Chuyên gia chỉ sai lầm nghiêm trọng ở sách Cánh Diều giới thiệu về nghề làm việc

26/09/2022 06:54
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhóm tác giả không có hiểu biết về hệ thống phân loại của nhà nước cũng như sự khác nhau về bản chất của ngành/nghề đào tạo với nghề làm việc.

Cuốn Trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10 của bộ sách Cánh Diều bắt đầu được sử dụng từ năm học này.

Trong chủ đề 7 Thông tin nghề nghiệp các tác giả đã dẫn Thông tư 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng để giúp học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề làm việc trong xã hội. Nhìn từ góc độ hướng nghiệp cho học sinh trung học, nhiều chuyên gia nhận định đây là một sai lầm nghiêm trọng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Cần rõ ràng ngành học/ngành đào tạo - nghề làm việc - ngành/lĩnh vực kinh tế

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, khi thực hiện các hoạt động tư vấn về hướng nghiệp, chọn nghề và phát triển sự nghiệp, những người biên soạn sách giáo khoa luôn cần phân biệt cho học sinh 3 khái niệm có liên quan nhưng lại rất khác nhau, đó là: ngành học/ngành đào tạo - nghề làm việc và ngành/lĩnh vực kinh tế.

“Cả ba lĩnh vực trên đều có các văn bản pháp lý về phân loại, phản ánh bản chất khác biệt của chúng. Về danh mục ngành đào tạo có Quyết định 01/2017/QĐ-TTg Ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân với các Mã ngành cấp I, II và III.

Trên cơ sở Quyết định này Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Thông tư 26/2020/TT-BLĐTBXH Ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và Bộ Giáo dục và Đào tạo có 09/2022/TT-BGDĐT Quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học (mã ngành cấp IV).

Trong cuốn Trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10 của bộ sách Cánh Diều nêu về nhóm nghề được trích tại Thông tư 26/2020 của Bộ Thương binh - Lao động và Xã hội.

Trong cuốn Trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10 của bộ sách Cánh Diều nêu về nhóm nghề được trích tại Thông tư 26/2020 của Bộ Thương binh - Lao động và Xã hội.

Đối với hệ thống thống kê về lao động việc làm, các khái niệm và phân loại tuân thủ theo Quyết định 34/2020/QĐ-TTg ngày 26/11/2020 ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam. Mặc dù các văn bản pháp lý này có rất nhiều khái niệm tương tự nhau nhưng lại có ý nghĩa khác nhau trong các bối cảnh.

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, Thông tư 26 của Bộ Lao động chỉ quy định phân loại các ngành nghề đào tạo thuộc các trình độ trung cấp và cao đẳng của giáo dục nghề nghiệp, chứ không phải phân loại nghề làm việc.

Có thể nói, việc đưa phân loại ngành nghề đào tạo theo Thông tư 26 của Bộ LĐTB&CH vào làm căn cứ cho học sinh tìm hiểu thế giới nghề nghiệp là sai lầm lớn nhất của nhóm biên soạn sách giáo khoa, bởi nó chứng tỏ nhóm tác giả không có hiểu biết về hệ thống phân loại của nhà nước cũng như sự khác nhau về bản chất của ngành/nghề đào tạo với nghề làm việc.

Bên cạnh đó, những người biên soạn sách trải nghiệm và hướng nghiệp còn thiếu các kiến thức về công tác hướng nghiệp để hình dung về thế giới việc làm cần giới thiệu cho học sinh.

“Nhóm biên soạn liệt kê ra những danh mục nghề như nghề đào tạo giáo viên, nghề an ninh - quốc phòng… nhưng đây không phải là nghề làm việc, mà là cụm ngành học, ngành đào tạo, không phải là khái niệm về nghề làm việc”, Tiến sĩ Phương cho hay.

Nghề học và ngành học khác nhau như nào?

Theo Tiến sĩ Phương, chúng ta phải phân biệt rành rọt ngành đào tạo với nghề làm việc vì có những khái niệm được sử trong cả hai hệ khái niệm.

Ví như các trường đại học có đào tạo ngành kế toán, bên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đào tạo nghề kế toán, tuy nhiên nghề kế toán (nghề làm việc) lại không giống như ngành kế toán.

Theo đó, trong ngành kế toán, người học sẽ học những kiến thức cơ sở ngành như nguyên lý kế toán, kế toán quản trị, kế toán chi phí, kiểm toán,… đến các kiến thức chuyên sâu của ngành như Kế toán ngân hàng, Kế toán tài chính, Thuế, Kế toán công công ty chứng khoán, phân tích báo cáo tài chính, nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối.

Tuy nhiên khi học xong ngành kế toán người ta có thể đi làm Chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, giao dịch ngân hàng, thuế, kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính; Nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên quản lý dự án, nhân viên phòng giao dịch và ngân quỹ; Thanh tra kinh tế, nghiên cứu tài chính hay giảng dạy về kế toán. Còn bản thân nghề kế toán có thể tuyển dụng người có bằng cấp về kế toán hay toán, thống kê, kinh tế…

Dùng sai khái niệm, người học dễ ảo tưởng

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, nếu sử dụng danh mục ngành nghề đào tạo của Bộ Lao động để coi đó như sự giới thiệu về thế giới việc làm, người học sẽ hiểu sai khái niệm, dễ dẫn đến ảo tưởng cho người học là học xong nghề đó là có việc làm. Đồng thời, ngành nghề đào tạo của Bộ Lao động chỉ phân loại trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, còn thiếu các ngành đào tạo trình độ đại học, sau đại học.

“Nhóm biên soạn đã thể hiện sự nhầm lẫn rất sơ đẳng, bởi ngành đào tạo và nghề làm việc là hai câu chuyện khác nhau”, Tiến sĩ Phương chia sẻ.

Trước câu hỏi về những sai sót trên của nhóm biên soạn sách giáo khoa, vậy cách sửa chữa lỗi này ra sao, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay:

“Nếu nhóm biên soạn vẫn đi tiếp mạch định hướng này ở những cuốn sách giáo khoa các lớp tiếp theo, việc hướng nghiệp sẽ bị lệch hướng hoàn toàn. Họ đã sai khi sử dụng Thông tư mã ngành đào tạo của Bộ Lao động để giới thiệu việc làm cho học sinh, đáng ra phải sử dụng Quyết định 34 của Thủ tướng thì mới đúng mục về việc làm.”

Để sửa những lỗi trên, nhóm biên soạn phải thay toàn bộ các nội dung hướng nghiệp để phán ánh đúng bản chất của công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học”.

Mở rộng vấn đề, tiến sĩ Phương cho rằng, qua tham khảo bộ sách Cánh diều, ông nhận thấy việc hướng nghiệp chỉ là phần nhỏ trong chương trình biên soạn. Bên cạnh đó, học sinh có rất ít cơ hội để tiếp xúc nghề nghiệp thực tế, bởi việc chương trình hướng nghiệp chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ và chủ nhiệm lớp. Từ thực tế đó, chúng ta có thể nhìn thấy dù đưa hướng nghiệp vào nhà trường nhưng tương lai giáo dục hướng nghiệp với cách thức triển khai như này thì hiệu quả cũng sẽ khó khá hơn bây giờ.

“Tôi sợ rằng, chương trình hướng nghiệp sẽ biến hóa thành hoạt động thi đua, kiểm điểm trên lớp. Học sinh học xong hệ khái niệm này sẽ không có được sự hình dung đúng đắn thế giới nghề nghiệp, từ đó các em không chọn được nghề đúng bản chất”, Tiến sĩ Phương chia sẻ.

Mạnh Đoàn