Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổng hợp nhanh về bức tranh điểm chuẩn của một số trường “hot” về đào tạo 2 ngành Báo chí và Luật.
Nhìn chung, điểm chuẩn 2 ngành này có sự tăng nhẹ so với năm ngoái, đặc biệt ở tổ hợp khối C00.
Đối với ngành Báo chí, theo kết quả khảo sát của phóng viên, hiện nay điểm trúng tuyển cao nhất thuộc về ngành Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội với mức điểm gần như tuyệt đối là 29,9/30 điểm - khối C00. Trước đó, năm 2021, điểm chuẩn ngành báo chí của trường cũng ở mức cao khi lấy tới 28,8 điểm (tổ hợp C00).
Điểm chuẩn ngành Báo chí cũng giữ vị trí cao nhất trong các ngành đào tạo của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, năm nay, ngành Báo chí của trường có điểm đầu vào là 28,25/30 điểm (tăng 0,45 điểm so với năm 2021).
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng có điểm chuẩn ngành Báo chí khá cao. Cụ thể, điểm chuẩn trúng tuyển ngành Báo chí của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm nay là 27,5/30 điểm (tăng 0,9 điểm so với năm 2021), như vậy thí sinh phải đạt ít nhất trung bình mỗi môn trên 9 điểm mới đỗ.
Ngành Báo chí của Trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lấy 24,4/30 điểm. Đây là năm đầu tiên trường chính thức đào tạo ngành Báo chí, với điểm đầu vào 24,4 điểm - nghĩa là ít nhất 8,1 điểm mỗi môn.
Trong năm đầu tiên tuyển sinh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chỉ tuyển tại cơ sở đào tạo phía Bắc với 60 chỉ tiêu dành cho các thí sinh đăng ký xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Riêng đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường xét điểm trúng tuyển theo thang điểm 40 với cách tính như sau:
Điểm xét tuyển theo thang 40 = tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông sau khi nhân hệ số theo tổ hợp đã đăng ký + điểm ưu tiên hoặc khuyến khích x 4/3.
Năm nay, chuyên ngành Báo truyền hình có điểm trúng tuyển cao nhất trong số các chuyên ngành Báo chí của trường với điểm đầu vào là 37,19/40 điểm. Như vậy, thí sinh phải đạt khoảng 9,3 điểm mỗi môn (nếu không có điểm cộng) thì mới chắc chắn khả năng đỗ.
Điểm xét tuyển theo các hình thức khác cũng có yêu cầu khá cao. Điển hình như hình thức học bạ trung học phổ thông cũng yêu cầu mỗi môn phải đạt 9,25 điểm. Với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi IELTS thì kết quả IELTS phải đạt từ 7.0 trở lên mới đỗ.
Trước đó, năm 2021, chuyên ngành Báo truyền hình cũng là ngành học có điểm đầu vào cao nhất - 28/30 điểm.
Đối với ngành Luật có sự biến động nhẹ, có trường tăng gần 1 điểm, cũng có trường điểm chuẩn “hạ nhiệt” hơn so với năm ngoái.
Cụ thể, năm nay Trường Đại học Luật Hà Nội có điểm chuẩn đầu vào cao nhất với 29,5/30 ngành Luật Kinh tế (tăng 0,25 điểm so với năm 2021).
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là một địa chỉ đào tạo ngành Luật uy tín được nhiều thí sinh lựa chọn. Năm nay, ngành Luật lấy 28,25/30 điểm ở tổ hợp C00 (tăng 0,5 điểm so với năm 2021).
Học viện Tòa án năm nay cũng có điểm chuẩn tăng hơn so với năm ngoái. Mức điểm cao nhất cũng ở mức gần chạm đỉnh là 29/30 điểm đối với thí sinh nữ khối C00 ở miền Bắc. Trong khi đó, cùng lựa chọn khối xét tuyển, thí sinh nữ phía Nam phải đạt mức 28 điểm.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm nay lấy điểm đầu vào ngành Luật là 27,5/30 điểm (tổ hợp khối C00), nghĩa là thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn (nếu không có điểm cộng) thì mới đỗ. Năm 2021, ngành Luật của trường có điểm chuẩn là 26,6 điểm (tổ hợp khối C00).
