Từ nhiều năm nay, câu chuyện giữ hay giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh luôn được đưa ra bàn luận khá nhiều vào thời điểm đầu năm học, lúc mà tình trạng lạm thu ở các trường học xảy ra nhiều nhất nhưng rồi mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu.
Việc nhiều ý kiến lên tiếng giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng có những lý do riêng bởi một số hiệu trưởng nhà trường đang “mượn tay” Ban đại diện cha mẹ học sinh để quyên góp, vận động đại trà phụ huynh đóng góp các khoản đóng góp “tự nguyện” theo kiểu tận thu và dĩ nhiên những trường hợp như vậy đang làm trái với những văn bản hiện hành.
Nếu giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh thì dễ vô cùng nhưng giữ được và làm đúng chức năng, phát huy được vai trò thì càng trân quý hơn vì thực tế nhiều trường học đang rất cần sự hỗ trợ từ những bậc cha mẹ học sinh trong nhà trường.
Vấn đề bây giờ là những người được bầu vào Ban đại diện cha mẹ học sinh có đủ dũng khí để lên tiếng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con em mình và nói không với tình trạng lạm thu hay không mà thôi.
Một số trường học đang để xảy ra tình trạng lạm thu (Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh) |
Ban đại diện cha mẹ học sinh phải hiểu luật và phải là những người đại diện cho số đông phụ huynh
Từ đầu năm học cho đến nay, báo chí đã phản ánh rất nhiều trường học để xảy ra tình trạng lạm thu với các loại tiền "trời ơi, đất hỡi" khiến cho một bộ phận phụ huynh cảm thấy choáng váng và mất niềm tin vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, của trường.
Điển hình, phải kể đến cuộc họp phụ huynh tại lớp 3/10 Trường Tiểu học An Hội (Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh), một thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh còn lên tiếng rằng: “với những phụ huynh thật sự khó khăn, em cũng đã từng nói với phụ huynh rằng đừng theo chung cái lớp này đóng không có nổi”. Xem clip buổi họp phụ huynh này, nhiều người còn ví von đó như một cuộc “đấu tố” phụ huynh nghèo.
Bởi lẽ, trường công lập là trường dành cho tất cả học sinh không kể giàu hay nghèo chứ không phải là dành riêng cho một bộ phận phụ huynh giàu có.
Trường học là nơi phải có kỷ cương, tình thương và trách nhiệm và không phải phụ huynh có tiền vào Ban đại diện cha mẹ học sinh rồi chi phối các hoạt động của lớp học.
Vì thế, việc làm của một phụ huynh lớp 3/10 Trường Tiểu học An Hội vừa qua đã không thực hiện đúng vai trò, chức năng của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định rõ ở Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Điều 5 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT đã hướng dẫn nhiệm vụ, quyền của trưởng ban và các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp như sau: “Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học; Chuẩn bị các cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh và cuộc họp cha mẹ học sinh, tổ chức việc thu thập nguyện vọng và kiến nghị của cha mẹ học sinh”.
Theo đó, quyền của trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cũng được quy định rõ: “Phân công nhiệm vụ cụ thể cho phó trưởng ban và các thành viên, chủ trì các cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thay mặt Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh;
Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp về hoạt động của cha mẹ học sinh, phản ánh ý kiến của cha mẹ học sinh về chất lượng giáo dục và chất lượng dạy học; Cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp xem xét, đề nghị tuyên dương, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật đối với học sinh của lớp”.
Như vậy, về cơ bản thì chức năng của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không phải là đứng ra vận động những khoản tiền mà Bộ không cho phép. Việc vận động phụ huynh đóng theo kiểu cào bằng lại càng sai, gây ra những bức xúc cho người trong cuộc và phản cảm cho xã hội.
Bên cạnh đó, một số trường học còn có chuyện Ban đại diện cha mẹ học chi tiền quà, tiền “chăm cô” cho giáo viên và cán bộ nhân viên nhà trường càng khiến cho xã hội hoài nghi về Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Dù biết biết rằng người Việt mình từ xưa đến nay vốn trọng cái nghĩa, cái tình và đề cao truyền thống “tôn sư trọng đạo” nhưng chẳng lẽ ngày 20/11, ngày Tết thầy cô lại đang tay cầm những đồng tiền của phụ huynh học sinh hay sao?
