Mong Bộ Giáo dục sớm có hướng dẫn thực hiện các môn học lựa chọn bậc THPT

01/08/2022 06:54
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện các môn học lựa chọn để các trường kịp thời điều chỉnh kế hoạch dạy học năm học 2022-2023.

Giáo viên sẽ linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung giảng dạy

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Có thể nói, việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử từ môn học lựa chọn thành môn học bắt buộc tuy có sự thay đổi nhưng việc triển khai tại Sở cũng như các nhà trường trên địa bàn tỉnh cơ bản không quá khó khăn về đội ngũ giáo viên, về tổ chức cho học sinh chọn lại tổ hợp và trang bị sách giáo khoa.

Cụ thể, về đội ngũ giáo viên, giáo viên Lịch sử cơ bản đáp ứng tốt cả về số lượng và chất lượng. Chương trình môn Lịch sử hiện hành vẫn giảng dạy từ 35-52 tiết trong một năm cho các khối lớp 10,11,12, (52 tiết/năm đối với lớp 10, 12) nên hiện nay điều chỉnh thành bắt buộc 52 tiết/năm cho các khối lớp khiến số tiết tăng lên không quá nhiều so với chương trình cũ (đối với lớp 11). Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng một cách bài bản, hệ thống sẽ góp phần đáp ứng tốt việc triển khai chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử.

Ông Nguyễn Quốc Anh (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh). (Ảnh: Cổng TTĐT Hà Tĩnh).

Ông Nguyễn Quốc Anh (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh). (Ảnh: Cổng TTĐT Hà Tĩnh).

Về tổ chức cho học sinh chọn lại tổ hợp: Đối với những tổ hợp đã xây dựng có môn Lịch sử vẫn có thể giữ nguyên. Học sinh chọn tổ hợp này sẽ học chương trình Lịch sử 52 tiết bắt buộc (thay vì học chương trình 70 tiết như thiết kế ban đầu). Khi môn Lịch sử được chuyển sang nhóm môn học bắt buộc thì ở nhóm môn lựa chọn của các tổ hợp này sẽ được điều chỉnh.

Chính vì vậy, để triển khai một cách kịp thời, hiệu quả, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện các môn học lựa chọn để các trường kịp thời điều chỉnh kế hoạch dạy học năm học 2022-2023.

Về sách giáo khoa, sách giáo khoa lớp 10 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trên cơ sở điều chỉnh của Bộ, giáo viên sẽ linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh; nội dung điều chỉnh được bồi dưỡng, tập huấn một cách bài bản, hệ thống thì việc triển khai sẽ được đảm bảo”.

Giáo viên Lịch sử dạy thực nghiệm lớp 10 tại Hà Tĩnh tháng 4/2022. (Ảnh: Trường Trung học phổ thông Hồng Lĩnh).

Giáo viên Lịch sử dạy thực nghiệm lớp 10 tại Hà Tĩnh tháng 4/2022. (Ảnh: Trường Trung học phổ thông Hồng Lĩnh).

Thời gian năm học mới đang cận kề, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết: “Để giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện chương trình môn Lịch sử từ môn học lựa chọn chuyển sang bắt buộc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:

Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn cho các các đơn vị tổ chức cho giáo viên môn Lịch sử cấp trung học phổ thông nghiên cứu, góp ý kiến và tổng hợp ý kiến gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức Hội thảo toàn quốc về góp ý điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (theo Công văn số 3054/BGDĐT-GDTrH ngày 15/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan).

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các trường trung học phổ thông khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của học sinh. Cụ thể, mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn, vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Trên cơ sở việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử từ môn học lựa chọn thành môn học bắt buộc; các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai chương trình môn Lịch sử về điều chỉnh thời lượng từ 70 tiết xuống 52 tiết; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn triển khai chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với môn học bắt buộc với 52 tiết/năm học; rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử theo lộ trình”.

Giáo viên nên làm “mềm hoá” các kiến thức

Theo thầy giáo Lê Văn Cường (giáo viên dạy Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Cảm Ân - huyện Yên Bình, Yên Bái) cho rằng: “Bản thân giáo viên dạy Lịch sử, cần đọc kỹ, hiểu kỹ chương trình 52 tiết mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh giản lược từ chương trình 70 tiết. Từ đó, có cách ứng biến linh hoạt, không cứng nhắc.

Có những nội dung tinh giản ở các chủ đề, giáo viên không nên nguyên tắc, cho rằng chỉ là giản lược cơ học mà cần tính đến tính liên tục logic về mặt kiến thức lịch sử của chương trình. Có như vậy, học sinh mới nắm bắt được mạch kiến thức thông suốt, khoa học. Điều này phụ thuộc vào sự tinh tế và linh hoạt trong quá trình lên lớp về mặt phương pháp và kiến thức của mỗi giáo viên”.

Thầy giáo Lê Văn Cường - giáo viên dạy Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Cảm Ân (Ảnh: NVCC).

Thầy giáo Lê Văn Cường - giáo viên dạy Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Cảm Ân (Ảnh: NVCC).

“Để học sinh không chán Sử thì không chỉ là nội dung vĩ mô của chương trình phải hay, hợp lý, mà cái chính nhất vẫn là năng lực phương pháp dạy học của thầy cô. Bài học khô khan hay nhàm chán chủ yếu do người dạy tiếp cận giờ học đó, đối tượng học sinh cụ thể đó như thế nào. Giáo viên nên vận dụng nhiều kỹ thuật dạy học đa dạng phù hợp với từng tiết học, từng đối tượng học sinh.

Chắc chắn sẽ không có một giờ học nào lặp đi lặp lại một kiểu dạy, một phương pháp, một kỹ thuật làm cho học sinh “bắt bài” dẫn đến thở dài mỗi khi thầy cô vào lớp, nếu giáo viên biết làm mới cách dạy của mình, làm mới không khí các giờ học bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn” - thầy Cường phân tích.

Học sinh chăm chú với những câu chuyện lịch sử được thầy Cường chia sẻ. (Ảnh: NVCC).

Học sinh chăm chú với những câu chuyện lịch sử được thầy Cường chia sẻ. (Ảnh: NVCC).

Cuối cùng, thầy Lê Văn Cường cho rằng: “Một trong những kinh nghiệm của bản thân tôi đó là giáo viên nên làm “mềm hoá” các kiến thức bằng phương pháp dạy học Lịch sử kết hợp thơ ca, ứng với các biến cố, sự kiện Lịch sử...

Ngoài ra, trong mỗi tiết học, thầy cô nên chọn một đến hai câu chuyện lịch sử gắn với các nhân vật, sự kiện, hiện tượng có trong bài dạy để khắc sâu kiến thức cho học sinh, cách này học sinh rất đón nhận. Bởi, tâm lý của con người nói chung ai cũng muốn nghe chuyện, nhất lại là các câu chuyện lịch sử thì luôn luôn thú vị và sâu sắc như chính nó từng diễn ra vậy!”.

Ngân Chi