Chưa có hướng dẫn thi tốt nghiệp, xét ĐH, làm sao giúp HS chọn tổ hợp môn đúng?

12/08/2022 06:42
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT quy định số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn.

Ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT đã điều chỉnh một số nội dung trong chương trình tổng thể và chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử bảo đảm bảo yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.

Việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn.

Các môn lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Các trường trung học phổ thông phải cho học sinh chọn lại tổ hợp môn lựa chọn

Trước khi Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ra đời, các trường trung học phổ thông trên cả nước phần lớn đã hoàn thành công việc tuyển sinh lớp 10.

Mỗi học sinh trúng tuyển lớp 10 đã đăng ký nguyện vọng các môn học theo tổ hợp môn do nhà trường xây dựng, trên cơ sở thực tế về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo.

Thế nhưng, Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc, số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn.

Nên tất cả các trường trung học phổ thông trên cả nước phải cho học sinh đăng ký lại môn học, chuyên đề học tập.

Làm sao tư vấn cho học sinh chọn môn học, chuyên đề học tập cho phù hợp?

Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn về thi tốt nghiệp phổ thông chương trình 2018 cũng như xét, thi tuyển đại học như thế nào vào năm 2025 sau khi học sinh lớp 12 học xong chương trình 2018.

Chưa có hướng dẫn về thi tốt nghiệp phổ thông chương trình 2018 khiến các trường trung học phổ thông trên cả nước gặp khó khăn trong xây dựng kế hoạch giáo dục năm học 2022-2023.

Cùng với đó, nhà trường sẽ rất khó khăn trong tư vấn cho học sinh chọn môn học phù hợp năng lực, phẩm chất của học sinh và nhu cầu của xã hội.

Thầy Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Sơn Quang Huyến)

Thầy Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Sơn Quang Huyến)

Thầy Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ “Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc, số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn.

Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn, nên dễ dàng tạo tổ hợp môn học phù hợp thực tế, cơ sở vật chất, giáo viên hiện có hơn.

Nhà trường có kế hoạch tập trung học sinh lớp 10 vào ngày 11/8 để tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho các em chọn môn học tự chọn, các chuyên đề học tập.

Để học sinh thuận tiện, nhà trường đã thiết kế Phiếu đăng ký tổ hợp môn học, gửi cho học sinh”.

Theo đó, Phiếu đăng ký tổ hợp môn học của Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 6 tổ hợp môn học và các chuyên đề học tập tương ứng.

Điều đặc biệt, nhà trường bổ sung thêm khối xét tuyển đại học, cao đẳng tương ứng với từng tổ hợp môn và chuyên đề học tập, giúp các em lựa chọn dễ dàng hơn theo định hướng nghề nghiệp của mình.

Phiếu đăng ký tổ hợp môn học lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc. (Ảnh: Sơn Quang Huyến)

Phiếu đăng ký tổ hợp môn học lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc. (Ảnh: Sơn Quang Huyến)

Em Nguyễn Như Ái, học sinh mới trúng tuyển lớp 10 Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Em thấy nội dung Phiếu đăng ký tổ hợp môn học nhà trường chia sẻ trên mạng rất phù hợp thực tế hiện nay.

Nhìn vào tổ hợp môn và các khối xét tuyển đại học, cao đẳng tương ứng với từng tổ hợp môn và chuyên đề học tập, giúp em chọn lựa chính xác tổ hợp môn học hơn, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình”.

Nên chăng, các trường trung học phổ thông trên cả nước có thể học tập mô hình của trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để cho học sinh lựa chọn lại tổ hợp môn sau khi Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT được ban hành.

Mĩ thuật, Âm nhạc sẽ không được dạy ở trường trung học phổ thông?

Thực tế hiện nay, các trường trung học phổ thông trên cả nước phần lớn chưa có biên chế giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc.

Có chỉ tiêu biên chế giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc, nhưng để tuyển được rất khó, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra tình trạng “Đỏ mắt” tuyển giáo viên mỹ thuật, âm nhạc".[1]

Để có giáo viên dạy Mĩ thuật, Âm nhạc, nhà trường bắt buộc phải hợp đồng giáo viên từ các trường trung học cơ sở hay tiểu học trên địa bàn.

Việc hợp đồng giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc từ các trường trung học cơ sở hay tiểu học trên địa bàn sẽ gặp không ít khó khăn về bố trí thời khóa biểu sao cho phù hợp, kinh phí chi trả thế nào…

Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT không chia thành các nhóm môn trong 9 môn tự chọn, học sinh chỉ cần chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn, nhà trường dễ dàng “lách luật” loại bỏ môn Mĩ thuật, Âm nhạc trong các tổ hợp môn đưa ra cho học sinh lựa chọn.

Không được học môn Mĩ thuật, Âm nhạc sẽ là thiệt thòi của một số học sinh có năng khiếu và định hướng nghề nghiệp liên quan đến Mĩ thuật, Âm nhạc.

Vì vậy, Bộ cần có giải pháp phù hợp để Mĩ thuật, Âm nhạc sẽ được học sinh chọn lựa, được dạy trong giáo dục phổ thông mới, thay vì chỉ nằm trên văn bản.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT

[1]https://giaoducthoidai.vn/do-mat-tuyen-giao-vien-my-thuat-am-nhac-post573338.html

Sơn Quang Huyến