Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo thông tư Quy chế và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Dự thảo lấy ý kiến đến hết ngày 14/12/2022.
Điều 8 Dự thảo thông tư Quy chế và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ghi rõ: Lớp học trong trường chuyên
1. Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm: Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ 1. Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
2. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
3. Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định số môn chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.[1]
Như vậy, dự thảo Quy chế và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Thực tế, trong nhiều trường chuyên hiện nay ở một số địa phương có các lớp “cận chuyên”, lớp “chất lượng cao”… dành cho các em học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp chuyên với mức thu học phí cao hơn nhiều lần so với lớp chuyên.
Chẳng hạn, Trường Trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong khi học sinh chuyên phải nộp mức học phí khoảng 300.000 đồng/tháng thì học sinh không chuyên phải nộp khoảng trên dưới 3 triệu đồng; Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) tương tự, mức học phí của học sinh chất lượng cao cũng cao gấp nhiều lần học sinh chuyên…[2]
Vậy có nên duy trì lớp “cận chuyên”, lớp “chất lượng cao” dành cho các em học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp chuyên trong trường chuyên?
Cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, trường chuyên không có lớp không chuyên là hợp lý.
Cô Lữ Thị Trà Giang (ở giữa), Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu – Ảnh nhân vật cung cấp |
Cô Lữ Thị Trà Giang phân tích: “Trước đây, với dụng ý tận dụng và phát huy tối đa cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn của trường chuyên, nhiều trường trung học phổ thông chuyên đã mở thêm hệ không chuyên với những tiêu chí về chất lượng đầu vào và số lượng học sinh phù hợp với thực tế của trường.
Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã từng có hệ không chuyên, tuy nhiên, chúng tôi đã dừng tuyển sinh từ năm 2014.
Theo tôi, dừng tuyển sinh hệ không chuyên là quyết định cần thiết, đúng đắn. Trong trường trung học phổ thông chuyên không nên mở lớp không chuyên, vì:
Thứ nhất, nhiệm vụ của trường trung học phổ thông chuyên là đào tạo, bồi dưỡng học sinh có tố chất, tài năng. Trung học phổ thông chuyên cần tập trung tối đa nguồn lực cho đối tượng này theo đúng tinh thần của quy chế trường chuyên đã được ban hành.
Ở trường chuyên, học sinh chuyên được hưởng chế độ đãi ngộ riêng, chế độ này không được thực hiện với học sinh không chuyên.
Vì thế, duy trì lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ làm học sinh cảm thấy bất bình đẳng trong học đường, điều đó gây tâm lí không tốt cho học sinh.
Thứ hai, tuyển sinh lớp không chuyên thực chất cũng là 1 hướng mở rộng quy mô của trường chuyên, điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kĩ càng từ cơ sở vật chất đến nhân lực, chương trình giáo dục. Vì thế, sẽ là thách thức lớn với lãnh đạo nhà trường.
Thứ ba, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đặt lại nhiều vấn đề, trong đó có cách tổ chức và phương pháp dạy học, sự kết nối - giao lưu quốc tế...
Ở trường chuyên, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những đặc thù riêng, việc mở thêm hệ không chuyên trong trường gây ra nhiều bất cập, thiếu nhất quán trong công tác chỉ đạo và giảng dạy.
Thứ tư, khi có lớp không chuyên, việc sử dụng nhân sự, phân công trong giảng dạy nếu trường có lớp không chuyên dễ nảy sinh vấn đề phức tạp, dễ dẫn tới thiếu công bằng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của thầy cô giáo.
Vì thế, không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên như dự thảo Quy chế và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, là phù hợp với thực tế".
Cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn nhận cờ thi đua do Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng - Ảnh nhân vật cung cấp |
Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, từ khi không còn lớp không chuyên thì không có ảnh hưởng gì đến hoạt động của nhà trường. Đặc biệt, trường đã có những tiến bộ rõ rệt, nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm học 2021-2022 Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn được Ủy ban nhân dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng danh hiệu Đơn vị xuất sắc.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1595
[2]https://vov.vn/xa-hoi/lop-can-chuyen-trong-truong-chuyen-dang-le-phai-xoa-so-tu-lau-post980707.vov