Chi tiết số lượng nhà giáo ở từng cấp học
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2021-2022, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.404.120 người.
Trong đó, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông là 1.226.961 người (công lập 1.091.730, ngoài công lập: 135.231; biên chế 1.042.807, hợp đồng trong các trường công lập 48.923).
Các cơ sở giáo dục đại học có 89.004 nhà giáo (công lập 67.743, ngoài công lập 21.261 người).
Các trường cao đẳng sư phạm có 3.604 người.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 85.091 nhà giáo (37.235 nhà giáo trong các trường cao đẳng, 13.295 nhà giáo trong các trường trung cấp, 23.086 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và có gần 10.343 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
Tổng số cán bộ quản lý giáo dục: 154.200 người, trong đó cấp học mầm non, phổ thông là 133.200 người; khối phòng, sở, Bộ là 15.900 người; cán bộ quản lý trường đại học là 5.100 người.
Tổng số nhân viên kế toán, y tế trong các trường học: 38.081 người.
Biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.
Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.
Ảnh minh hoạ: L.H |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá chất lượng của đội ngũ nhà giáo như sau:
Ưu điểm: Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục về cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2005), tương đối hợp lý về cơ cấu; hầu hết có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt; có lòng yêu nghề; có tinh thần trách nhiệm trong công việc; tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các nhà trường cũng như yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào xây dựng và phát triển đất nước;
Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học;
Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là các nhà giáo giỏi được điều động sang làm công tác quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, cơ bản đáp ứng được công tác lãnh đạo và quản lý ở các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục.
Tồn tại, hạn chế: Bên cạnh những kết quả, ưu điểm nổi bật ở trên, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo trong những năm qua còn có những tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, đối với đội ngũ nhà giáo: Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại, đặc biệt là thiếu giáo viên ở những vùng có địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chưa đủ giáo viên các môn chuyên biệt ở cấp học phổ thông; -
Trước yêu cầu tinh giản biên chế, ngành Giáo dục càng gặp khó khăn trong việc đảm bảo quyền học tập của học sinh, đáp ứng đòi hỏi gia tăng về quy mô trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục.
Chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo chưa cao, một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu đổi mới giáo dục. Còn có nhà giáo thiếu động lực, nhận thức không đầy đủ, ngại khó trong đổi mới giáo dục;
Số lượng nhà giáo có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học vẫn còn thấp; đội ngũ nhà giáo cốt cán chưa đủ mạnh nên chưa thực sự phát huy được vai trò tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học giáo dục tại các địa phương, cơ sở giáo dục;
Một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn bộc lộ những hạn chế về năng lực và động lực đổi mới.
Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành;
Điều kiện làm việc và chế độ chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, chưa tạo động lực cho đội ngũ trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng cao, chưa bảo đảm bình đẳng giữa khu vực công và tư.
Thứ hai, đối với đội ngũ cán bộ quản lý: Đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng như cán bộ quản lý giáo dục cấp phòng, sở hầu hết đều từ giáo viên chuyển sang làm công tác quản lý nên kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và quản trị trường học còn hạn chế;
Việc chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi của nhà giáo khi được điều chuyển sang làm công tác quản lý giáo dục ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp ảnh hưởng đến thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến kết quả của công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động giáo dục và khó thu hút được giáo viên giỏi về công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục.
Thứ ba, đối với đội ngũ nhân viên: Nhiều nhân viên hiện đang công tác trong các cơ sở giáo dục có vị trí việc làm nhưng chưa có tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dẫn đến việc bổ nhiệm vào hạng và xếp lương còn bất cập;
Các chương trình bồi dưỡng nhân viên chưa được xây dựng bài bản nên công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên còn hạn chế;
Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo cho đội ngũ yên tâm công tác và tâm huyết với nghề.