Hầu hết các trường khác đều có điểm chuẩn tăng nhẹ, tuy nhiên Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh lại giảm nhẹ điểm đầu vào. Theo đó, năm nay trường lấy điểm chuẩn năm 2022 cao nhất 27,5, thấp nhất 22,5.
Năm 2021, trường lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 24,5 điểm đến 28,5 điểm, như vậy năm nay, điểm chuẩn cao nhất của trường đã giảm 1 điểm.
Lý giải sự biến động của nhóm ngành liên quan đến khối C, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu do biến động về chỉ tiêu của các trường và đặc biệt là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Căn cứ vào phổ điểm khối C00 (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý), từ khoảng điểm 15 - 30 thì: năm 2021, tổng số lượt thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên là 522.318 em. Năm 2022, con số này là 586.432 thí sinh, tăng khoảng hơn 64.000 em so với năm trước.
Biểu đồ so sánh dưới đây về dữ liệu điểm thi từ điểm 9 trở lên đối với các môn trong tổ hợp khoa học xã hội các năm 2021, 2022 cũng cho thấy, số lượng điểm cao năm nay tăng vọt.
Theo kết quả thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, cả nước có 659,667 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6.34 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm - trong khi năm 2021 điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm.
Đặc biệt, số lượng thí sinh đạt từ điểm 9 trở lên cao kỷ lục. Theo đó, cả nước có 1.779 bài thi đạt điểm 10 trong khi năm 2021 chỉ có 266 bài thi đạt điểm tuyệt đối. Số bài đạt điểm 9,75 là gần 3.800 bài thi, năm 2021 chưa đến 1.000 bài thi đạt điểm số này.
Môn Địa lý, cả nước có 657,423 thí sinh tham gia thi bài thi này, trong đó điểm trung bình là 6.68 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình là 7.3%.
Điểm thi môn Ngữ văn năm nay nhìn chung tương đương với năm 2021, tuy nhiên cũng có nhiều con số thống kê rất khả quan. Cụ thể, năm nay có 5 bài thi đạt điểm 10, cao hơn so với năm 2021 (cả nước chỉ có 2 điểm 10), có khoảng 24.154 thí sinh đạt điểm 9 môn Ngữ văn trở lên.
Ngoài ra, năm nay các trường có xu hướng các trường đại học mở rộng chỉ tiêu xét tuyển học bạ, thu hẹp chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả trung học phổ thông, do đó điểm số xét tuyển lại có sự cạnh tranh khốc liệt hơn các năm về trước.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, đại diện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Báo chí luôn là ngành hot thu hút đông đảo thí sinh quan tâm và có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất của trường những năm trở lại đây.
Theo bà Hương, năm nay, tỷ lệ chọi của khối C00 ngành Báo chí của trường là khoảng 1 chọi 500.
Bên cạnh việc điểm của thí sinh tăng cao, theo Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay ngành Báo chí của trường tuyển 110 chỉ tiêu cho hệ đại trà và chất lượng cao, nhưng có tới 2.544 nguyện vọng xét tuyển ở 5 phương thức.
Trong 55 chỉ tiêu hệ đại trà, có 25 chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp với 6 tổ hợp gồm A01, C00, D01, D04, D78, D83.
Những năm trở lại đây, ngành Báo chí và Luật cũng là những ngành "hot" nhận được sự quan tâm của đông đảo các thí sinh. Do đó, hồ sơ đăng ký vào hai ngành này ngày càng tăng cao hơn so với các năm trước.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay thí sinh bắt buộc xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ trong thời gian từ ngày 16/9 đến ngày 30/9. Đồng thời, thí sinh cần lưu ý chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để nộp hồ sơ nhập học.