Ngày 12/09, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học.
Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, tại Hội nghị toàn ngành tổng kết năm học 2021- 2022 xác định chủ đề của năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo" với 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Năm vừa qua cũng là năm thứ 3 chúng ta triển khai Luật 34/2018 với nhiều văn bản quy chế mới được ban hành theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học. |
Hội nghị sẽ tập trung bàn những vấn đề lớn nhưng cụ thể của giáo dục đại học và trong toàn ngành, tập trung vào 6 lĩnh vực chuyên môn sâu: tổ chức bộ máy, tuyển sinh, đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
“Chúng ta trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá nhìn nhận khách quan, thực chất về các kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, để có những nhiệm vụ và giải pháp thiết thực có hiệu quả, có tác động đến chất lượng giáo dục đại học toàn hệ thống” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhiều cơ sở đào tạo có quá nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã trình bày báo cáo tổng kết năm học 2021 – 2022.
Số liệu tuyển sinh đại học chính quy năm 2021, 2022. |
Về tình hình tuyển sinh của năm học 2021 – 2022, kết quả tuyển sinh đặc biệt tốt, là một sự thành công lớn của các trường đại học trên cả nước, đặc biệt là tuyển sinh đại học chính quy.
Tỷ lệ thực học, nhập học trong năm 2021 – 2022 là cao nhất từ trước tới giờ. Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ có tỷ lệ thấp nhất trong các trình độ đào tạo.
Công tác tuyển sinh 2021 – 2022 đã đảm bảo sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng quy chế trong toàn bộ các khâu.
Quy mô đào tạo trình độ đại học. |
Tuy nhiên, còn tồn tại hạn chế như chưa đầu tư đảm bảo chất lượng để tương ứng với số lượng tuyển sinh; một số trường còn tuyển sinh thấp so với năng lực; việc xác định và thực hiện chỉ tiêu đào tạo sau đại học có sự giảm sút; một số cơ sở đào tạo chưa thực hiện công khai hoặc công khai chưa được đầy đủ theo quy định, đặc biệt là những điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí, quản lý văn bằng chứng chỉ,...
Năm học 2022, việc thực hiện tuyển sinh chưa xong nhưng nhìn lại cho đến thời điểm này cho thấy, các khâu đều tiến hành trực tuyến, việc xét tuyển và xử lý nguyện vọng chung đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh cũng như các cơ sở đào tạo.
Đối với các phương thức xét tuyển sớm có tới gần 400.000 thí sinh được công bố đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng chỉ có 35% thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào phương thức xét tuyển sớm, 30% thí sinh đăng ký các nguyện vọng 2, 3, 4,... Còn 35% thí sinh là không đăng ký vào nguyện vọng xét tuyển sớm nào. Việc xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm có số lượng ảo rất nhiều, các trường khó dự báo số lượng thí sinh ảo.
Số lượng thí sinh xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ xác định nhập học ngay cũng chỉ chiếm 28%.
Điểm đáng lưu ý là năm 2022, nhiều trường có quá nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau và việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cũng chưa hợp lý giữa các phương thức nên gây ra khó khăn cho thí sinh cũng như toàn hệ thống. Vì vậy, các trường cần cân nhắc số lượng các phương án tuyển sinh và thông báo sớm cho xã hội.
Về kết quả đào tạo, năm 2021 – 2022, việc mở ngành đào tạo các trình độ được các trường rất quan tâm và có sự gia tăng qua các năm.
Quy mô đào tạo, khối ngành thứ 7 (khối ngành nhân văn, khoa học xã hội, báo chí, thông tin, dịch vụ, xã hội) gia tăng ở trình độ đại học.
Có sự chênh lệch giữa các nhóm ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên, nghệ thuật, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là những ngành tương đối yếu thế trong tuyển sinh những năm qua.
Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng kết quả đào tạo còn một số hạn chế như một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện quyền tự chủ, nhất là tự chủ mở ngành đào tạo; quy mô đào tạo sau đại học có xu hướng giảm; chênh lệch lớn về định hướng đào tạo cho người học giữa các khối ngành, trong đó có nhiều ngành quan trọng; truyền thông tư vấn hướng nghiệp ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả.
Hơn 90% cơ sở giáo dục đại học đã kiện toàn Hội đồng trường
Về tổ chức bộ máy, đội ngũ, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết, tự chủ bộ máy có sự tiến bộ so với năm học trước, năm 2020-2021 có khoảng 80% các cơ sở giáo dục đại học thực hiện được kiện toàn Hội đồng trường thì năm học 2021-2022, con số này đã lên tới hơn 90% (chưa tính các đơn vị thuộc Bộ Công An, Bộ Quốc phòng).
Năm học này chúng ta đang triển khai sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 99, Bộ đang phối hợp với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh để ban hành sổ tay về công tác nhân sự trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021 có 0,89% là giáo sư; 6,21% là phó giáo sư, 25,19% trình độ tiến sĩ, 60,35% trình độ thạc sĩ và 7,36% trình độ đại học. Tuy nhiên số lượng giáo sư và phó giáo sư lại có sự giảm sút.
Tồn tại hạn chế trong tổ chức bộ máy là một số cơ sở đào tạo chưa xây dựng đề án vị trí việc làm, bộ máy lãnh đạo chưa kịp thời hoàn thiện; một số văn bản quy chế chưa được ban hành, đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động và quy chế tài chính; còn một số vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cũng như đào tạo cán bộ viên chức; vẫn có một số trường chưa thống nhất chức danh bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường.
Về công tác nghiên cứu khoa học, các bài báo các công bố khoa học của cả nước qua 3 năm tăng khá đều, ghi nhận sự đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong số lượng công bố quốc tế trong hệ thống Scoupus là rất lớn.
Kết quả công bố khoa học quốc tế. |
Tuy nhiên, hạn chế là hoạt động nghiên cứu khoa học nhiều nơi còn tản mạn, chưa thực sự có những đóng góp nổi bật; chưa có sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học; hạn chế trong việc sự dụng kết quả nghiên cứu cho đào tạo; doanh nghiệp chưa tham gia nhiều phối hợp với trường đại học trong công tác nghiên cứu.
Về hợp tác quốc tế, các đề án, chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đã góp phần đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Hạn chế là một số du học sinh chưa hoàn thành khóa học hoặc vi phạm nên phải đền bù chi phí đào tạo; một số cơ sở đào tạo chưa chú trọng thu hút đào tạo lưu học sinh nước ngoài.
Về đảm bảo chất lượng, số cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo được công nhận kiểm định được tăng cường; đáng lưu ý là số lượng chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn kiểm định nước ngoài.
Một số tồn tại hạn chế về đảm bảo chất lượng như còn có cơ sở đào tạo chưa có hoạt động thanh tra nội bộ đúng quy định; có cơ sở đào tạo chưa công khai hoặc công khai chưa được đầy đủ về các điều kiện đảm bảo chất lượng; một số cơ sở đào tạo chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật theo hướng dẫn của Thông tư 14/2019 để xây dựng được mức thu học phí, các mức giá về dịch vụ chúng ta cung cấp.
Nhìn nhận lại những tồn tại hạn chế, bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế. Nhận thức và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cũng còn hạn chế. Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn. Công tác tuyển sinh, phương thức xét tuyển ngày càng phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý.
Một số cơ sở đào tạo còn chậm trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy và học. Về các điều kiện đảm bảo chất lượng, một số nơi chưa đảm bảo duy trì ngành đào tạo, đáp ứng gia tăng số lượng, duy trì và nâng cao chất lượng. Còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu… Thanh tra nội bộ chưa thực sự là lực lượng hữu hiệu trong quản trị nhà trường.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nói trên, trước hết là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hoàn chỉnh. Nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ; năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Còn các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết. Nguồn lực cho giáo dục đại học còn rất hạn chế.