sẽ có những lúng túng cả về phía nhà trường và học sinh.

Một điều nữa mà các nhà trường công lập sẽ gặp khó khăn, bởi hầu hết đều đang có sẵn đội ngũ thầy cô dạy các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, gần như chưa có đội ngũ thầy cô dạy các môn Nghệ thuật, Âm nhạc, Tin học, Công nghệ, dẫn đến khả năng triển khai dạy những môn này rất ít. Nếu như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp ở cấp Trung học phổ thông theo chương trình của Bộ đã đề ra.

Hơn nữa, nếu triển khai dạy những môn học này thì chi phí sẽ rất lớn. Ví dụ: Với trường chúng tôi, riêng đội ngũ thầy cô dạy Âm nhạc nếu đủ sẽ phải chi phí gấp ba lần với chi phí cho đội ngũ các thầy cô dạy môn bình thường, đầu tư chi phí về nhạc cụ trong 3 năm nay mỗi năm đến hàng tỷ đồng, đội ngũ nhân lực cũng được chuẩn bị từ cấp tiểu học trở lên, nhưng với các trường công lập, việc này cần sự quan tâm của thành phố, của tỉnh, nếu không cuối cùng lại chỉ học lý thuyết là chính mà không có thực hành, như vậy học sinh sẽ nhanh chán.

Môn học Âm nhạc, Nghệ thuật phải đi liền với thực hành bởi nó gắn với định hướng nghề nghiệp sau này, có thể ra làm nghề được, còn nếu chỉ học lý thuyết sẽ rất nhàm chán, không bằng những môn học bình thường khác. Tôi cho đây là vấn đề rất khó bởi có trường học sinh lựa chọn môn học này ít, thậm chí có trường không học sinh nào chọn môn này”.

Thầy Hòa chia sẻ: “Làm gì thì làm, việc đầu tiên phải thực hiện được mục tiêu giáo dục, nhưng trong thực tế cần phải có đội ngũ và cơ sở vật chất, vì vậy việc triển khai khó có thể thực hiện được ngay một cách hoàn hảo. Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là sự đổi mới căn bản toàn diện, nhưng trong tình hình thực tế hiện nay, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, cũng như việc đào tạo đội ngũ chưa đi trước một bước, vì vậy còn nhiều khó khăn.

Nhưng đừng vì thế mà chúng ta đã vội vàng đánh giá ngay việc không hoàn thành mục tiêu là đã “vỡ trận”. Theo tôi việc này phải dần dần từng bước một, vừa thực hiện vừa điều chỉnh, tôi rất tin tưởng khả năng của các tỉnh, của Bộ sẽ có điều chỉnh hợp lý. Tôi hy vọng từ 3-5 năm, việc thực hiện chương trình này sẽ vào nếp”.

Tùng Dương