Liên quan đến việc học bạ đang chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều ý kiến lo ngại "phao" học bạ sẽ có tác động đến kết quả học tập của học sinh lớp 12. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu "học thật, thi thật" mà ngành giáo dục đang thực hiện.
Một số chuyên gia giáo dục kiến nghị cần có sự thống kê cụ thể và công khai số lượng thí sinh nhờ điểm học bạ mà đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông để có đánh giá toàn diện từ đó có giải pháp phù hợp.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, nếu để học bạ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông thì không có trường nào muốn học sinh của mình bị thiệt cả.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. |
"Thầy cô có thể sẽ cho đề kiểm tra, đề thi với nội dung dễ dàng, để học sinh có kết quả cao. Bản chất của cơ chế học bạ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông, đã làm cho các trường phải điều chỉnh theo kiểu có lợi cho học trò, kiểu như lách luật", Tiến sĩ Tùng Lâm cho hay.
Tiến sĩ Tùng Lâm cũng cho rằng, cơ cấu điểm học học bạ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp đã khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng có sự e ngại nhiều học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, học sinh sẽ được học theo modul, chuyên đề, các em muốn theo ngành nào sẽ phải có các chứng chỉ đi kèm. Có những chuyên đề mà học sinh vượt qua thì khi vào trường đại học sẽ không phải học.
Đối với các kì thi, thì họ có bộ phận chấm điểm và đánh giá riêng, học sinh có quyền thi lại cho đến khi nào thỏa mãn yêu cầu của họ. Điều này buộc các em phải học nghiêm chỉnh.
"Người dạy học phải đánh giá khách quan người học, để họ cố gắng đạt đến trình độ cần có chứ không phải vì điểm. Vì vậy, chúng ta phải làm sao có cơ chế để khuyến khích người học phải tự học, đạt đến một trình độ nhất định chứ không phải do ai bố trí cho", Tiến sĩ Tùng Lâm phân tích.
Trước quan điểm cho rằng, nên có thống kê tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông nhờ học điểm học bạ và so sánh chi tiết điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp có "độ vênh" như thế nào, Tiến sĩ Tùng Lâm cho hay, hiện nay, theo tôi được biết, Bộ Giáo dục cũng đã có công cụ này nhưng mang tính chất "báo động" cho nhà trường, chứ không phải để xử lí học sinh.
"Nếu điểm thi tốt nghiệp trung bình của học sinh cách 2-3 điểm so với học bạ, thì Bộ sẽ cảnh báo đến nhà trường. Việc thống kê này chưa được công khai, để mọi người biết về học lực thật của học sinh", thầy Lâm cho hay.
Mở rộng vấn đề, theo Tiến sĩ Tùng Lâm, để học thật, thi thật đúng thực chất thì ngoài việc bỏ điểm học bạ trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp thì cần giao quyền tự chủ cho các trường học, chịu trách nhiệm kết quả đào tạo.
Theo Thạc sĩ, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam hiện nay được sử dụng cho hai mục đích: xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học.
Về xét tốt nghiệp phổ thông, việc cơ cấu điểm điểm học bạ chiếm một phần trong điểm xét tốt nghiệp là một tín hiệu tốt, vì sẽ kết hợp được cả đánh giá tổng kết (thi tốt nghiệp) và đánh giá quá trình (điểm học bạ) của học sinh.
Các nền giáo dục khác nhau có những lựa chọn khác nhau về vấn đề này: ví dụ, học sinh trung học Mỹ chỉ cần tích lũy đủ số tín chỉ yêu cầu là tự động tốt nghiệp, nhận bằng mà không phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp nhưng học sinh của Anh, Úc, Canada phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp chung của cả nước hay của bang.
Các chương trình quốc tế như Cambridge hay Tú tài quốc tế (IB) cũng cho phép kết hợp giữa điểm đánh giá thường xuyên của giáo viên trực tiếp giảng dạy với điểm của kỳ thi chung.
"Mục đích chính của xét tốt nghiệp không phải để phân loại học sinh, mà là để công nhận việc hoàn thành 12 năm học phổ thông của học sinh, khi học sinh đáp ứng các yêu cầu phổ thông thì nên được tốt nghiệp", chuyên gia Khánh Nguyên cho hay.
Thạc sĩ Nguyên cũng cho rằng, có những địa phương với tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp lên đến 99%, thì trong tương lai chúng ta nên bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay vào đó là xét tốt nghiệp hoặc cấp giấy chứng nhận cho học sinh để tiết kiệm tiền bạc và thời gian.
Theo Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên, việc xét tuyển vào đại học lại có ý nghĩa khác, nó có tính phân loại về năng lực học thuật giữa các học sinh, cũng như chọn ra những thí sinh phù hợp nhất với một trường đại học cụ thể hay một ngành học cụ thể.
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên. (Ảnh: NVCC) |
Do vậy, các trường đại học có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp cùng với các tiêu chí, yêu cầu khác cho việc tuyển sinh vào trường. Điểm trung bình học bạ thường ít khi được dùng làm tiêu chí duy nhất để tuyển sinh vào đại học, vì cách đánh giá của các trường khác nhau, các giáo viên khác nhau có thể có sự khác biệt rất lớn, nên không thể sử dụng làm tiêu chí để so sánh giữa các học sinh với nhau.
"Điểm trung bình học bạ chỉ nên được sử dụng làm tiêu chí tham khảo", ông Nguyên cho hay.
Để so sánh giữa các học sinh, ở Mỹ thường yêu cầu học sinh tham gia kỳ thi phổ biến trên toàn quốc là SAT (hoặc ACT), ở Anh thì dùng điểm của kỳ thi quốc gia GCSE và A level, ở Úc dùng điểm ATAR. Có như vậy các quốc gia mới có thể so sánh được mức độ cao thấp của học sinh đến từ các trường, các địa phương khác nhau trong cả nước.