Từ bao giờ, “văn hóa phong bì” đã len lỏi vào trong trường học? Từ bao giờ một bộ phận giáo viên xem chuyện nhận phong bì của phụ huynh và học sinh là điều nghiễm nhiên như vậy? Đọc, cảm nhận, sao mà thấy xót xa quá.
Bởi lẽ, có biết bao nhiêu thầy cô giáo đang công tác ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đang bớt chút đồng lương ít ỏi của mình góp vào quỹ khuyến học của nhà trường, địa phương. Nhiều thầy cô còn gom góp những đồng lương của mình để tặng quà cho học trò…
Rõ ràng, việc một số trường học được báo chí phản ánh đã làm mất đi niềm tin của nhiều phụ huynh trong các lớp học này, nhất là những phụ huynh nghèo khi gánh nặng tiền trường đè lên vai của họ quá lớn.
Giữ hay giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ còn tiếp tục được bàn luận trong những năm học tới đây
Thực ra, giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh không khó bởi thực tế nhiều phụ huynh rất ngại khi được giới thiệu và bầu vào Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường học vì họ đang “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Bởi vì, vào Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp hay trường đều là những người làm việc không công và đôi lúc rất mất thời gian vào công việc của lớp, của trường.
Tuy nhiên, bỏ qua chuyện tiền bạc mà dư luận đang lên tiếng, những thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh thường hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm và nhà trường rất nhiều, đặc biệt là những khu vực khó khăn ở thời điểm đầu năm học.
Những vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn thì tỉ lệ học sinh bỏ học thường rất cao.
Chính vì thế, đầu năm học, nhà trường sẽ phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương đi đến từng nhà học sinh có nguy cơ bỏ học để vận động phụ huynh cho con em mình đến trường.
Khi Ban đại diện cha mẹ học sinh thường là những người địa phương, nhiều khi là hàng xóm, thậm chí là những người anh em của những phụ huynh có con đang có nguy cơ bỏ học nên họ dễ nói chuyện và dễ thuyết phục hơn những thầy cô giáo. Rất nhiều trường hợp học sinh bỏ học nhưng với sự hỗ trợ của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà nhiều em đã trở lại trường.
Bên cạnh đó, nhiều thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động các nhà hảo tâm để giúp đỡ những học sinh nghèo từ những chiếc xe đạp, quần áo, cặp sách…vì trường nào cũng có rất nhiều học sinh khó khăn.
Vì thế, giữ Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng là một việc làm hữu ích cho học sinh, phụ huynh nếu như Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là “những cánh tay nối dài” cho hiệu trưởng khi đứng ra vận động những khoản tiền sai quy định như một số trường học đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua.
Thế nhưng, muốn phát huy được vai trò, trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì điều đầu tiên là trong những buổi họp phụ huynh đầu năm, các lớp mạnh dạn giới thiệu những người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, am hiểu về chính sách giáo dục và có chính kiến rõ ràng. Nếu nhà trường giới thiệu trước, phụ huynh khác có thể lên tiếng hoặc không đồng ý khi biểu quyết.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm Ban giám hiệu nhà trường nếu để xảy ra tình trạng lạm thu. Suy cho cùng, ở trường hợp này, Ban đại diện cha mẹ học sinh một số nhà trường đang bị hiệu trưởng lợi dụng.
Nếu hiệu trưởng không cho phép, không “bật đèn xanh” thì chẳng mấy khi Ban đại diện lại nhiệt tình đứng ra vận động quyên góp làm gì cho mệt.
Vì thế, nếu lập lại quy củ để Ban đại diện cha mẹ học sinh làm đúng vai trò, chức năng của mình và giữ lại vẫn là điều hữu ích cho nhà trường trong bối cảnh hiện nay khi mà các trường học luôn cần sự phối với hợp với phụ huynh trong nhiều công việc cần thiết chứ không đơn giản chỉ là vấn đề tiền bạc.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.