Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai ở bậc trung học phổ thông đối với lớp 10 từ năm học 2022 – 2023.
Tuy chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu năm học mới, nhưng vấn đề về việc bố trí, phân công giáo viên giảng dạy vẫn còn là một khó khăn lớn đối với nhiều trường trung học phổ thông.
Nhất là nguồn giáo viên giảng dạy môn lựa chọn, tự chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng dân tộc thiểu số hay Ngoại ngữ 2,… hiện vẫn còn thiếu nhiều.
Theo như chia sẻ của một số lãnh đạo các trường trung học phổ thông, ở thời điểm hiện tại, việc thuê giáo viên thỉnh giảng, dạy hợp đồng là phương án xử lí được lựa chọn để giải quyết tình hình hiện nay.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Bình (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay, nhà trường đã đưa ra kế hoạch về việc thuê giáo viên hợp đồng giảng dạy đối với một số môn học mới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch, muốn triển khai thực hiện cụ thể vẫn cần khảo sát về số lượng học sinh lựa chọn môn học sau khi tuyển sinh xong.
Nhưng nếu thuê giáo viên dạy hợp đồng hoặc thỉnh giảng thì không phải lúc nào và địa phương nào cũng có thể đáp ứng được đủ nguồn nhân lực, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, những vùng kinh tế còn nhiều hạn chế.
Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh |
Thầy Võ Tiến Hùng (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm – Hà Tĩnh) chia sẻ rằng, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, hiện tại, Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm chưa đưa những môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật...vào chương trình giảng dạy bởi không có giáo viên dạy những môn học này.
Vốn dĩ, giáo viên dạy những môn này ở tiểu học hay trung học cơ sở vẫn còn thiếu chứ chưa nói đến trung học phổ thông.
Ở một số đơn vị khác, họ có thể đáp ứng được việc đưa những môn học đó vào giảng dạy, nhưng với Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm, năm học tới đây rất có thể những môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật,… sẽ chưa được đưa vào giảng dạy, mà nhà trường chỉ đáp ứng được những môn học trong điều kiện cho phép.
Kể cả có dùng các hình thức tuyển chọn, thì ở những vùng sâu vùng xa cũng rất ít người đến”.
Không chỉ có Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) chưa xây dựng phương án đưa Âm nhạc, Mỹ thuật vào giảng dạy, mà Trường Trung học phổ thông Lộc An (Lâm Đồng), việc chưa tuyển dụng các giáo viên dạy môn tự chọn này cũng đang được dự tính.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hoàng Vũ (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc An – Lâm Đồng): “Cũng giống như nhiều trường trung học phổ thông khác, hiện nay ở trường tôi chưa có giáo viên giảng dạy các môn tự chọn. Đối với những môn như Âm nhạc, Mỹ thuật thì nhà trường chưa xây dựng phương án có các môn này vào giảng dạy.
Mà thay vào đó, trong trường hợp nếu có học sinh đăng ký, nhà trường sẽ gửi học ghép với các trường khác theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng”.
Như vậy, kể từ lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến thời điểm hiện nay thì cũng đã gần 5 năm nhưng khi các trường phổ thông bước vào áp dụng giảng dạy thì nhiều môn học mới vẫn chưa có giáo viên. Nhiều giải pháp, đề xuất đã được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng này.
Một trong số đó là đề xuất để cử nhân chuyên ngành phù hợp với Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Ngoại ngữ 2,..(nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và chưa có kinh nghiệm) tham gia giảng dạy với hình thức thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng. Tuy nhiên, những trường hợp này phải đảm bảo bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày đi dạy.
Đánh giá về đề xuất này, thầy Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Cẩm Bình (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Đề xuất trên về mặt tích cực sẽ tạo điều kiện cho các bạn cử nhân có chuyên ngành liên quan đến Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ,… mà không phải cứ bắt buộc là chuyên ngành sư phạm. Nhưng với quan điểm của tôi, đã đi dạy thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Bởi đây là điều kiện tối thiểu của nhà giáo”.
Đồng tình với quan điểm đó, thầy Nguyễn Tiến Thạch - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Hà Tĩnh) cho rằng không thể đưa các đối tượng khác vào giảng dạy một cách tràn lan, mà phải dựa trên cơ sở pháp lý chính đáng, đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Theo chia sẻ của một số hiệu trưởng của các trường trung học phổ thông mà phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ, các thầy cô đều bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất về việc thuê hợp đồng với các cử nhân (chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) có chuyên ngành liên quan đến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2,... này, dù cho các cử nhân đó có cam kết sẽ bổ sung chứng chỉ trong một thời hạn nhất định.
Các trường cũng cho biết, dù là lựa chọn hình thức thuê hợp đồng giảng dạy các môn tự chọn, cũng sẽ không lựa chọn đối tượng trên.
Ngoài ra, chi phí để chi trả cho các cử nhân chuyên ngành này trong việc giảng dạy/ thỉnh giảng cũng không hề nhỏ, không phải trường học nào cũng có thể bố trí được.
Vì theo quy định, kinh phí để thuê giáo viên hợp đồng của các trường được chi từ nguồn ngân sách Nhà nước và được thực hiện theo hợp đồng khoán việc.
Tuy nhiên, để chi để chi trả cho giáo viên hợp đồng này, thì rất có thể, nhiều trường sẽ phải cơ cấu lại nguồn nhân sự, lược bớt những giáo viên dạy môn học khác mà không được học sinh chọn nhiều trong tổ hợp môn lựa chọn.